Đến nay ông là nghệ sĩ mỹ thuật duy nhất được tặng thưởng Huân chương Chiến công cho tác phẩm tượng Dũng sĩ Núi Thành (năm 1973). Năm 1980, tượng đồng Đảo tiền tiêu, tác phẩm về chủ quyền biển đảo Tổ quốc đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc.
Tượng Hoàng Sa của Tạ Quang Bạo.
Năm nay, Tạ Quang Bạo (ảnh nhỏ) cũng là cái tên duy nhất trong giới mỹ thuật được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật 2016.
Nhắc lại về một thời “ở rừng”, say mê sáng tạo trong khói lửa chiến tranh, Tạ Quang Bạo vẫn còn nhiều tiếc nuối bởi bức tượng Dũng sĩ Núi Thành không còn nữa. Ngày đó, khi đang là họa sĩ Đoàn Văn công Giải phóng Khu V, được Quân khu giao nhiệm vụ, ông miệt mài làm việc suốt một tháng trời để hoàn thành bức tượng, mang lên tặng Đại hội Khu ủy khi hai bàn tay còn lấm thạch cao. Sau đại hội, tác phẩm được Quân khu trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Dũng sĩ Núi Thành khắc họa hình ảnh người chiến sĩ giải phóng tay cầm khẩu AK lưỡi lê tuốt trần trong tư thế xông lên trên núi, chiếc khăn dù choàng vai tung bay như cánh chim, dưới chân là súng đạn, mũ sắt giặc Mỹ. Khí thế chiến thắng, vẻ đẹp lẫm liệt của “dáng hình Tổ quốc” làm cuộn sóng lòng người… Bức tượng đặt ngay trong rừng và đã không thể lưu giữ được trước bom đạn của chiến tranh và thời gian.
Tạ Quang Bạo mê vẽ từ nhỏ. Gia đình ông làm nghề nông, có nghề phụ làm gốm gia truyền, lò gốm đỏ lửa vào những lúc nông nhàn. Ông được thỏa sức bay bổng với ruộng đồng, đất trời mênh mông và dòng sông Lèn miền quê Thanh Hóa; lại vừa được chơi cùng đất, lửa. Bố ông cùng họ hàng từng lập gánh hát tuồng nổi tiếng miền trung, truyền dạy nghệ thuật tuồng cho nhiều thế hệ. Có lẽ đó chính là khởi nguồn, góp phần hình thành tâm hồn nghệ sĩ và tài năng nghệ thuật đậm nét văn hóa truyền thống nơi ông.
Tạ Quang Bạo sáng tác nhiều về đề tài chiến tranh cách mạng bởi từng có nhiều năm vừa là người lính cầm súng, vừa là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Thực tế chiến tranh bi hùng với những cảm xúc mạnh mẽ, tươi nguyên đã tiếp lửa để ông sáng tạo ngay giữa đạn bom; đồng thời cũng để lại những ám ảnh, dư âm, thôi thúc mãi về sau này. Những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ đầu khắc họa vẻ đẹp bình dị, mộc mạc mà đầy ắp nội lực của những con người một lòng vì cách mạng, như Cõng đạn, Học chữ Bác Hồ, Mẹ Trường Sơn… Nhiều công trình tượng đài hoành tráng của ông đặt rải rác khắp cả nước, là biểu tượng đẹp đẽ, hào hùng về một dân tộc bất khuất như Chiến thắng sông Lô, Chiến thắng Nha Trang, Nghĩa trang Ban Mê Thuột, Viếng đồng đội (Nghĩa trang đường 9), Hò kéo pháo, Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên Phủ)… Không ít tác phẩm của ông được lưu giữ tại các bảo tàng, Mỹ thuật Việt Nam, Quân đội, Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Quân khu V… và trưng bày tại Nhà Quốc hội mới đây.
