Bước chân các chiến sĩ đã vượt qua bao núi đồi cheo leo để đến với các lớp học đặc biệt, đó là các lớp xóa mù chữ cho đồng bào.
Hình ảnh những người chiến sỹ tại những lớp xóa mù chữ đã trở nên thân thuộc với bà con (Ảnh minh họa)
Với đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, hình ảnh cán bộ chiến sỹ và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn 326, Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã trở nên gần gũi, thân quen. Không kể nắng mưa, bước chân các anh đã vượt qua bao núi đồi cheo leo để đến với các lớp học đặc biệt, đó là các lớp xóa mù chữ cho đồng bào.
“Không biết chữ khổ lắm bộ đội ơi…”. Đó là tâm sự của Chị Vì Thị Thươi, dân tộc Thái, 40 tuổi, học sinh lớp xóa mù chữ ban đêm tại bản Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp. Cũng như chị Thươi, hơn 3 năm trước, phụ nữ ở bản Lạnh và các bản lân cận hầu như không biết nói, đọc, viết chữ phổ thông.
Ai muốn xuống chợ bán con gà, con lợn, hay mua cây giống lại phải nhờ người biết cái chữ đi cùng để giúp tính cộng, trừ, nhân, chia cho đúng giá. Đã có chuyện một số bà con vì không biết chữ đã bị kẻ xấu lợi dụng điểm chỉ vào giấy của họ, nên bị lừa vay nặng lãi, làm ra đến đâu cũng không đủ trả nợ.
Vậy nên, khi có cán bộ, chiến sỹ và các trí thức trẻ của Đoàn 326 đến tận nhà vận động, chị Vì Thị Thươi và bà con dân bản đã quyết tâm học cho biết chữ. Bây giờ chị và bà con đã tự viết được tên mình, biết đọc sách, báo để học cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho năng suất.
Sốp Cộp là huyện nghèo của tỉnh Sơn La, đời sống kinh tế của đồng bào khó khăn, trình độ dân trí nhiều hạn chế, tỷ lệ mù chữ còn cao. Cùng với việc tổ chức các mô hình giúp người dân địa phương phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra của Đoàn 326 là phải giảm tỷ lệ mù chữ trong dân.
Theo đó, các đội công tác cơ sở đã tổ chức thành các tổ thường xuyên bám bản để dạy chữ cho dân. Lúc đầu, việc dạy chữ còn gặp khó khăn do tâm lý e ngại của bà con, ngôn ngữ bất đồng... Nhưng với quyết tâm của cán bộ chiến sỹ, các trí thức trẻ và bà con, sĩ số các lớp học đặc biệt này tăng dần theo từng năm, mở rộng ra khắp địa bàn huyện, nơi nào có bộ đội Đoàn 326, nơi đó có lớp học xóa mù chữ.
Nhất là từ năm 2010, đơn vị được tăng cường lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, thì hiệu quả của việc mở lớp càng được nâng lên. Chị Phạm Thị Thanh Hương, quê ở Phú Thọ, tốt nghiệp trường Trung cấp Kế toán, đến nay đã có gần 4 năm gắn bó với bà con vùng cao, biên giới trong vùng dự án của Đoàn 326.
Chị tâm sự: “Trong quá trình dạy, nhiều chị em không biết tiếng phổ thông. Sau khi kết thúc lớp học này, nhiều chị em đã biết đọc, biết viết, biết cộng trừ các phép tính đơn giản”.
Với sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ và các trí thức trẻ tình nguyện Đoàn kinh tế - quốc phòng 326, từ năm 2010 đến nay, đã có gần 800 chị em huyện Sốp Cộp thoát khỏi mù chữ. Kết quả này góp phần không nhỏ trong công tác nâng cao dân trí cho người dân ở địa phương.
Đại tá Bùi Như Thắng, Chính ủy Đoàn kinh tế - quốc phòng 326, Bộ CHQS tỉnh Sơn La cho biết: “Trí thức trẻ cùng các lực lượng trên địa bàn cùng nhiệm vụ phát triển kinh tế thì tham gia vào việc phát triển văn hóa-xã hội; tham gia xóa mù chữ, củng cố nơi ăn ở, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông cơ sở trên địa bàn”.
Không quản nắng mưa, mỗi cán bộ chiến sỹ và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn 326 đã và đang miệt mài góp sức gieo chữ cho đồng bào các dân tộc. Việc làm thiết thực, cụ thể ấy càng tô thắm thêm phẩm chất “bộ đội cụ Hồ” nơi biên cương Tây Bắc xa xôi./.
Theo CTV Trung Hà/VOV.VN