Bên cạnh những thành tựu nổi bật của ngành Du lịch trong năm 2016, đã có những tín hiệu chuyển động tích cực cho Du lịch Việt Nam năm 2017.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã ký phê duyệt sản xuất phim tài liệu nghệ thuật “Phiên chợ vùng cao” và “Mũi Né- Vùng biển thức” thuộc Đề án “Quảng bá du lịch thông qua các hoạt động điện ảnh”; TP Hà Nội chi 2 triệu USD quảng bá du lịch trên kênh CNN trong 2 năm 2017-2018 và 4 tỉnh thành có di sản liên kết du lịch: Hà Nội- Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam… là những tín hiệu chuyển động tích cực du lịch Việt Nam năm 2017.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2016, các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt những kỷ lục mới: đón 10 triệu lượt khách quốc tế (tăng 25% so với năm 2015), phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.
Khách du lịch tại Nha Trang.
Trong tổng số khách quốc tế tới Việt Nam, khách du lịch ở khu vực Đông Bắc Á chiếm thị phần lớn.Đối với thị trường châu Âu, lượng khách từ 5 nước Tây Âu được miễn thị thực (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy) đã tăng trưởng khoảng 635 ngàn lượt so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, thị trường Italy tăng 30%, Tây Ban Nha tăng 27%, Anh tăng 22%, Đức tăng 19%, Pháp tăng 13%.Đối với thị trường lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu là thị trường Nga cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 27%. Ngay cả những thị trường quy mô nhỏ hơn cũng đạt mức tăng trưởng cao đáng kể như Hà Lan tăng 24%, Thụy Điển tăng 22%.
Xúc tiến du lịch chuyển động tích cực
Ngay từ đầu năm và liên tiếp trong năm, khi các đoàn làm phim của Hollywood, Ấn Độ, Hồng Kong, Pháp, Hàn Quốc… dùng bối cảnh Việt Nam trong các dự án bom tấn hay triệu USD của họ thì đã có một “không khí” lạc quan cho ngành du lịch quốc gia, khi tiềm năng khai thác thu nhiều lợi nhuận nếu liên kết giữa điện ảnh và du lịch.
Chương trình “Xúc tiến du lịch quốc gia thông qua các phim tài liệu nghệ thuật” đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch ký phê duyệt. Qua đó quảng bá du lịch, bối cảnh quay phim, hình ảnh đất nước con người Việt Nam, các vùng miền, các nét văn hóa đặc trưng…
Theo đó sản phẩm được trình chiếu, tuyên truyền, quảng bá tại các sự kiện quốc gia về điện ảnh, du lịch lớn trong và ngoài nước; đồng thời phát hành đĩa tặng cho khán giả điện ảnh, các công ty du lịch, các đối tác, các nhà làm phim nước ngoài muốn đến làm phim tại Việt Nam nhằm xúc tiến du lịch thông qua một kênh truyền thông rộng lớn là điện ảnh; hướng đến đối tượng là đông đảo nghệ sĩ và khán giả điện ảnh.
Trước mắt là hai phim “Phiên chợ vùng cao”, “Mũi Né- Vùng biển thức”, dài 12 phút, phụ đề song ngữ Anh- Pháp với nội dung quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch Việt.
Phim sẽ được trình chiếu tại tất cả các sự kiện chính thức của quốc gia về điện ảnh và du lịch trong nước và quốc tế trong các năm tiếp theo như: Tuần phim Việt Nam tại Singapor, Tuần phim Việt Nam tại Hàn Quốc, Chương trình phim Việt Nam tại Cuba, Canada, Liên hoan phim Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 57...;
Đồng thời triển khai giới thiệu trên các website chính thức của Cục Điện ảnh và Tổng cục du lịch, website Liên hoan phim Việt Nam… như một kênh thông tin trực tuyến.
