Cập nhật: 26/12/2016 09:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đền Bắc Cung hay còn có tên Nôm là đền Thính. Đền nằm trên địa phận xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc. Bắc Cung là một trong bốn đền thờ Thánh Tản Viên thuộc hệ thống Tứ Cung quanh núi Ba Vì và tả ngạn sông Hồng. Ngôi đền được xây dựng từ cách đây gần 20 thế kỷ, mang vẻ đẹp trầm mặc của vùng đất và lưu trữ nét văn hóa ngàn đời thấm đượm cùng thời gian.

Đến thăm đền vào một ngày đầu năm, chúng tôi được nghe cụ Nguyễn Thị Sản, 84 tuổi, Phó Ban quản lý di tích, một người đã gắn bó 22 năm với đền Bắc Cung kể về sự tích ly kỳ khi đền được xây dựng. Tương truyền, Thánh Tản Viên tên thật là Nguyễn Tuấn sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, sớm mồ côi cha mẹ. Nhờ được thần Thái Bạch trao cho gậy thần và sách ước nên chàng trai Nguyễn Tuấn kiếm được voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao để rước Mị Nương về làm vợ. Thủy Tinh – con vua Thủy Tề thất bại, tức giận cho nước dâng khắp nơi, nhấn chìm cả vùng đất đai trù phú. Lúc này, Nguyễn Tuấn sinh ra hàng nghìn lớp núi trùng trùng điệp điệp để ngăn dòng nước dữ. Sau chiến thắng ấy, Nguyễn Tuấn được vua Hùng giao cho cai quản vùng núi Tản Viên. Ngài đã ngao du khắp nơi, đem theo Trúc thượng và Thạch Bầu chữa bệnh cho những người dân nghèo khổ. Đến vùng đất Tam Hồng, thấy phong cảnh hữu tình, Tản Viên dừng chân nghỉ lại, dạy nhân dân trồng lúa, đánh cá, làm thịt thính. Cái tên đền Thính cũng được bắt nguồn từ đây. Nhân dân cảm tạ công đức nên đã lập đền thờ. Câu chuyện về Đức Thánh Tản thể hiện ước mơ chinh phục thiên nhiên từ bao đời nay của nhân dân ta.

Di tích đền Bắc Cung là một quần thể kiến trúc theo hướng Tây, trên khu đất rộng 10.000 m2. Khu đền gồm có 3 gian chính là tiền tế, trung tế và hậu cung. Các gian được nối với nhau bằng các tòa ống muống. Bên ngoài là khu đại bái, phía trước có sân lễ hội, tượng Thánh Tản Viên đặt sừng sững giữa trời. Điểm đặc biệt trong kiến trúc đền Bắc Cung là kết cấu theo hình chữ Vương. Các lớp cửa được chạm trổ cầu kỳ, sơn son thiếp vàng với các đề tài tứ linh “ long – ly – quy – phụng” hoặc tứ quý “ tùng – trúc – cúc – mai”. Đền Bắc Cung ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, dần dần được xây dựng và tôn tạo hình thành kiến trúc như ngày nay. Năm 1992, đền được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đền trở thành địa điểm mở lớp dạy học của trường chính trị huyện và nơi làm việc của Phòng Văn hóa Yên Lạc. Đã từ rất lâu, mỗi khi Tết đến xuân về, đền Bắc Cung lại nô nức lễ hội quy tụ nhân dân trong huyện và nức lòng du khách gần xa.

 

Lễ hội đền Bắc Cung diễn ra từ ngày mùng 6 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Sau khi khai trống thỉnh chuông sẽ là lễ rước của 9 làng Lũng Hạ, Tảo Phú, Lâm Xuyên, Man Để, Giã Bàng, Xuân Chiếm, Đông Mẫu, Lũng Thượng và Phù Lưu. Việc chuẩn bị cho lễ tế khá công phu. Ban tế thường được chia thành 2 đội, mỗi đội 21 người, trong đó có một người làm chủ tế. Chủ tế phải là người vinh tử vượng phu, phu phụ song toàn, khỏe mạnh và đức độ. Lễ vật dâng lên Đức Thánh Tản là tổng hợp những sản vật quê hương, thể hiện thành quả lao động của nhân dân trong một năm qua. Đi đầu đám rước là màn múa lân sôi động; theo sau là các nam thanh nữ tú, cầm chấp kích, đeo dải lụa. Các cụ ông vận trang phục áo the khăn xếp, còn cụ bà mặc áo dài màu vàng. Điểm độc đáo trong lễ hội đền Bắc Cung đó là lễ hội vùng miền, quy tụ nhân dân của nhiều xã khác nhau mang tính gắn kết cộng đồng cao. Sau lễ tế và rước kiệu, các trò chơi dân gian như đánh đu, đấu vật, kéo co, cờ người, đập niêu, bắt vịt, … được tổ chức trong khuôn viên đền thu hút đông đảo người dân tham gia. Người người du xuân trẩy hội Bắc Cung, nghe hát quan họ, cầu tài, cầu lộc, cầu công danh, cầu may mắn, trao gửi tâm tình, thể hiện niềm tin thành kính vào các vị thánh thần.

Lễ hội đền Bắc Cung không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mà còn là điểm đến thăm quan du lịch của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn bền vững với những giá trị được hun đúc từ nghìn đời. Cùng với các địa danh khác trên địa bàn huyện Yên Lạc như đền Gia Loan – chùa Biện Sơn, khu di chỉ Đồng Đậu, đền Tranh,… đền Bắc Cung có vai trò quan trọng trong việc kết nối với các điểm đến ở các địa phương lân cận, tạo thành tuyến du lịch Vĩnh Yên – Yên Lạc, thu hút du khách gần xa.

 

ST

Tệp đính kèm