Vật vã suốt năm ngày vượt qua sóng gió Biển Đông, cuối cùng đảo Đá Lớn cũng dần hiện rõ trước mũi chiếc hải vận hạm HQ-505.
Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn những ngày tham gia bảo vệ chủ quyền Trường Sa - Ảnh: Q.V. chụp lại tư liệu
Anh em trên tàu háo hức dồn ra phía trước để được nhìn ngắm bãi san hô chìm, một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, đang long lanh ẩn hiện dưới làn nước trong vắt. Cảm giác thật xúc động.
Ngay cả những chiến sĩ từng nhiều lần ra vào trấn giữ đảo, hay cánh hải quân đi tàu thuộc nằm lòng quần đảo này như chúng tôi vẫn rạo rực mỗi khi được đứng trước đảo. Cảm giác gần gũi, thân thương và tự hiểu trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người con nước Việt.
Thế trận phòng thủ
Tôi phát lệnh các tổ thủy thủ, chiến sĩ, công binh chuẩn bị bắt tay vào kế hoạch đã được phân công của mình. Nếu có chiến hạm Trung Quốc tới theo dõi, đe dọa, mọi người vẫn kiên quyết làm việc một cách bình tĩnh trên đảo chủ quyền.
Chính thái độ đó buộc những kẻ lăm le xâm lược phải chùn tay. Thời điểm này, tàu cá giả trang lẫn chiến hạm Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng biển Trường Sa.
Họ ngày đêm tìm mọi cách cản trở, kể cả đe dọa dùng vũ lực trước hoạt động xây dựng, bảo vệ quần đảo chủ quyền của Việt Nam.
Chiếc tàu đổ bộ LCU 556 do HQ-505 kéo theo từ đất liền nhanh chóng được anh em nổ máy tự hành chạy vào trong vùng hồ Đá Lớn. Cái pôngtông Đ02 cũng được kéo lên bãi ngầm an toàn.
Sau đó, bộ phận công binh tiếp tục chuyển vật tư công trình tới địa điểm xây dựng cơ sở bảo vệ đảo. Chúng tôi phải tính toán chuẩn xác thủy triều để thực hiện các việc này một cách an toàn và thuận lợi nhất.
Khác với đảo Nam Yết ở cách đó 28 hải lý về phía tây - tây nam, đảo Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước, có chế độ thủy triều là nhật triều với một lần nước lên, một lần nước xuống.
Gió mùa đông bắc, đông nam và tây nam đều tác động đến vùng đảo này, nên tôi dặn anh em chuyên trách phải neo chiếc LCU và pôngtông cẩn thận. Lúc nào trên đó cũng phải có người trực lái, đề phòng bị trôi dạt, hư hỏng trên bãi san hô ngầm.
Ổn định xong công việc neo đậu các tàu và chuyển vật tư, tôi cùng đại úy chính trị viên Võ Tá Du với các sĩ quan chỉ huy bộ phận họp thống nhất phương án bảo vệ đảo.
Tàu vận tải không được trang bị hỏa lực tầm xa mạnh của chiến hạm, chúng tôi bàn phương án hợp đồng tác chiến. Không chỉ HQ-505 mà cả chiếc LCU 556 và pôngtông Đ02 đều sẵn sàng hợp đồng tác chiến khi bị đối phương tấn công.
Vũ khí mạnh nhất của chúng tôi lúc ấy là mấy khẩu pháo 40 li cũ của Mỹ trên HQ-505, còn lại là các súng bộ binh DKZ, B40, B41, trung liên RPD và tiểu liên AK.
Các vũ khí này khó cân sức với pháo hạm hạng nặng tầm xa khi hải chiến, nhưng có thể chống trả đối phương xâm nhập, đổ bộ chiếm đảo.
Cũng như tình hình ở các đảo Trường Sa khác, tàu chiến Trung Quốc và máy bay trên trời thường xuyên tạo áp lực căng thẳng, hung hăng khiêu khích ở Đá Lớn.
Thậm chí có hôm họ còn sử dụng hệ thống loa công suất lớn trắng trợn kêu gọi chiến sĩ hải quân Việt Nam phải rời ngay đảo “của họ”, nếu không sẽ bắn chìm tàu.
Nhiều lượt máy bay theo dõi lượn thấp đến mức có thể thấy cả số hiệu... Một mặt tôi chỉ đạo chiến sĩ bình tĩnh ứng phó phù hợp, tránh mắc mưu khiêu khích dẫn đến nổ súng, mặt khác tất cả luôn sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất phải bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, tôi thường xuyên báo cáo tình hình về đất liền để sở chỉ huy nắm được thông tin chính xác, chỉ đạo cần thiết kịp thời.
Chúng tôi biết tình hình đang căng thẳng ở khắp Trường Sa. Nhiều chiến hạm Trung Quốc đã tháo bao che pháo, chĩa thẳng hỏa lực đe dọa vào tàu hải vận Việt Nam.