Hà Nội vừa quyết định chi 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh Thủ đô trên kênh truyền hình CNN (Mỹ) trong 2 năm 2017-2018, bắt đầu từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2018.
Ý tưởng, chủ đề, nội dung quảng bá, thể hiện đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội gắn với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và đất nước Việt Nam..Thông điệp được đưa ra là câu chuyện của Hà Nội qua góc nhìn của một du khách nổi tiếng trên phương tiện truyền thông xã hội, bày tỏ tình yêu đối với Hà Nội.
Nội dung quảng bá gồm 3 phim quảng cáo 30 giây; các phim 60 giây; phóng sự 3-5 phút; chương trình đặc biệt 30 phút trên truyền hình. Ngoài ra còn các chuyên trang giới thiệu riêng về Hà Nội như “Hà Nội- Trái tim VN”; “Hà Nội- Cái nôi của di sản”; “Hà Nội của tôi”, “Hà Nội góc nhìn” trên CNN.com; Bài viết trên mạng xã hội Facebook, Twitter cùng các banner quảng cáo liên quan đến CNN. Khu vực phát sóng gồm châu Á Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á.
Với vai trò trưởng nhóm liên kết năm 2016, tỉnh Quảng Nam đề xuất, năm 2017, sẽ xuất bản sự kiện Văn hóa- Thể thao- Du lịch của 4 địa phương Quảng Nam- Đà Nẵng- Thừa Thiên Huế- Hà Nội năm 2017; Tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh;
Tổ chức đón đoàn Famtrip, Presstrip; tham gia Hội chợ JATA Nhật Bản 2017, Hội chợ KOTFA 2017 tại Hàn Quốc tháng 6-2017, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam- VITM 2017, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC 2017;
Nghiên cứu tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện Hội nghị cấp cao APEC 2017; Hiệp hội Du lịch chủ trì xây dựng chương trình tour cụ thể cho các nhóm sản phẩm du lịch của 4 địa phương;
Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động sự kiện lớn như Hội nghị cấp cao APEC 2017, Festival Di sản Quảng Nam 2017, Hội nghị Du lịch Golf 2017…
Những việc cần làm ngay cho ngành du lịch
Tiềm năng, lợi thế du lịch rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả, các địa phương, cơ quan liên quan và mỗi người dân cần có những "chuyển động" tích cực để tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn với du khách.
Song song với việc quảng bá hình ảnh, bên cạnh đó, các công trình di tích, di sản cũng phải được quan tâm đầu tư; khi lượng khách đến đông phải có giải pháp nhằm cung cấp các loại hình dịch vụ tốt nhất cho du khách.
Lưu tâm ý thức trong ứng xử nơi công cộng, văn minh, lịch sự trong giao tiếp; chấp hành những quy định văn minh đô thị như không hút thuốc lá, vứt rác nơi công cộng, bảo vệ môi trường...
Ngoài ra rất cần phải có các chuyên gia về truyền thông tư vấn khi thực hiện các dự án xúc tiến du lịch, phải có một slogan nào đó để du khách nhớ đến Việt Nam, xây dựng một thương hiệu du lịch Việt Nam…
Du lịch Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật trong năm vừa qua một phần nhờ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai ngày càng chuyên nghiệp như sử dụng công nghệ mạng e-marketing, phối hợp với VTV triển khai thực hiện chương trình quảng bá du lịch (VTVtrip), hợp tác với các cơ quan truyền thông...
Trong năm 2017, Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành công tác quảng bá bài bản hơn, xác định rõ trọng điểm thị trường khách tiềm năng là Đông Bắc Á, thứ hai là ASEAN, thứ ba là Tây Âu, còn lại là các thị trường mới nổi; có những thông điệp đối với từng thị trường để việc quảng bá dần đi vào chiều sâu.
Ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 đón từ 18- 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng thu từ du lịch đạt 33-35 tỷ USD và đóng góp cho nền kinh tế quốc dân từ 10-12%./.
Theo vov.vn