Cập nhật: 10/01/2017 09:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng chài Phổ Thạnh nằm cạnh bãi biển Sa Huỳnh là nơi hành nghề giã cào đôi, cái nghề mà bất kỳ ngư dân nào ra khơi cũng hiểu mỗi khi quăng lưới xuống vùng biển nào là cào hết hải sản nơi đó. Với những cặp tàu đôi vươn xa khắp mọi vùng biển của đất nước, nghề biển lâu đời này mang lại cho ngư dân ở đây tiền tỷ mỗi năm, nhưng cũng đè lên vai họ mối nợ với biển…

Cảng Sa Huỳnh ăm ắp cá tôm và nhiều tàu thuyền neo đậu.

 “Vua tàu” và hai cặp tàu đôi giã cào

Ngày trước, Sa Huỳnh - một làng chài hoang sơ có bãi cát vàng tuyệt đẹp chạy dài 5-6km có tên gọi là Sa Hoàng (bãi cát vàng), nhưng chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên gọi chệch thành Sa Huỳnh. Cùng với văn hóa Sa Huỳnh có nhiều giá trị khảo cổ, làng chài Sa Huỳnh nay thuộc hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cũng có truyền thống nghề biển hàng trăm năm nay.

 

Biển Sa Huỳnh với bãi cát vàng trải dài tuyệt đẹp.

Chúng tôi đến Sa Huỳnh một ngày đông đầy nắng, vị biển từ cảng cá nồng hơn bao giờ hết. Dọc con đường cảng, mùi cá, tôm, mực đang hong nắng cùng mùi muối biển đọng lại một cảm giác khó quên.

Từ một làng chài nghèo khó với những con thuyền đơn sơ, mấy năm gần đây, Phổ Thạnh đã trở nên giàu có với những đội tàu ngang dọc Biển Đông. Xã Phổ Thạnh được gọi là “làng chài tỷ phú” với hơn 35% hộ gia đình có tài sản lên đến hàng tỷ đồng. Còn người được mệnh danh là “vua tàu” ở đây là ông Trần Thanh Nga, năm nay 57 tuổi, đang sở hữu bốn con tàu lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Từ năm 1999, khi cả làng chài nghèo vẫn đi biển bằng những con thuyền bé thì ông Nga đã dám nghĩ lớn và đóng chiếc tàu công suất lớn đầu tiên của Phổ Thạnh 450 CV. Lúc đầu, cứ nghĩ là mình chỉ làm được đến thế thôi, nhưng rồi lần lượt những con tàu to dần lên được ông hạ thủy ra khơi. Chiếc cuối cùng “vua tàu” Trần Thanh Nga đóng là năm 2008, công suất lên tới 750 CV, trị giá gần 7 tỷ đồng. Từ đó đến nay, bốn chiếc tàu của ông chia làm hai đôi vẫn đi đánh cá khắp biển nước Việt.

“Hồi đó chưa ai đóng tàu lớn ở làng chài Phổ Thạnh thì ông Nga đã đóng rồi. Ông là một trong những người có nhiều tàu nhất ở đây, lại là một người có nhiều kinh nghiệm và thành đạt nên ông Nga được gọi là vua tàu. Vua chẳng qua là nhất thiên hạ”, người ta vẫn đồn đại về ông như thế.

Ông Trần Thanh Nga theo cha đi biển từ năm 21 tuổi, bắt đầu ngư nghiệp bằng nghề lưới cản. Ông đi miết từ Móng Cái ra đảo Tố Nữ, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), rồi tuốt đến tận Cửa Ông (Quảng Ninh) gần tới Trung Quốc, chỗ nào cũng tới hết. Được một thời gian, thấy nghề lưới cản năng suất không cao nên ông Nga chuyển sang nghề giã cào.

“Hồi đó tôi đi lỳ lắm, cá thì nhiều, đánh bắt dễ. Tàu công suất chỉ 60 CV, đi bảy tám ngày đêm mới tới Vũng Tàu, nhưng chỉ 15 ngày là tàu đã đầy cá trở về bờ. Còn giờ chỉ hai ngày đã đến biển, nhưng cả tháng trời mới có thể về bờ vì cá ngày càng ít”, ông Nga tiếc rẻ thời vàng son.

 

Tàu neo đậu dọc cầu gần cảng Sa Huỳnh.

