Tại Ninh Thuận, một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đã hình thành và phát triển, từng bước khẳng định hiệu quả.
Mô hình hợp tác xã phát huy hiệu quả tại Ninh Thuận (Ảnh: NTO)
Với sự quan tâm của tỉnh Ninh Thuận và sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hoạt động của nhiều Hợp tác xã sau chuyển đổi đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.
Một số mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đã hình thành và phát triển, từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Là đơn vị có bề dày trong hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân của tỉnh Ninh Thuận, Quỹ Tín dụng nhân dân Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có phương thức hoạt động công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng và cùng có lợi, nên người dân trên địa bàn ngày càng tin tưởng và tự nguyện gia nhập vào Qũy. Nhờ đó, lượng tiền gởi vào Qũy ngày càng tăng, tổng dư nợ hàng năm đều vượt mức kế hoạch đề ra.
Từ tổng vốn điều lệ ban đầu chỉ 250 triệu đồng, với 34 thành viên, đến nay, tổng nguồn vốn của Qũy tín dụng nhân dân Phước Sơn có trên 17 tỷ đồng, với 2.260 thành viên tham gia.
Ông Phan Tuyên Đơn – Chủ tịch Hội động quản trị Qũy tín dụng nhân dân Phước Sơn, Ninh Phước –Ninh Thuận cho biết: Qũy tín dụng phải thể hiện cách làm ăn công khai minh bạch, rõ ràng, từ lãi suất đến nguồn vốn, lợi nhuận... Tất cả những gì liên quan đến quỹ thì hàng năm mình phải có báo cáo trong đại hội thành viên, đồng thời mình phải làm ăn chính xác, trách nhiệm và hiệu quả.
Một số mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đã xuất hiện tại Ninh Thuận. Cụ thể như hợp tác xã Tân Hà, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam hoạt động chính là chăn nuôi gia súc có sừng, nhất là nuôi cừu vỗ béo và cung cấp thức ăn gia súc.
Với định hướng phát triển mô hình chăn nuôi bán công nghiệp, Hợp tác xã Tân Hà đã chủ động liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định. Nhờ đó, hơn 1 năm qua, hợp tác xã đã có tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, thu lãi gần 350 triệu đồng. Quy mô đàn gia súc cũng tăng gấp rưỡi so với trước.
Ông Phạm Minh Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã Tân Hà chia sẻ: Trong số anh em có cùng sở thích chăn nuôi đã thống nhất là thành lập HTX để làm cho giá trị sản xuất ra hàng hóa được tập trung, có thương hiệu, giá thành sản phẩm cao hơn so với thị trường.
Hiện nay, Ninh Thuận có 1.205 tổ hợp tác, với trên 11.800 thành viên,, doanh thu bình quân ước đạt 140 triệu đồng/năm. Cùng với đó là 78 Hợp tác xã, trong đó có 60 hợp tác xã đã tổ chức và hoàn thành việc củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tổng số thành viên của hợp tác xã trên 30.000 người. Năm 2016, doanh thu của các hợp tác xã bình quân ước đạt 1,8 tỷ đồng, tăng 1,7 lần; lợi nhuận bình quân 1 hợp tác xã là 150 triệu đồng, tăng gần 2 lần so với thời gian trước.
Vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế của Ninh Thuận được khẳng định qua việc đóng góp gần 8% GRDP hằng năm cho tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Ninh Thuận vẫn còn những mặt hạn chế, như: hầu hết hợp tác xã có quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn còn hạn chế. Năng lực quản trị của còn yếu, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định...
Ông Đỗ Văn Minh - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Với sự trí tuệ của tập thể và các thành viên, Liên minh HTX đã có những chương trình hành động, quyết định cụ thể và phương hướng để hỗ trợ phát triển HTX. Tỉnh Ninh Thuận phải ra được quyết định hỗ trợ HTX theo quyết định 22 cũa Thủ tướng Chính phủ.
Với tinh thần “Đoàn kết-Đổi mới-Hội nhập-Phát triển”, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận đang quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, phấn đấu đưa kinh tế tập thể ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong giai đoạn mới./.
Theo CTV A Sơn-Văn Cảnh/VOV.VN