Sốt rét ác tính là một thể bệnh sốt rét nguy kịch với nhiều nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí can thiệp điều trị kịp thời.
Ở bệnh nhân sốt rét ác tính, cần đề phòng nhiễm khuẩn bội nhiễm (ảnh minh họa).
Ngoài tính chất trầm trọng do các biến chứng của bệnh gây ra, bệnh nhân còn có thể bị nhiễm khuẩn bội nhiễm trong quá trình chữa trị, làm hạn chế kết quả điều trị mong muốn. Cần đề phòng tình trạng này để giúp người bệnh sớm được phục hồi.
Các nhà khoa học ghi nhận bệnh nhân sốt rét ác tính thường dễ bị nhiễm khuẩn bội nhiễm với các dấu hiệu viêm phế quản - phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, loét điểm tỳ, nhiễm khuẩn huyết loại vi khuẩn gram âm; đồng thời tăng bạch cầu máu ngoại vi.bệnh nhân sốt rét ác tính.
Viêm phế quản - phổi là tình trạng khá phổ biến thường xảy ra ở bệnh nhân sốt rét ác tính bị hôn mê sâu, thở khò khè, ùn tắc đờm dãi do tụt cuống lưỡi, mất phản xạ nuốt; hút đờm dãi không vô trùng, nằm lâu ở một tư thế ngửa, lên cơn co giật đe dọa ngừng thở, được đặt nội khí quản hoặc mở khí quản... Nhiễm khuẩn đường tiết niệu do người bệnh được dẫn lưu nước tiểu không bảo đảm vô trùng. Loét các điểm tỳ thường xảy ra tại vùng xương cùng, gót chân... ở những bệnh nhân bị hôn mê sâu và nằm thời gian lâu, không dùng đệm chống loét, không làm vệ sinh sạch sẽ các điểm tỳ hàng ngày. Nhiễm khuẩn huyết loại vi khuẩn gram âm thường gặp là Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa... Tình trạng nhiễm khuẩn huyết này có thể bắt đầu từ nhiều nguồn nhiễm khác nhau như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, phế quản phế viêm, loét các điểm tỳ; đặc biệt là từ các dây luồn tĩnh mạch để nhiều ngày khi truyền dịch hoặc để đo áp lực tĩnh mạch trung tâm. Phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn bội nhiễm ở những bệnh nhân sốt rét ác tính thể não là nhiễm khuẩn bệnh viện bắt nguồn từ các kỹ thuật, dụng cụ thăm dò và điều trị; mầm bệnh phổ biến là các loại vi khuẩn gram âm kháng nhiều loại kháng sinh đang sử dụng nên tiên lượng bệnh sốt rét ác tính càng nặng hơn do người bệnh thường bị sốc nội độc tố vi khuẩn với tỷ lệ tử vong có thể chiếm tới 50% các trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết loại vi khuẩn gram âm.
Tăng bạch cầu máu ngoại vi thường xảy ra trong các trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính có nhiễm khuẩn bội nhiễm và thường là tăng bạch cầu ngoại vi chuyển trái. Đây là một chỉ số quan trọng để giúp giám sát sự xuất hiện bội nhiễm. Một số trường hợp nhiễm khuẩn gram âm không có dấu hiệu tăng bạch cầu nên dễ bị bỏ sót. Ngược lại, có một số trường hợp sốt rét ác tính có bạch cầu tăng rất cao, chuyển trái mạnh nhưng không có bội nhiễm, trường hợp này xảy ra là do những phản ứng giả bạch cầu.
Để đề phòng nhiễm khuẩn bội nhiễm, việc chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân sốt rét ác tính là vấn đề cần được quan tâm. Nên để người bệnh nằm nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, tránh gió lùa; phải xoay trở người bệnh khoảng 2 - 3 giờ một lần để tránh loét tư thế nhất là các điểm tỳ ở vị trí xương cùng, gót chân, nên cho người bệnh nằm đệm chống loét. Phải vệ sinh sạch sẽ thân thể, đồ dùng, giường nằm của bệnh nhân hàng ngày. Cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ bằng máy theo dõi nếu có điều kiện. Bảo đảm chế độ ăn để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng với khoảng 1.500 đến 2.000 calo mỗi ngày nhằm tăng sức đề kháng. Cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng qua ống thông dạ dày bằng nhiều bữa nhỏ hoặc truyền nhỏ giọt liên tục nếu người bệnh bị hôn mê. Khi người bệnh hôn mê nhiều, không thể ăn uống qua đường tiêu hóa thì nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch bằng các dịch truyền cần thiết.
BS. NGUYỄN VÕ HINH
Theo suckhoedoisong.vn