Kể những kinh nghiệm đi biển của mình, điều làm ông Nga ớn nhất là đụng phải tàu Trung Quốc khi đánh bắt ở Hoàng Sa, nếu không “lanh” có khi bị bắt hết tài sản. Hồi năm 1978-1979, ông đánh lưới cản, tàu Trung Quốc dùng giã cào xâm nhập vùng biển Việt Nam kéo cả lưới của ông, ông đã bắt thuyền viên tàu Trung Quốc lên tàu mình và đòi đền bù thiệt hại.

Còn những lúc bị gió bão chạy ra không xong chạy vô không được thì ông neo tàu lại, hút mấy can dầu chọc lỗ rồi thả xuống biển để nó rò rỉ, đánh nước loãng ra nhằm giảm độ ma sát. Sóng biển lúc vào gần tàu thì cũng tan theo mặt dầu. Cách này có thể giúp tàu chịu được sóng lớn và qua cơn bão an toàn. “Kinh nghiệm này là từ dân gian của người Việt mình, nếu có trường lớp thì tôi dạy môn đó tốt lắm”, ông Nga cười lớn nói.

Hồi đó, không có máy dò như bây giờ, nên kinh nghiệm của ông là phải để ý, nếu tháng này đánh bắt vùng này được đàn mực, hoặc tháng sau được đàn cá đù ở vùng kia thì năm sau lại nhớ quay lại, vì hằng năm cá về đúng điểm cũ.

Đến năm 37 tuổi, ông Nga giao tàu lại cho con trai và lên bờ buôn bán dụng cụ và ngư lưới cụ. Giờ đây, bốn con tàu của ông chia làm hai đôi, một đôi do con trai Trần Quang Thành quản lý, một đôi tàu khác thuê một người thân cận quản lý, mỗi đôi tàu có 17 người lao động. Bốn con tàu của ông đều đỗ ở cảng Vũng Tàu, mỗi lần xuất bến là cả đôi tàu cùng ra biển.

“Làm giã cào thì từng đôi phải đi tương xứng với nhau, lưới hai bên không cao không thấp, bên yếu máy bên mạnh máy thì cả hai đều chết, nên cả hai phải tính toán đi thật đều”, ông Nga nói về kinh nghiệm của nghề giã cào. Rồi ông tự hào khoe cá lớn cá nhỏ khi trúng vô lưới tàu nhà ông con nào là chết con nấy, không có đường trở lại với biển.

Vua tàu bị “soán ngôi” ở Phổ Thạnh

 

Mực sau khi rửa sạch được phơi nắng rồi mới sấy khô.

Đến cảng Sa Huỳnh ai cũng biết xưởng chế biến mực của bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Thủy sản Thanh Mai. Bà Mai chuyên thu mua mực nang tươi của ngư dân trong vùng chế biến, sấy khô rồi bán. Nhờ kỹ thuật sấy hiện đại, giữ lại độ tươi của mực nên mực khô của bà bao nhiêu cũng bán hết. Tàu to nhỏ, lớn bé cập cảng Sa Huỳnh đều để bán mực tươi cho bà, thậm chí gom không đủ hàng, bà còn phải đi thu mua ở tận Đà Nẵng. Bà tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động nữ của địa phương, mỗi ngày kiếm thêm từ 300-600 nghìn đồng từ việc chế biến mực.

Buổi sáng, khi tàu cập cảng Sa Huỳnh cũng là lúc công việc của bà Mai bắt đầu bận bịu với cân đo, phân loại mực. Hàng chục chuyến xe chở mực từ cảng về xưởng để cấp đông chờ xử lý. Có mặt ở đây từ sáng mong để hỏi chuyện người phụ nữ từ gánh muối rong đã làm nên cơ đồ này, nhưng bà Mai bận luôn tay, không có thời gian dành cho phóng viên, chúng tôi đành chờ đến tận chiều để vào phòng làm việc gặp riêng bà. Những cũng chính ở đây, chúng tôi mới cảm nhận và thấm thía nhiều điều về biển và nghề biển.

 

Bà Mai (trái) đang trả tiền mực cho các chủ tàu giã cào.

