CPH phải xin ý kiến nhiều cơ quan có thẩm quyền về xác định giá trị tài sản, pháp lý, xử lý định giá doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Nhiều "ông lớn" Nhà nước đang được cổ phần hóa
Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, số doanh nghiệp Nhà nước đã giảm mạnh từ khoảng 6.000 đơn vị năm 2001 xuống còn 718, năm 2016. Giai đoạn 2011-2015, cổ phần hóa, thoái vốn đã thu về cho ngân sách Nhà nước gần 78.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, quá trình sắp xếp, tái cơ cấu còn chậm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.
Gỡ rào cản cổ phần hóa DNNN
Giai đoạn 2011-2015 cả nước sắp xếp gần 600 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó cổ phần hóa gần 500 doanh nghiệp. Đến tháng 10/2016 cả nước vẫn còn 718 doanh nghiệp Nhà nước và trong 10 tháng năm nay chỉ sắp xếp được 60 doanh nghiệp. Đáng chú ý là mới cổ phần hóa số vốn được 8% còn lại 92% là vốn Nhà nước. Điều đó cho thấy số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm nhưng tỷ lệ cổ phần hóa thấp, chưa thay đổi cơ cấu của doanh nghiệp.
Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp Nhà nước là bảo toàn vốn nhà nước, không yêu cầu cụ thể về cổ tức, tốc độ tăng trưởng, tiền lương người lao động… Đó là những yêu cầu “nhẹ nhàng”, dẫn đến việc người đứng đầu doanh nghiệp có tâm lý ỷ lại, không muốn đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thậm chí còn tìm cách để tư lợi.
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những nơi có nhiều doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa. Thời gian qua, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn mất nhiều thời gian do phải xin ý kiến nhiều cơ quan có thẩm quyền về xác định giá trị tài sản, pháp lý, xử lý định giá doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản…Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016 – 2020, kế hoạch cổ phần hóa 60 doanh nghiệp nhà nước. Để hoàn thành phương án này, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần có quy định hướng dẫn tính thuế trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp; nghiên cứu định giá giá trị thương hiệu doanh nghiệp…
Với Hà Nội, hiện còn 96 doanh nghiệp, trong đó 16 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Cổ phần hóa hết các doanh nghiệp này trong giai đoạn 2016-2020 ước tính thu được gần 50.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, những doanh nghiệp nào nhà nước không cần nắm giữ thì nên bán toàn bộ vốn, sớm sửa đổi một số quy định hiện hành về cổ phần hóa, tiêu chí phân loại doanh nghiệp.
Cần sắp xếp, cổ phần hóa hơn 300 DNNN
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo thay thế Quyết định 37/2014 về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, điều chỉnh kết cấu từ 4 nhóm xuống còn 3 nhóm dự trên mức độ kiểm soát, chi phối của chủ sở hữu Nhà nước với doanh nghiệp, theo các mức Nhà nước nắm giữ 100%, từ trên 65% và từ trên 50-65% tổng số cổ phần. Đề xuất đưa vào danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 là 143 doanh nghiệp và 190 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn cũng thuộc diện cổ phần hóa lần này, giúp rút ngắn quy trình được 2 năm so với trước đây.
Một trong những vấn đề đặt ra là không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là những khu “đất vàng” khi cổ phần hóa doanh nghiệp? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, doanh nghiệp cổ phần hóa có thể lựa chọn một trong hai hình thức là giao đất hoặc thuê đất đối với từng diện tích đất doanh nghiệp đang sử dụng. Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ tính vào giá trị doanh nghiệp đối với diện tích đất nhận giao. Đối với đất thuê, doanh nghiệp chỉ nộp tiền thuê đất theo quy định như các doanh nghiệp khác, không phải tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong 5 năm tới, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 100% vốn tại các doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Số doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối sẽ phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; Sớm xác định danh mục doanh nghiệp với tỷ lệ giữ vốn cụ thể. Bên cạnh đó phải rà soát, tháo gỡ mọi rào cản về chính sách... để đẩy nhanh quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, làm cho quy mô khu vực kinh tế Nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả hoạt động phải cao hơn. Đây cũng là những thông điệp rõ ràng cho một giai đoạn mới về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đưa khối doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn trong giai đoạn tới./.
Theo Việt Hà/VOV.VN - Trung tâm Tin