Đặc biệt, tình yêu biển đảo chiếm một vị trí thiêng liêng trong cảm hứng sáng tạo, giúp ông có những tác phẩm xuất sắc. “Từ năm 1970, tôi đã suy nghĩ nhiều về chủ quyền của đất nước, không chỉ gói gọn trong lãnh thổ hình chữ S, mà còn cả biển đảo bao la… Điều đó thôi thúc tôi sáng tác Đảo tiền tiêu”. - Tạ Quang Bạo bộc bạch về tác phẩm chứa đựng nhiều tâm huyết ông từng dày công sáng tác suốt năm năm trời. Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980, tác phẩm này đã gây chấn động giới điêu khắc. Bức tượng cao 2m, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ đứng thẳng vươn cao, vững vàng giữa biển trời với những cánh hải âu quấn quýt bay lượn, mang vẻ đẹp vừa kiên cường vừa bay bổng lãng mạn. Chất liệu gò đồng tạo góc cạnh sắc nét, sáng láng hiện đại, mới mẻ và đầy ấn tượng. Đảo tiền tiêu nhận giải A, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa vào bộ sưu tập mỹ thuật quốc gia. Và mới đây, dịp cuối năm 2015, ông lại tiếp tục nhận giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng với bức tượng đồng Hoàng Sa. Không nhiều tính lãng mạn như Đảo tiền tiêu, hình ảnh người lính ở Hoàng Sa trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, tay cầm chắc súng, vồng ngực căng hình lá cờ Tổ quốc tung bay, như một lá chắn vững vàng đón sóng gió, đạn bom…
Thế mạnh nổi bật của điêu khắc Tạ Quang Bạo là tính biểu tượng cao của hình khối, tính khái quát và ý tưởng chiếm lĩnh không gian. Vì thế, nhiều tác phẩm ngoài trời của ông đạt đến sự hoành tráng không chỉ ở kích cỡ, mà cả ở tầm vóc, giá trị biểu tượng của tượng đài. Sau hai gương mặt xuất sắc thế hệ đầu của điêu khắc Việt Nam là Nguyễn Hải và Lê Công Thành, Tạ Quang Bạo (cùng Hứa Tử Hoài) là đại diện tiêu biểu của thế hệ thứ hai, giữ vững vị trí đầu đàn từ suốt những năm 70 của thế kỷ 20 đến nay, ảnh hưởng lớn đến phong cách nghệ thuật của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Bên cạnh tượng đài hoành tráng về đề tài chiến tranh cách mạng, mảng tượng đời thường, tượng sa-lon chiếm số lượng lớn trong sáng tác của ông, được thể hiện bằng nhiều chất liệu, nhưng có lẽ thành công nhất vẫn là chất liệu đồng với phong cách siêu thực, trừu tượng, ngôn ngữ hiện đại mà thấm đẫm truyền thống. Đó là các tác phẩm Mẹ và con, Tiếng đàn, Giao duyên, Cổng làng, Phố cổ, Quan họ, Thiếu nữ và chim, Nhớ làng…
Tôi đến thăm Tạ Quang Bạo vào những ngày có tin vui ông là tác giả duy nhất của giới mỹ thuật được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2016 (năm 2001, ông vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt I). Trong ngôi nhà năm tầng rộng rãi bày la liệt những bức tượng kích cỡ vừa và nhỏ rất đẹp, tạo nên một thế giới nghệ thuật lung linh, sang trọng. Với đủ chất liệu đồng, đá, gỗ, gốm các sắc mầu; đủ mọi hình khối cả chắc khỏe vạm vỡ lẫn mảnh mai yếu đuối, thô ráp, mềm mại…; đủ mọi trạng thái buồn vui, đau đớn, hạnh phúc, nồng nhiệt, hy vọng, tuyệt vọng, cuồng nộ, hân hoan… Đó chính là điêu khắc của người nghệ sĩ không chỉ nhìn bằng mắt, mà bằng cả trí tuệ, tâm hồn; của con người “dẫn điêu khắc đi xa… đến chỗ điêu khắc thuần khiết” (Thái Bá Vân). Ở tuổi 75, bệnh tật làm Tạ Quang Bạo đi lại khó khăn, một bàn tay không còn khả năng sử dụng, nhưng hằng ngày ông vẫn làm việc một vài giờ, say sưa đắp tượng bằng bàn tay còn lại. Vượt lên sức khỏe và tuổi tác, vẫn thấy một Tạ Quang Bạo tinh anh, nhạy cảm, ăm ắp đam mê. Đặc biệt, trong trái tim người nghệ sĩ - chiến sĩ nặng lòng với Tổ quốc còn ấp ủ, chất chứa những ưu tư, khát vọng: “Tôi vẫn đang nghĩ nhiều về chủ quyền biển, đảo của đất nước. Nhất định, tôi sẽ còn tiếp tục đề tài này”.
Nguyễn Phương Liên
Theo baonhandan.com.vn