Căn phòng nhỏ, bà ngồi bên chiếc bàn với đống giấy tờ sổ sách ghi chép, còn chung quanh là hàng chục người đàn bà miệt biển Phổ Thạnh. Họ là vợ của những chủ tàu giã cào đang chờ để được thanh toán tiền bán mực. Hóa ra, không chỉ ông Nga, nhiều người trong số họ cũng là chủ nhân của nhiều tàu công suất lớn, người ít thì một đôi, người nhiều thì vài ba đôi đi làm nghề giã cào trên biển.

Vợ chồng bà Trần Thị Công có hai chiếc tàu làm nghề giã cào, chiếc lớn 350 CV, chiếc nhỏ 250 CV giao cho một con trai và hai con rể đi hành nghề. Lưới cào trúng thứ gì thì bán thứ đó. Hai chiếc tàu của bà đậu ở cảng Đà Nẵng, thương lái lên tàu mua hết các loại cá cả to lẫn nhỏ, riêng mực thì bà chở về Sa Huỳnh bán cho bà Mai, vì bà Mai chẳng bao giờ ép giá.

 

Bà Trần Thị Công và chị Trần Thị Ánh Tuyết kể về những con tàu giã cào.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, anh Võ Minh Châu ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh sở hữu bốn tàu giã cào, mỗi chiếc công suất 450 CV, cũng cứ ra biển từng cặp mỗi ngày êm gió, đôi nào gặp cá thì vô bờ trước, còn không thì cứ mỗi chuyến đi khoảng 18 ngày. Lần này, bốn chiếc tàu của chị dồn cá cho một chiếc vào bờ trước để bán cho được giá, còn ba tàu ở lại đánh bắt mẻ cá tiếp theo. Lưới giã cào dày nên lọt đủ loại cá, từ cá dấm, cá đù, cá đổng, cá rựa…, và nhiều nhất là mực, riêng số mực chị bán được 400 triệu đồng.

“Nghề giã cào ở đây đánh bắt từ lâu, từ đời ông đến cha rồi đến đời mình. Bốn tàu này tụi tui có từ hai mấy năm nay, đổi cải hoán cho lớn dần lên, máy nhỏ thành máy to, tàu nhỏ thành tàu to. Ở đây có nhiều nhà có hai đôi tàu như tui lắm, mỗi đôi trị giá 5 tỷ đồng”, chị Tuyết vừa đếm tiền vừa kể.

Rồi bất ngờ hơn nữa khi những người phụ nữ miệt biển tiết lộ, ông Nga chưa phải là người có nhiều tàu nhất, vì chính họ mỗi người cũng có bốn chiếc tàu như ông ấy, nhưng riêng nhà vợ chồng Bé Lương có đến tám chiếc tàu chia thành bốn đôi. Hai chiếc tàu mới đóng của bà Bé Lương trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Bà Mai kể, tàu ở đây cứ ra biển là có cá mang về, không lỗ bao giờ cả. Mới đây có chiếc tàu trúng được cả đàn mực tám tấn, về bán cho bà được 1,2 tỷ đồng. Những tàu khác được vài ba tấn mực là chuyện thường. Mỗi ngày bà Mai phải trả cho các chủ tàu bốn đến năm tỷ đồng tiền mực.

Nhìn những đồng tiền vừa là mồ hôi nước mắt của ngư dân, vừa mang vị mặn chát, đỏ ròng của biển, chúng tôi lo hơn là vui, sợ có ngày biển không còn cá cho họ buông lưới nữa.

Và sự giàu có không bền vững

Nghề lưới kéo (còn gọi là nghề giã cào) là một phương thức đánh bắt chủ lực của nghề cá. Nghề giã cào đánh bắt thủy sản sinh sống ở tầng đáy, độ sâu thường từ 20-100m. Nghề lưới kéo phổ biến là dùng hai tàu để kéo lưới gọi là lưới kéo đôi (giã cào đôi), đánh bắt được nhiều loài cá, tôm, mực sống tầng đáy và gần đáy như: cá mối, cá phèn, cá mú, cá đù, cá hố, cá trác, cá liệt, mực nang, mực ống. Sản lượng thủy sản đánh bắt bằng nghề lưới kéo ước chiếm trên 50% tổng sản lượng.

