Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ năm 2000 đến nay, mỗi năm nước ta sử dụng tới khoảng 35.000 đến hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, kéo theo lượng bao bì, vỏ đựng khổng lồ, đa phần là những loại vật liệu không tự phân hủy, gây hại đến môi trường.
Nông dân thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật để tiêu hủy. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Đại diện Cục Trồng trọt cũng lo ngại việc một lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa sau khi sử dụng ngấm vào đất, nước sẽ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Nếu lấy để tưới rau màu hay nuôi trồng thủy sản sẽ làm rau màu bị ô nhiễm, giảm năng suất, thủy sản chết hàng loạt. Mặt khác, tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật ngấm xuống mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và hệ thống nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt của người dân.
“Ngoài ra, việc vứt bỏ tràn lan bao bì thuốc bảo vệ thực vật gây mất mỹ quan đồng ruộng, tạo một hình ảnh xấu không phù hợp với phong trào xây dựng nông thôn mới mà nhà nước ta đang phát động,” đại diện Cục Trồng trọt nhấn mạnh.
Mặt khác, đại diện Cục Trồng trọt cũng cho rằng, nhờ những nỗ lực của các nhà quản lý, các Sở, ban ngành trong việc tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhiều năm gần đây bà con nông dân đã bước đầu áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất, góp phần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nhiều nông dân còn giữ những tập quán canh tác cũ từ xưa đến nay, đơn cử như việc lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc chưa thật cần thiết, chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng cũng như khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Đồng thời ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe cho bản thân và cộng đồng của bà con còn rất hạn chế.
Người nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường có thói quen vứt vỏ chai, bao bì tùy tiện ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ; một số hộ còn tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt khiến tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải thuốc bảo vệ thực vật ở một số vùng nông thôn đã ở mức báo động.
Thu gom 5 tấn vỏ rác thải
Trước thực trạng đó, Công ty Syngenta Việt Nam phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức chiến dịch “Môi trường sạch - Cuộc sống xanh” lần thứ 2 năm 2016. Chương trình này được tổ chức trong hai ngày 6/12- 7/12 tại 5 quận, huyện của tỉnh Cần Thơ gồm: Cờ Đỏ, Ô Môn, Thới Lai, Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh.
Tham gia sự kiện này, bà con sẽ thực hiện thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi ngoài đồng ruộng, ở những nơi công cộng và sau khi mình sử dụng để mang đến các điểm thu gom. Để khuyến khích người dân tham gia chương trình này, ban tổ chức cũng đã có những phần quà thiết thực dành tặng bà con tham gia như bình đựng nước đá, các sản phẩm gia dụng như đường, dầu ăn…
Nông dân tham gia chương trình "Môi trường sạch -
cuộc sống xanh" tại Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Đặc biệt, bà con còn có cơ hội tham dự sự kiện chính diễn ra vào ngày 7/12 tại huyện Vĩnh Thạnh với những hoạt động thú vị và hữu ích như tập huấn về quy tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách) và các cách sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, bà con còn được tham gia các trò chơi vận động, đố vui vui nhộn để xây dựng tinh thần đồng đội. Tất cả người tham dự sẽ được tham dự bốc thăm trúng thưởng nhiều phần quà hấp dẫn với tổng số giải thưởng lên đến hơn 100 giải.
Theo đó, tất cả các vỏ bao bì thu được sẽ tập kết và xử lý theo đúng tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe và môi trường của tập đoàn Syngenta toàn cầu. Dự kiến, hoạt động này sẽ có hơn 1.000 lượt nông dân tham gia thu gom với tổng số lượng bao bì thu gom ước đạt 4-5 tấn.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cũng cho biết, Cần Thơ là một trong những vùng canh tác nông nghiệp khá lớn của khu vực phía Nam và mỗi vụ có hàng trăm tấn các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng để phòng trị bệnh cho cây trồng, bảo vệ mùa màng. Do đó, làm sao xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng một cách triệt để và khoa học là vấn đề mà các cấp quản lý ở địa phương rất quan tâm và mong muốn được triển khai rộng rãi.
“Chúng tôi rất hoan nghênh khi Công ty Syngenta đã quyết định mang chiến dịch ‘Môi trường Sạch - Cuộc sống Xanh’ đến với Cần Thơ và đánh giá rất cao nỗ lực của công ty trong việc góp phần bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích cho cộng đồng nông thôn. Chúng tôi luôn ủng hộ hết mình và sẽ hợp tác chặt chẽ với Syngenta để thực hiện nghĩa cử cao đẹp này,” Phó Giám đốc Nguyễn Thị Kiều vui mừng nói.
Ông Weraphon Charoenpanit, Tổng Giám đốc công ty Syngenta Việt Nam cũng khẳng định cam kết, Syngenta luôn mong muốn đồng hành cùng bà con nông dân và luôn gắn kết mọi hoạt động của công ty cùng lợi ích của bà con và cộng đồng nông thôn.
“Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn được thể hiện vai trò của mình, không chỉ là người mang đến những sản phẩm và giải pháp chất lượng cao nhất cho bà con, mà còn là một doanh nghiệp với những hoạt động xã hội thiết thực giúp nâng cao ý thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả tại các cộng đồng nông thôn,” Tổng Giám đốc Weraphon Charoenpanit nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ sự kiện, hơn 500 nông dân Cần Thơ sẽ cùng nhau ký vào bản cam kết bảo vệ môi trường, nâng số nông dân Việt Nam đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với đồng ruộng xanh, cuộc sống trong lành lên đến 1.000 người (tại chiến dịch “Môi trường sạch - Cuộc sống xanh” lần thứ 1 năm 2015 đã có 500 nông dân tỉnh An Giang đã cùng nhau kí cam kết bảo vệ môi trường, ghi nhận trách nhiệm chung trong việc giữ gìn đồng ruộng xanh, sạch, đẹp)./.
Theo THANH TÂM (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/o-nhiem-vi-rac-thai-thuoc-bao-ve-thuc-vat-da-o-muc-bao-dong/419487.vnp