Cập nhật: 01/01/2017 07:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đã là con người, ai cũng nghĩ về bản thân, gia đình mình, nghĩ về người thân, nghĩ về xóm làng, nghĩ về xã hội và nghĩ về thời cuộc, sự kiện… Nhưng nghĩ về ngày tết thì chắc chắn không giống nhau, nhất là giữa các tộc người. Trong 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc nào cũng có những phong tục tập quán riêng, đặc biệt là ngày Tết.

Đối với người Giáy, một năm có 12 tháng, riêng tháng 11 không có tết, thế mà trong một năm người Giáy vẫn có tới 13 cái tết lớn nhỏ, như vậy 11 tháng trong năm thì tháng nào cũng đều có tết. Có tháng tới 3 cái tết như tháng giêng. Dù cái tết đó chỉ làm bánh phở ăn với một chân giò, hay một con gà, thậm chí có tết chỉ là gói bánh trưng, bánh gio, bánh trôi hay chỉ làm bánh tẻ. Người Giáy tính lịch và gọi các tháng âm lịch trong năm là: Tháng chạp ( tháng12 âm ), tháng tết ( tháng 1 âm ), tiếp đó tháng hai, ba, bốn, năm …Tháng một của năm mới (tháng giêng) thì người Giáy gọi là tháng tết. Vì trong ngôn ngữ người Giáy, ngày tết nguyên đán gọi là “ván siêng”. “Ván” là ngày, “siêng” là tết; ăn tết là “cơn siêng”. Tết nguyên đán người Giáy gọi là “cơn siêng láo”, nghĩa là ăn tết to. Trong tháng giêng, ngoài tết nguyên đán ra còn có tết rằm tháng giêng - “ cơn sịp há” ; tết 30 tháng giêng - “ cơn đáp” ngoài ra còn có tết tháng 3 - “cơn siêng sam”; tết tháng 6 - “cơn siêng róc”; tết tháng 7 “cơn sịp tsỳ”...
                          Người Giáy có câu hát về tháng giêng:
                                                      Đươn siêng đươn dù vàng
                                                      Đươn tó tràng tó cú
                                                      Đươn tsong dú pú nồi.
                                     Nghĩa là:
                                                      Tháng tết tháng nhàn rỗi
                                                      Tháng ăn chơi đánh cầu
                                                      Tháng phong lưu con trẻ.
Tháng giêng người Giáy gọi là tháng tết. Bởi tết là chơi vui, là nghỉ ngơi, là ăn uống chúc tụng nhau … Tháng giêng là tháng vui chơi, cả tháng nghỉ ngơi và cũng là tháng ăn uống, mời bạn bè, mời khách, ca hát. Vào tháng giêng, tiếng khèn, tiếng trống ngày đêm vang khắp xóm làng, bếp lửa hồng thâu đêm để người già tâm tình, uống rượu kể chuyện đời, chuyện cổ tích …, những đôi trai gái học hát, học thổi khèn, học đánh đàn, kéo nhị, thổi sáo vui với nhau của tuổi xuân.
Tết là vậy, nên người Giáy nghĩ về tết là nghĩ về một tháng vui, một tháng chơi, một tháng hàn huyên xum họp. Người ở nhà, sau rằm tháng chạp là mọi người luôn ngóng trông người thân đang ở xa về xum họp. Người đi công tác, đi làm dâu, ở rể làm sao nhanh chóng trở về quê hương, gia đình người thân, xóm làng ăn tết. Người Giáy nghĩ “Có không có cũng ăn tết”, “To nhỏ cũng bữa cơm tết”.
Ngày tết là ngày thiêng liêng, ngày tết là ngày xum họp, hội tụ gia đình. Vì thế sau tháng mười một bước vào tháng chạp là mỗi người đã háo hức, hồi hộp chờ tết. Ngày xưa, người ta vừa mong tết đến lại vừa lo tết đến. Người chờ, người mong tết đến là mong được nghỉ ngơi, xum họp, vui chơi… Người lo tết đến là lo: không hiểu gia đình có xum họp không? Quần áo mới cho trẻ ở đâu? Lấy gì mua sắm rượu, thịt, gạo, bánh … và còn cái lo nữa là nợ cuối năm không được để sang năm mới, mà lấy tiền đâu về trả nợ, trả rồi ăn gì, mặc gì trong tết này…
 Nhưng bây giờ, chuyện đó cũng có thể xem là chuyện quá khứ. Hiện nay, tuy vẫn còn có người lo. Lo bây giờ là khác cái lo ngày xưa, lo bây giờ là chỉ lo ăn chưa ngon, mặc chưa đẹp chứ không phải là cái lo thiếu thốn như ngày xưa. Hiện nay, người người, nhà nhà đang háo hức mong tết đến, đang háo hức mua sắm, đang làm nhà mới, tu sửa nhà cũ để chờ tết đến.
                        Dù ở hoàn cảnh nào người Giáy có câu:
                                                      Tăng siêng nò cà ma
                                                      Hong ná hun cà tấu
                                     Nghĩa là:
                                                      Đến tết khắc có thịt
                                                      Đến mùa khắc có mưa.
Nghĩ về tết như thế cho nên người Giáy chuẩn bị tết khá kỹ, trước hết lo nuôi lấy một con lợn để đến tết mổ. Sắp đến tết, người ta thường hỏi nhau năm nay nhà anh có lợn mổ không? lợn to hay nhỏ? Chưa mổ con lợn tết năm trước mọi nhà đã lo đến nuôi lợn tết sang năm. Mọi người còn nghĩ đến gạo nếp để làm bánh bỏng, bánh trưng, bánh dầy, bánh khảo… Khi cấy đã phải tính đến loại nếp nào, làm bánh gì và sẽ cấy bao nhiêu là đủ, cùng với gạo là đường mật. Nhà nào trồng được mía để dành kéo mật, nhà nào không có thì phải lo đi mua … Không chỉ thế, củi đun những ngày tết, tháng tết và những ngày mùa cũng được mọi nhà tập trung kéo, thồ, vác, vào khoảng tháng mười một và tháng chạp. Bởi tháng tết là tháng chơi cho nên không ai đi lấy củi tháng tết và sau tháng tết là vào mùa nương, mùa ruộng rồi, nếu tháng mười một, tháng chạp lấy được nhiều củi thì bớt đi phần công việc trong khi bận làm mùa.
Người Giáy nghĩ về tết là nghĩ về sự ấm cúng, xum họp và sự bình yên trong tâm hồn.
 
 
Sưu tầm
Tệp đính kèm