Cập nhật: 11/01/2017 09:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chưa ai thống kê số làng biển nằm trong 700 xã biển của 28 tỉnh, thành phố khắp cả nước, nhưng cả nghìn ngôi làng ấy đã đứng trước biển nghìn năm nay với tư thế của người lấn biển, chống chọi bão giông và mưu sinh nhờ biển. Dù ở mức độ khác nhau, làng biển trên mỗi miền đất nước đang cần nhiều đổi thay, biến tâm thức biển nghìn đời nay thành tâm thế sẵn sàng đi ra biển lớn.

Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ ở cảng Hòn Rớ.

Nỗi niềm của người câu cá ngừ đại dương

Cảng Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) vào một chiều đông, chúng tôi tìm đến gia đình của những ngư dân chuyên câu cá ngừ đại dương, nghề biển thân thiện với môi trường nhất hiện nay. Anh Vũ Ngọc Tùng (46 tuổi) vốn quê gốc một làng biển ở Quảng Ngãi, dạt trôi theo nghề vào cảng Hòn Rớ lấy vợ lập nghiệp. Anh là người thấm thía hơn ai hết sự hao hụt nguồn cá, khi bắt đầu theo cha từ năm 14 tuổi làm đủ thứ nghề biển từ giã cào, lưới rút cho đến câu vàng, câu đèn… Anh từng theo bạn ra Cửa Tùng, Cửa Vạn (Quảng Bình) rồi ra tận Thanh Hóa, mực nhiều đến mức mỗi đêm câu được cả tấn. “Nay thì khác rồi, ghe thì nhiều mà cá thì ít”, anh Tùng trầm ngâm.

 

Ngư dân Vũ Ngọc Tùng kể về những khó khăn nghề biển.

Người làng biển Nam Trung Bộ vốn dám nghĩ lớn và làm lớn, anh Tùng giờ là chủ nhân của hai con tàu câu cá ngừ đại dương và đang đóng một tàu công suất lớn 800 CV nhờ hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 67. Nhưng đóng thì đóng vậy, phải có sự hỗ trợ của Nhà nước giúp ngư dân vươn khơi bám biển thì anh mới dám làm, chứ cả năm nay đi biển bảy chuyến đều lỗ, mỗi chuyến lỗ 40-50 triệu đồng.

Những suy tư của anh Tùng được lão ngư Trần Văn Đạt, Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (Nha Trang) chia sẻ: “Nếu như sản lượng cá ngừ năm ngoái 60-70% so với trước kia thì sản lượng cá ngừ năm nay chỉ còn 30%”.

Khi chúng tôi gặng hỏi họ vì sao cá biển đang ngày càng ít đi, hai người đàn ông đều cho biết, ở nước ngoài người ta chỉ đi biển sáu tháng. Còn người Việt mình đi biển quanh năm, chỉ lúc biển động mới nghỉ.

“Vậy làm sao để có cá mà đánh bắt lâu dài?”, câu hỏi này của chúng tôi khiến cả hai người đàn ông đều lắc đầu. “Khó lắm, mình không bắt người khác bắt”, ông Đạt thẳng thừng. “Con cá bị đủ các loại lưới vây, lưới cản không sống được. Nhưng không cấm được vì ngư dân có nghề gì khác đâu. Dân biển mà, không đi làm gì bây giờ”, anh Tùng nói.

Cả hai người đàn ông kẻ bể nói với chúng tôi về những khó khăn của nghề biển hiện nay. Cá thì ít, tàu thì đông, có cả tàu cá nước ngoài nên đi biển nhiều rủi ro. Anh Tùng bảo thấy tàu cá nước ngoài là mình tránh xa, không phải vì sợ, mà tàu của họ hiện đại, đèn giăng sáng như thành phố, tàu của mình đèn tù mù như nông thôn, cá ngừ thấy sáng cứ hút hết về phía ấy.

Điều khó nữa là tìm bạn đi biển, tàu nhiều mà bạn thuyền thì ít. Nhiều người thấy đi biển vất vả, rủi ro đã chuyển nghề lên bờ làm thợ hồ, bốc vác kiếm tiền. Để giữ được bạn thuyền, anh Tùng phải cho họ ứng trước tiền. Nhưng ông Đạt cho biết, có khi người ta lấy tiền của mình rồi, hứa hôm sau sẽ đi biển cùng nhưng sáng dậy tàu nhổ neo mà không thấy họ đâu. Có chủ tàu ở Hòn Rớ như ông Phúc, vay vốn Nhà nước đóng tàu sắt theo Nghị định 67 giờ không có bạn thuyền nên tàu nằm bờ cả mấy tháng nay.

