Những năm 80 của thế kỷ XX, một số người dân trong xã đi làm thuê ở các tỉnh Hà Tây, Hưng Yên…đã học được nghề mây tre đan và mang nghề gây dựng, phát triển tại địa phương.
Ban đầu, sản phẩm chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng gia đình. Dần dần mở rộng thị trường tiêu thụ sang các xã lân cận. Do đây là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, lại thấy nghề này có thể làm trong lúc nông nhàn, cho thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với trồng lúa, nên bà con nhân dân trong xã quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất và coi nghề đan rá, rổ, nong, nia…là một nghề của làng.
Từ đó đến nay, nghề mây tre đan trong thôn không chỉ cung cấp mặt hàng tiêu dùng đơn giản mà còn sản xuất hàng mây, tre đan xuất khẩu
Ảnh minh họa (internet)
NGHỀ TRUYỀN THỐNG...
Cách trung tâm huyện Lập Thạch chừng 10 km, nằm ở bên hữu sông Phó Đáy hiền hoà là tới địa phận làng Triệu Xá. Làng nghề hút theo tầm mắt, núp dưới bóng tre xanh thấp thoáng những mái ngói đã ngả màu thâm trầm. Tre nguyên cây, tre pha thành đoạn, thành nan, sản phẩm thành chiếc hay dở dang... chất ngổn ngang tứ phía trong nhà, ngoài ngõ. "Ở đây, mọi người đều làm được cả, từ đứa trẻ lên 8 lên 9 đã tập toẹ biết đan rồi!. Cứ đến trưa người ngồi chật khắp các ngõ trong làng", bà Triệu Thị Sơn - Hội trưởng Hội phụ nữ thôn Đạo Nội vừa nói vừa chỉ tay vào hướng trong làng.
Theo anh Nguyễn Văn Hạ - người có thâm niên gắn bó với nghề này cho biết: Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Mỗi chiếc rá, rổ được hoàn tất tính sơ sơ cũng phải qua trên dưới chục công đoạn như: pha tre, tề nan, chẻ nan, vót nan, đan, giát, mết, cạp... nhưng đa số được làm thủ công. Một điều đặc biệt ở đây là, mỗi hộ chỉ làm chuyên một mặt hàng. Hộ nào đan thúng chỉ chuyên thúng, hộ nào chuyên rổ, rá chuyên rổ, rá... Vì thế sản phẩm làm ra rất đẹp, chắc chắn, chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng.
Triệu Xá là một làng thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp và đan lát là nghề phụ do các bậc cao niên để lại. Vì thế, tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống hàng ngày. Cả làng nghề có 1.560 hộ với 4.000 nhân khẩu có tới 850 hộ làm nghề. Tuy thu nhập không cao so với nghề thủ công truyền thống khác nhưng không vì thế mà người dân bỏ nghề.
Tôi làm nghề này đã gần 40 năm rồi. Thú thực không có nghề này dân còn đói dài", anh Khương người trong nghề bộc bạch.
Trước kia sản phẩm làm ra chủ yếu được bán ở các chợ lân cận thì giờ đây nó còn được tiêu thụ ở một số tỉnh lân cận như: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang... Để làm được nghề này thời gian học việc không lâu, dụng cụ rất đơn giản. Mấy con dao tốt, vài cái đục, cưa... là có thể theo nghề. Nhưng đòi hỏi người làm phải bền bỉ, tinh nhanh, kiên trì, nhẫn nại cộng với sự khéo léo của đôi tay.
Mỗi thợ thủ công trung bình một ngày có thể làm được từ 2 đến 3 chiếc thúng hoặc mủng hay các loại rá, rổ và các vật dụng khác. Đối với người thạo việc, làm đều liên tục có thể hơn. Thu nhập bình quân khoảng từ 400 đến 500 nghìn đồng/người/tháng.
NGHỀ MỚI...
