Cập nhật: 29/12/2016 08:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghề chạm bạc Đồng Xâm ra đời từ thế kỷ 15. Thuở ấy có một người đàn ông từ châu Bảo Lạc (Cao Bằng) lênh đênh trên một chiếc thuyền lan. Rồi một hôm ông dừng lại bên bờ Trà Lý, mang nghề chạm bạc dạy cho dân làng ...

Cách đây 1 năm, tôi có dịp sang thăm Trung Quốc. Người Trung Quốc đã đưa tôi đi thăm nhiều vùng nghề truyền thống của họ như vùng sản xuất trà Long Tỉnh, vùng nuôi và chế biến Ngọc trai, đồ gốm Tử sa Song ấn tượng nhất đối với tôi là cuộc viếng thăm cơ sở sản xuất kiêm giới thiệu sản phẩm chạm, đúc đồng. Tôi đã được chiêm ngưỡng tài hoa của các nghệ nhân Trung Quốc, và điều bất ngờ là trong số họ cũng có người biết tiếng Nghề chạm bạc Đồng Xâm ở Việt Nam.

Nghề chạm bạc Đồng Xâm ra đời từ thế kỷ 15. Thuở ấy có một người đàn ông từ châu Bảo Lạc (Cao Bằng) lênh đênh trên một chiếc thuyền nan. Rồi một hôm ông dừng lại bên bờ Trà Lý, mang nghề chạm bạc dạy cho dân làng (làng Đồng Xâm ngày nay). Cũng có sách viết rằng: Cụ tổ nghề Nguyễn Kim Lâu vốn là người gốc ở đây, học được nghề kim hoàn từ châu Bảo Lạch nước Đại Minh, rồi đem nghề về truyền lại cho dân làng. Gần 600 năm đã trôi qua, mọi thứ đã không còn được tuyệt đối chính xác. Song theo văn bia tại đền cụ tổ nghề chạm bạc thì năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu đã về đây truyền nghề cho dân, lập thành phường Phúc Lộc, gồm 149 người, có một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ. Các dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ đều có người tham gia phường Phúc Lộc. Phường quy định người nào muốn học nghề đều phải nộp tiền để làm lễ cầu phúc và lễ kính tổ nghề. Hàng năm vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch, phường thợ phải tập trung tại trước am để làm lễ giỗ tổ Nghề chạm bạc nhanh chóng phát triển. Thợ chạm bạc ở đây chẳng mấy chốc đã tỏa đi khắp nơi hành nghề. Theo truyền thuyết dân gian, Đức tổ nghề Nguyễn Kim Lâu thọ ngoài 80 tuổi. Khi ngài tạ thế, thợ vàng bạc khắp nơi đổ về chịu tang, lập am thờ, tạc bia đá ghi công đức truyền nghề của thầy. Am thờ khi xưa cứ được nâng cấp dần thành đền thờ tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu ngày nay ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương.

Ngày nay ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu đã được coi là ông tổ nghề chạm bạc ở Việt Nam, bởi bất cứ nơi đâu có nghề chạm bạc thì ở đó đều có bóng dáng của người thợ chạm bạc Đồng Xâm. Thời nhà Nguyễn, các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào tận Huế để chạm trổ cung kiếm, móng thú và đồ trang sức cho triều đình. Thợ chạm bạc Đồng Xâm đã cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay. Nghệ nhân chạm bạc Triệu Như ở Hà Nội cũng là người gốc Đồng Xâm. Xa hơn nữa, người Đồng Xâm đã mang những nét tinh hoa của nghề chạm bạc mê hoặc lòng người tận phương trời Tây. Ông Lê Đức Thọ kể rằng, khi ông sang Pháp đấu nhau với Mỹ tại hội nghị Pari ông đã gặp những của hiệu bạc chạm của người Đồng Xâm ở đó.

Trở về nơi tổ nghề chạm bạc, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đẹp đẽ, giàu sang của một làng quê xa xôi hẻo lánh. Xi măng xen lẫn gạch đỏ phủ kín các đường làng, ngõ xóm. Thấp thoáng sau những vườn cây, hoa cảnh là những ngôi nhà xây theo kiểu mới uy nghi, yên ả như những khách sạn nhà vườn. Anh bạn dẫn đường còn cho tôi biết ở đây cứ đi ra đường là gặp tỷ phú. Tôi hiểu câu nói hóm hỉnh của anh cũng như lời phát biểu tổng kết năm 2002 của Chủ tịch huyện Kiến Xương: Nghề chạm bạc Đồng Xâm đã lan ra cả xã Hồng Thái và các xã lân cận như Lê Lợi, Trà Giang. Từ sản xuất thủ công, nghề chạm bạc Đồng Xâm nay đã được cơ giới hóa 100%. Các khâu nguyên liệu, tạo phôi, mài bóng đã thu hút 2.300 lao động. Tại làng Đồng Xâm đã hình thành một số doanh nghiệp tư nhân, 2 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 146 tổ hợp, 637 cá thể. Hàng năm hàng chạm bạc đã đem lại giá trị xuất khẩu 1,2-1,4 triệu USD và tương lai sẽ còn lớn hơn nữa./.

 ST

 

Tệp đính kèm