Cập nhật: 09/12/2016 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ đã cho thấy quá trình gắn bó với biển cả của dân tộc từ những ngày đầu dựng nước. Hình ảnh Lạc Long Quân dẫn 50 người con trai xuống biển đã cho thấy tổ tiên ta không chỉ gắn bó với đất liền mà còn gắn bó với biển khơi. Đây được xem là tư duy sơ khai về quá trình chinh phục biển của người Việt cổ.

Lực lượng cảnh sát biển Vùng 2 diễn tập cứu hộ trên biển Đông của Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Bằng

Hình thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn khẳng định từ lâu dân tộc ta đã gắn bó với sông nước, lấy thuyền làm phương tiện sinh sống. Trải qua quá trình chống chọi với thiên nhiên, những đợt biến tiến rồi biến thoái, một tầng lớp cư dân đã hình thành trên cơ sở của một vùng đồng bằng trù phú, phì nhiêu. Đó là một trong những nét độc đáo thể hiện tính chất bản địa của những nhóm cư dân thời dựng nước, trong đó có cư dân của nước Văn Lang.

Sau khi nước ta rơi vào ách thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc, những cư dân ven biển phía Bắc cũng bị áp bức, bóc lột nặng nề. Sau khi đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938), Ngô Quyền xưng vương, khôi phục nền độc lập của dân tộc, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ - kỷ nguyên Đại Việt. Dưới thời kỳ nhà Trần, quân dân ta đã ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược, trong đó nhà Trần khởi dựng được sự nghiệp từ những người đánh cá ven biển Nam Định - Ninh Bình ngày nay.

Dưới thời kỳ phong kiến, vấn đề chủ quyền lãnh hải luôn được các triều đại chăm lo quản lý. Thời Lý đã thiết lập những trang, thời Trần thiết lập những trấn, thời Hậu Lê đặt tuần kiểm ở các xứ cửa biển, các đồn, các đảo... để quản lý biển, thu thuế của các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển nước ta. Thời Nam - Bắc triều rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, với việc các chúa Nguyễn cho thành lập và biến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thành một tổ chức của nhà nước, quyền làm chủ lãnh hải của nước ta được xác định chính thức.

Các thành viên trong đội Hoàng Sa, Bắc Hải là những người thông thạo nghề đi biển và có nhiều kinh nghiệm quý báu hoạt động ở những vùng biển nhiều đảo san hô. Sang thời Tây Sơn các đội Hoàng Sa, Bắc Hải vẫn được chính quyền sở tại duy trì hoạt động.

Có thể nói biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Lấn biển để dựng nước và thông qua biển để giữ nước là một nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam trong lịch sử. Đó cũng chính là nét độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam, cần được giữ vững và tiếp tục phát huy trong thời đại mới .

Trong lịch sử, thủy quân nước ta từng đứng vào bậc nhất, nhì ở Đông Nam Á. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trên sông biển đã hình thành nên những trận thủy chiến oanh liệt được ghi vào sử sách như: chống giặc Quỳnh Châu từ phía bắc, diệt Hồ Tôn từ phía nam (thời Hùng Vương); quân thủy Lê Chân làm khiếp đảm quân địch ở vùng biển Hải Phòng ngày nay (thời Hai Bà Trưng); chặn đánh Trần Bá Tiên ở sông Tô Lịch, hồ Điển Triệt, đầm Dạ Trạch (thời Lý Nam Đế); đánh quân Đường, vây thành Đại La (thời Mai Thúc Loan); trận Bạch Đằng lần thứ nhất đánh bại quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938); trận Bạch Đằng lần thứ hai đánh bại quân Tống xâm lược lần thứ nhất của Lê Hoàn (981); đánh tan Châu Khâm, Châu Liêm (1705), chặn đứng quân Tống xâm lược lần thứ hai thời Lý (1077).

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba (1288), dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội trên sông Bạch Đằng lịch sử, tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy của địch, bắt sống các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, buộc Thoát Hoan phải rút chạy về nước, qua đó chấm dứt hoàn toàn cuộc xâm lược Đại Việt của nhà Nguyên. Những nhân vật tài giỏi về hoạt động trên sông biển như Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái... đã lập nên những chiến công xuất sắc, làm rạng rỡ nghệ thuật thủy chiến của dân tộc ta.

Vào các thế kỷ 16, 17 và những năm đầu thế kỷ 18, thủy quân Việt Nam cũng làm nên những chiến thắng vang dội trước các đội thủy quân xâm lược của phương Tây như trận đánh thắng hạm đội của Tây Ban Nha năm 1595, hai lần đánh thắng hạm đội của Hà Lan trong các năm 1642, 1643, đánh thắng hạm đội của Anh năm 1702.

Dưới thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã tổ chức và phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng được một đội thủy quân hùng mạnh vào bậc nhất Đông Nam Á. Quân thủy Tây Sơn đã nhiều lần vào Nam ra Bắc đánh đổ hai tập đoàn phong kiến chúa Trịnh (ở Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (ở Đàng Trong). Năm 1785, Nguyễn Huệ đã trực tiếp chỉ huy quân thủy tấn công và giành thắng lợi vang dội trước quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử.

Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt từ sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, để bảo vệ chủ quyền nước ta, các tổ chức dân quân ở các làng xóm, thôn xã ven biển được khẩn trương xây dựng. Quân và dân ta vừa bám sông, bám biển đánh chìm nhiều tàu thuyền của địch, vừa lợi dụng sông biển để tổ chức vận tải phục vụ kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã liên tiếp giành được nhiều thắng lợi to lớn cả trên đất liền và trên sông biển, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam thật sự là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và nhân dân ven biển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông được xem là một sáng tạo độc đáo của quân và dân ta, đã góp phần chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và đã trở thành huyền thoại.

http://tuoitre.vn/tin/hoi-dap-ve-bien-dong/20121009/qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-bien---dao-viet-nam/515145.html

Tệp đính kèm