Gần đây, tín hiệu vui đã đến với làng nghề Triệu Xá. Đó là quả cầu mây xuất khẩu. Nhưng đòi hỏi sản phẩm đạt mức tinh xảo cao, bền, đẹp, nếu có lỗi phải làm lại. Người đan cầu phải thành thục mọi thao tác để không thiếu hoặc thừa các đường nan (vì có nhiều chi tiết lắt nhắt phức tạp). Ngược lại, đan cầu mây cho thu nhập cao hơn so với nghề truyền thống. Song, đó chỉ ở số lượng ít, nhỏ lẻ nằm ở một vài hộ gia đình có vốn hoặc có "cửa" làm ăn từ đơn đặt hàng của các công ty thu mua bên Hà Tây. Anh Lê Quang Tụng - người đang duy trì mối hàng với công ty thu mua sản phẩm này tâm sự: "Đan quả cầu mây rễ kiếm hơn nghề truyền thống các chú ạ!. Phía họ đầu tư từ A đến Z về phần nguyên liệu nên chỉ cần bỏ công ra làm thôi và được cái mau tiền là khoái rồi. Tháng làm đều cũng được trên dưới 900 nghìn/người/tháng..."
Lúc đầu, mọi người vẫn còn thờ ơ, cộng thêm phần e dè với nghề đan cầu; bởi lẽ nghề đan rá, rổ, thúng đã gắn bó với họ từ bao đời nay rồi. Thêm nữa, họ còn ngại vì đang từ địa vị "ông chủ, bà chủ" thì nay lại trở thành người đi làm thuê. Cũng đắn đo. Nhưng vì miếng cơm manh áo hàng ngày của cả nhà mà một số người dân Triệu Xá đã tạm ngưng cái nghề đan các sản phẩm truyền thống chuyển sang làm cầu mây.
CẦN TẠO HƯỚNG PHÁT TRIỂN...
Theo thống kê số người tham gia vào làng nghề ngày một nhiều, quy mô dần được mở rộng không chỉ trong làng mà còn ra nhiều địa phương khác. Ông Đinh Công Sản, Bí thư Đảng uỷ xã Triệu Đề nói: "Từ khi làng được Tỉnh công nhận làng nghề (năm 2006) là điều kiện tốt để nhân dân mở rộng sản xuất. Về phía chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện như hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng tập trung cho người làm nghề và không thu lệ phí". Nhưng, qua tìm hiểu chúng tôi được biết thiếu vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn đang là bài toán nan giải nhất của làng nghề. Hi vọng rằng, trong một tương lai gần, với sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương những khó khăn đó của Triệu Xá sẽ được giải quyết.
Hiện nay, nghề đan lát ở Triệu Đề chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở thôn Triệu Xá với trên 850/1.560 hộ làm nghề. Nhiều người dân trong thôn vẫn chưa tin là các sản phẩm như: Hàng cơi, hàng mấn, hàng vuông…được tạo nên từ bàn tay một đời chỉ biết cầm cày, cầm cuốc lại có thể được xuất khẩu sang một số nước châu Âu (Anh, Pháp, Mỹ…)và được nhân dân các nước này ưa chuộng. Đây là nghề phù hợp với mọi lứa tuổi, chỉ cần cần cù, chịu khó và trên hết là phải có lòng yêu nghề, nghề sẽ phát triển. Nhiều gia đình trong thôn nhờ có nghề đan lát nên hàng tháng có thu nhập thêm trên 1 triệu đồng.
Để có thể theo kịp với nhu cầu của người tiêu dùng, bên cạnh việc duy trì các sản phẩm quen thuộc của làng nghề, bà con nhân dân trong xã còn tích cực tìm tòi, học hỏi ở các làng nghề khác ở Hà Tây, Hưng Yên…những mẫu mã, mặt hàng được người nước ngoài ưa chuộng. Ngày nay, các sản phẩm của làng như: Trao đèn, cơi, hàng mấn, hàng vuông…hàng ngày vẫn được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu và được nhân dân các nước này ưa chuộng.
ST