Nhưng nghề giã cào không văn minh và bền vững như nghề lưới vây, câu giật, câu vàng… Mắt lưới giã cào rất dày, lưới lại buộc thêm chì cho nặng, nên mỗi khi quăng lưới xuống biển là lưới nằm sát đáy, có thể cào được bất kỳ loài hải sản nào mà tàu kéo lưới qua, vì thế, đây là một nghề khai thác gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Nhận thức được điều này, trong Quyết định số 375/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu giai đoạn 2013-2015 giảm số tàu làm nghề lưới kéo xuống dưới 15% tổng số tàu cá khai thác hải sản. Đề án này cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, chuyển 3.500 tàu lưới kéo hoạt động vùng ven bờ và vùng lộng sang làm các nghề dịch vụ, du lịch, các nghề khai thác thân thiện với môi trường.

 

Tàu giã cào tận diệt tất cả những thủy sản tầng đáy. Trong ảnh: Ngoài thu mua mực, bà Mai còn mua tôm từ nhỏ đến to của ngư dân giã cào để phơi khô đem bán.

Theo thống kê năm 2016 của Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, số lượng tàu thuyền cả tỉnh là 5.555 chiếc, trong đó, hơn 1.600 tàu làm nghề lưới kéo, tức giã cào, chiếm tỷ lệ 29%, gần gấp đôi tỷ lệ cho phép của Chính phủ. Trước thông tin tạm dừng cấp giấy phép đóng mới tàu lưới kéo vào tháng 2-2016, bà con đã ồ ạt lên xin văn bản chấp thuận để đóng tàu. Chỉ tính trong vòng 20 ngày cuối năm 2015, bà con đã xin 150 giấy phép đóng mới tàu giã cào, gần bằng cả năm cộng lại. Đây là số lượng tăng đột biến, bởi từ trước tới nay, bình quân mỗi năm cả tỉnh chỉ đóng mới 200-250 chiếc.

Hiện nay, vì nguồn thu nhập trước mắt, Quảng Ngãi vẫn tồn tại nhiều làng hành nghề kéo lưới như Phổ Thạnh thì mục tiêu được Chính phủ đưa ra từ năm 2013 này khó có thể thực hiện. Người Phổ Thạnh vẫn truyền nhau bài học đi cặp, hỗ trợ nhau làm giàu, bày cho nhau cách cải hoán vỏ tàu to, lắp chân vịt loại to bốn cánh lắp đặt động cơ máy ôtô, công suất từ 300 đến cả nghìn CV/tàu… để tăng tốc và kéo được lưới nặng. Nghề giã cào vẫn đang mang về thu nhập tiền tỷ cho ngư dân Phổ Thạnh mỗi năm.

Theo thống kê, ngư trường Quảng Ngãi có diện tích khoảng 11.000km2, với trữ lượng hải sản khoảng 68.000 tấn, khả năng cho phép khai thác hàng năm khoảng 27.000 tấn. Sản lượng khai thác của đội tàu trong tỉnh đang vượt xa khả năng đáp ứng nguồn lợi của vùng biển nên thường xuyên có trên 50% số lượng tàu (chiếm khoảng 80% tổng công suất) phải đánh bắt ở ngư trường ngoài tỉnh.

Vậy nên tàu giã cào của Phổ Thạnh ngang dọc khắp Biển Đông đang không chỉ càn quét đáy biển của mình mà còn tàn sát hải sản khắp cả nước. Tiễn chân chúng tôi, “vua tàu” Trần Thanh Nga trầm ngâm nói: “Mình bắt hết cả con cá to và cá nhỏ rồi thì sản lượng năm sau nó phải giảm đi nhiều. Giờ tôi nghỉ đi biển, giao tàu cho mấy đứa nhỏ, nếu không làm giã cào thì đổi nghề gì chúng nó tự quyết”.

Theo mục tiêu đặt ra, năm 2025-2030, nghề giã cào sẽ không còn tồn tại. Sẽ phải đổi nghề vì biển, trước sau gì cũng sẽ phải tìm một phương thức khai thác khác để biển không rỉ máu, người Phổ Thạnh muốn làm giàu với biển thì cũng sẽ có cách để không tận diệt biển thôi, chúng tôi vẫn luôn tin như vậy.

 

Làng chài Phổ Thạnh đang cần một hướng đi mới để chuyển đổi nghề cho ngư dân.

MINH NHẬT - THẢO LÊ - AN NGUYÊN

Theo baonhandan.com.vn

Tệp đính kèm