Cập nhật: 09/12/2016 08:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gia Thủy là một xã miền núi nằm ở phía Bắc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Nằm riêng biệt với khu dân cư, gốm Gia Thủy hiện lên giản dị, mộc mạc như bao làng nghề truyền thống khác.

Thổi hồn vào đất

Hợp tác xã (HTX) Gốm Gia Thuỷ tiền thân là Gốm Long Thịnh nằm trên địa phận xã Gia Thủy. Năm 1959, một số thợ gốm ở Thanh Hoá đã di cư về đây và mở một số lò gốm làm các vật dụng đơn giản như nồi, niêu, chum vại. Từ đó, làng gốm Gia Thuỷ ra đời. Từ những sản phẩm truyền thống như nồi, niêu, chum, vại, chén, đĩa…, làng gốm Gia Thuỷ hôm nay còn tạo ra những sản phẩm vừa hấp dẫn về hình dáng, vừa tao nhã về công dụng và nghệ thuật trang trí.

Kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, nét đặc trưng nền văn hoá của một vùng đất, nghệ nhân làng gốm Gia Thuỷ đã biết tạo ra những sản phẩm gốm không chỉ phục vụ cho cuộc sống đời thường mà còn tôn vinh giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc mình. Nhìn vào những chiếc bình gốm vẫn là màu đỏ, màu đen đặc trưng vẫn là những sản phẩm được hoà quyện giữa đất và lửa, nhưng toát lên trên đó vẫn là bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của người làng gốm Gia Thuỷ.

Không nhộn nhịp, chẳng có tiếng ồn... như những làng nghề truyền thống khác, làng gốm Gia Thủy hiện lên mộc mạc, sạch sẽ với những ngôi nhà nhỏ ẩn hiện bên con đường làng. Đơn giản bởi HTX gốm Gia Thủy nằm tách biệt khỏi khu dân cư, sản xuất tập trung, chuyên nghiệp.

Nghề làm gốm ở Gia Thủy - Nho Quan - Ninh Bình.

Dù vậy, bóng dáng của gốm tràn ngập khắp nơi: từ những dãy dài chum vại, ấm chén đến những hàng rào tường gạch được điểm tô bởi muôn vàn mảnh gốm vụn đủ hình thù, màu sắc. Và mặc cho những chuyến xe lớn nhỏ đến chở hàng đi khắp nơi, không khí trong lò gốm vẫn nhịp nhàng, bình yên. Nó trật tự ngay cả từ cách sắp xếp sản phẩm mới. Cái còn ướt màu đất, cái đã phơi màu bạc phếch, cái đã qua lò khỏe khoắn, phong trần màu cánh dán.

Để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng thì có nhiều công đoạn và vai trò của công đoạn nào cũng quan trọng như nhau. Ngay cả những công đoạn tưởng chừng như đơn giản, chỉ cần có sức vóc là đã hoàn thành được nhiệm vụ như: làm đất, thấu đất hay nung lò cũng đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, lành nghề, quan sát tinh tế và sáng tạo.

Gốm Gia Thủy được làm từ nguyên liệu là đất sét vàng. Theo đó, đất khi lấy về sẽ được phơi khô, đập nhỏ rồi cho vào bể ngâm. Sau đó, dùng máy quấy đều rồi múc lọc qua sàng. Gạn bớt nước phía trên, lấy phần đất đông đặc rồi mang ra phơi khô, đến khi đất đủ tầm dẻo là mang ra làm được. Việc phơi đất cũng phải thật tỷ mẩn, bởi nếu để đất khô quá hoặc ướt quá thì sẽ rất khó tạo hình.

Việc tiếp củi vào lò nung những tưởng đơn giản, song thực tế, để ra được lô sản phẩm đẹp, chất lượng thì công đoạn nung sản phẩm đóng vai trò quyết định. Nếu trong quá trình nung, thợ không điều chỉnh lửa, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp thì sản phẩm sẽ cong, vênh, rạn, hoặc cháy quá… Sản phẩm khi còn thô có màu vàng, khi nung ở nhiệt độ từ 1200- 1.3000C thì sẽ chuyển sang màu cánh dán, đây chính là màu lý tưởng nhất.

Dáng của gốm mộc mạc, thô phác bởi không có men nhân tạo nhưng khỏe khoắn, đẹp nguyên sơ bởi sự hòa quyện giữa đất và lửa. Những sản phẩm gốm gắn bó với mọi nhà như: vại, vò, ấm chén, đặc biệt là chum đựng rượu còn rất tốt cho sức khỏe người sử dụng. Có lẽ, đó chính là những thứ làm nên nét duyên độc đáo của gốm Gia Thủy. Và ở mỗi sản phẩm, khách hàng không chỉ thấy kỹ thuật điêu luyện mà còn cảm nhận được sự tinh tế, hồn nhiên của bao thế hệ nghệ nhân đã được cô đọng lại trong từng đường nét.

Nguy cơ mai một

Những năm gần đây, sự khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, thu nhập bấp bênh… và sự thờ ơ của thế hệ trẻ là những nguyên nhân làm cho làng gốm đứng trước nguy cơ bị mai một.

Khó khăn lớn nhất là trong thời kỳ đồ nhựa phát triển, các vật dụng bằng nhựa vừa rẻ, vừa tiện lợi. Mặt khác, trước sự đa dạng của mẫu mã bày bán trên thị trường vừa rẻ lại vừa đẹp của Trung Quốc tràn lan, nên sản phẩm gốm nhiều khi không còn là sự lựa chọn của người dân như trước đây. Sản phẩm gốm dường như không còn phù hợp với thị trường như hiện nay nữa, gốm chỉ dùng trong các việc trang trí, nặng tính hình thức chứ ít có tính sử dụng hoặc chỉ để phục vụ cho sinh hoạt của người dân quê.

Nghề gốm sứ Gia Thuỷ có truyền thống từ lâu đời.

Những năm nay, làng gốm vắng tanh, những thợ gốm đa phần kiếm sống bằng nghề khác. Có những người thợ trước đây làm gốm, nhưng vì thu nhập quá thấp, nên đã từ bỏ nghề và đổ dồn về các khu công nghiệp để làm thuê. Bởi nghề gốm vừa cực khổ, lam lũ, lại thu nhập bấp bênh, không thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Để đảm bảo môi trường, những năm gần đây UBND xã Gia Thủy đã ưu tiên dành 5.000m2 mặt bằng, xa khu dân cư để đưa các hộ làm nghề gốm đến đây sản xuất. Ngoài ra, UBND xã cũng đã dành riêng những diện tích đất nhất định để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét trắng phục vụ cho sản xuất làng nghề. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chỉ thu hút được 7-8 hộ với vài chục lao động.

Khác với trước đây, vào thời kỳ “hoàng kim” của nghề gốm Gia Thủy, cả làng có trên 40 xưởng sản xuất gốm, có xưởng lên tới hàng trăm người làm thường xuyên. Làm ra sản phẩm đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Khách hàng từ các tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An… đều đổ về đây lấy hàng, trong đó có một số khách hàng của Nhật.

Nghề gốm sứ Gia Thuỷ có truyền thống từ lâu đời. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động kinh tế thị trường, nhưng làng nghề gốm luôn tìm hướng đi phù hợp để duy trì và phát triển theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn.

Để nghề gốm Gia Thủy hưng thịnh như xưa và thương hiệu gốm Gia Thủy được lưu truyền mãi mãi cho thế hệ mai sau, cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền, nhất là trong việc hỗ trợ vốn, có chính sách ưu đãi, đào tạo nghề…

 

ST

 

 

 

Tệp đính kèm