Chiến sĩ hải quân vẫn đang ngày đêm canh giữ chủ quyền đảo Đá Lớn của Việt Nam - Ảnh: Quốc Việt
Hành quân khẩn cấp
Suốt 30 ngày nửa cuối tháng 2, đầu tháng 3-1988 trấn giữ đảo Đá Lớn là kỷ niệm không thể quên đối với những người lính hải quân chúng tôi.
Một số anh em đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia luôn bình tĩnh đối phó với tình hình nóng bỏng. Họ như ngọn “hải đăng” giữa biển để bảo đảm tinh thần cho chiến sĩ trẻ chưa trải qua bom đạn.
Những lúc tạm nghỉ ngơi, mọi người hay nhắc nhớ nhau về các trận chiến đấu, rà phá bom mìn nguy hiểm của hải quân ở biển Hải Phòng, Cửa Việt và gần nhất là các trận tham chiến khốc liệt trước quân Khmer Đỏ tại Campuchia.
Người chiến sĩ hải quân là như thế, luôn kiên cường, sẵn sàng đổ máu cho Tổ quốc mình.
Ngoài công việc xây dựng và trực chiến bảo vệ chủ quyền đảo, một số anh em “sát cá” cũng tranh thủ tăng gia món tươi cho bữa ăn đồng đội. Hoàn cảnh quân đội lúc ấy khó khăn lắm. Bữa ăn đủ cơm tạm đầy bụng là quý lắm rồi, còn thức ăn chỉ lớt phớt để nuốt trôi cơm.
Một tháng ở đảo ai cũng thèm thức ăn tươi, và thật sự rất cần thiết để bảo đảm sức khỏe chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu. Nằm trong cụm đảo Nam Yết, lòng hồ và ngoài rìa thềm san hô đảo Đá Lớn có rất nhiều loài cá ngon.
Nhiều bữa anh em từng là “câu thủ” khét tiếng ở quê nhà đã săn được những con cá thu, cá ngừ, cá chim tươi rói. Nồi cháo cá và những câu chuyện thân tình phần nào giúp người lính trẻ quên được mùa xuân đang ở rất xa trong đất liền...
Đến rạng sáng 13-3-1988, sau đúng một tháng tàu HQ-505 trấn giữ đảo Đá Lớn, tàu HQ-604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng từ Cam Ranh ra.
Trên tàu còn có trung tá Trần Đức Thông, lữ đoàn phó, tham mưu trưởng lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân. Tình hình rất khẩn cấp. Chỉ huy hai tàu tranh thủ thông báo tình hình.
Tôi cho biết sau một tháng làm nhiệm vụ trên biển, tàu HQ-505 chỉ còn khoảng ba ngày lương thực. Trung tá Thông và đại úy Trừ lặng yên nghe rồi nói tình hình rất căng, chúng tôi phải rời đảo Đá Lớn, tiếp tục nhiệm vụ mới.
Hai anh giao cho tôi một mật lệnh của sở chỉ huy được giữ trong phong bì kín. Tôi vội mở ra xem và đến giờ vẫn còn nhớ nội dung chính: Khẩn trương đưa tàu HQ-505 đến chốt giữ đảo Cô Lin thuộc cụm đảo Sinh Tồn trước 18g cùng ngày.
Đi trong đội hình có tàu HQ-604 đến chốt giữ đảo Gạc Ma. Yêu cầu hành trình phải bí mật, bất ngờ, đúng thời gian, đúng vị trí, xử lý tình huống chính xác khi đối phương ngăn chặn, cản đường, không để mắc mưu.
12g30 ngày 13-3-1988, tàu HQ-505 và HQ-604 cùng xuất phát đến điểm nóng Gạc Ma, Cô Lin...
Trong lúc thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận mật lệnh hành quân đến Cô Lin, đại úy Lê Lệnh Sơn, thuyền trưởng tàu HQ-605, cũng mở mật thư của Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương lệnh phải bảo vệ đảo Len Đao.
Đại úy Sơn kể đang làm nhiệm vụ chở vật liệu xây dựng và bảo vệ đảo Thuyền Chài thì được yêu cầu 11g ngày 13-3-1988 phải có mặt ở đảo Tốc Tan. Tại đây, đại úy Sơn cặp mạn tàu Đại Lãnh, nhận nhiệm vụ từ trung tá Võ Tiến Cai, lữ đoàn phó lữ đoàn 146.
Ngay sau đó, tàu HQ-605 hành quân khẩn cấp đến Len Đao. Như vậy, các tàu Việt Nam đã có mặt bảo vệ chủ quyền đầy đủ cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao một cách hòa bình, nhưng chiến hạm Trung Quốc lại nổ súng xâm lược.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20160314/30-ngay-tran-giu-dao-da-lon/1066765.html