Rồi ngay cả khi trúng mánh bắt được cá to, người đi biển cũng đối mặt với thua lỗ vì không bảo quản được cá. Ngư dân Hòn Rớ còn nhớ rõ, tháng 5 vừa qua, tàu của ông Huỳnh Phi Minh bắt được con cá ngừ vây xanh khổng lồ nặng 310kg từ vùng biển giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biết con cá có giá trị lớn, ông Minh lập tức ướp đá và quay tàu vào bờ. Nhưng đi mất 5 ngày tàu mới cập cảng Hòn Rớ, thịt không còn tươi nữa do cá quá to, đá ướp không thể đủ lạnh. Doanh nghiệp nước ngoài đến xem cá rồi lắc đầu. Cuối cùng một doanh nghiệp Việt Nam mua “ủng hộ” giá 50 triệu đồng, không đủ phí tổn chuyến biển đó. Theo bà con ngư dân, một con cá ngừ to tương tự đã được bán đấu giá tới vài tỷ đồng ở Nhật Bản. Vậy nên, công nghệ bảo quản sau đánh bắt phù hợp với tàu thuyền của ngư dân đang là vấn đề mà các nhà khoa học nợ người dân biển.

 

Cá ngừ chỉ được giá khi bảo quản đúng cách.

Bồi đắp tri thức biển

Chúng tôi mang những suy tư của hai người đàn ông câu cá ngừ đại dương đến gặp TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản. TS Tùng thừa nhận, nguồn lợi thủy hải sản không phải là vô tận, hiện nay đang có dấu hiệu giảm dần do các hoạt động khai thác thiếu tính bền vững của con người và tác động của môi trường. Nguồn lợi đang giảm mạnh, đặc biệt là nguồn lợi ven bờ, điều đó thể hiện qua sự giảm sút theo năng suất khai thác từ 0,92 tấn/CV năm 1990 xuống còn khoảng 0,26 tấn/CV hiện nay. Các loại cá có giá trị kinh tế cao giảm đáng kể, kích thước và tính đa dạng loài cũng suy giảm.

Nguyên nhân là do các nước tăng cường năng lực khai thác thủy sản, đối tượng là các loài di cư, đa loài, dẫn đến áp lực ngày càng lớn, nguồn lợi suy giảm chung trên các vùng biển. Cường lực khai thác quá mức đặc biệt tại vùng biển ven bờ, nhiều loại cá có giá trị kinh tế, quý hiếm có dấu hiệu tuyệt chủng. Tác động của biến đổi khí hậu, việc con người đào đắp, lấn biển làm mất các rạn san hô, nơi cư trú, bãi đẻ, hướng di cư… của các loài thủy hải sản. Mặt khác, công nghệ và kỹ thuật và trang thiết bị ngày càng hiện đại dẫn đến sản lượng ngày càng cao. Ngoài ra, sự phát triển tự phát thuyền nghề không theo quy hoạch, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa cường lực khai thác và trữ lượng. Cơ cấu nghề khai thác, tàu thuyền chưa hợp lý. Số tàu công suất nhỏ chiếm tỷ trọng cao, các tàu công suất lớn khai thác không đúng tuyến theo quy định dẫn đến áp lực tại vùng ven bờ ngày càng quá tải. Đặc biệt, số lượng các tàu làm ảnh hưởng đến nguồn lợi như nghề lưới kéo, pha xúc, te xiệp… vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Và chúng tôi thật sự bất ngờ trước con số 68% trong số 120 nghìn lao động nghề cá hiện nay chưa tốt nghiệp tiểu học mà TS Tùng đưa ra. Hóa ra những người mù chữ phải điểm chỉ ký hợp đồng đóng tàu ra biển đánh cá mập như anh Bảo ở làng Thủy Đầm là không hiếm. Điều tra của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản còn cho thấy, chỉ 20% ngư dân tốt nghiệp tiểu học, khoảng gần 10% có trình độ THCS. Chỉ có trên 47% số lao động là thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá được cấp bằng, chứng chỉ qua đào tạo ở các trung tâm và trường dạy nghề. Phần lớn số lao động làm hậu cần nghề cá trên biển và trên bờ chưa qua đào tạo. Nhìn từ góc độ kinh tế, TS Tùng cho rằng điều này dẫn đến hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức về quản lý, kỹ thuật đánh bắt và các khả năng tiếp cận công nghệ khai thác mới.

 

Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản Nguyễn Thanh Tùng.

Còn từ góc độ văn hóa, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân, GS, TS Ngô Đức Thịnh đã nhận định: “Chúng ta thiếu hụt hẳn một truyền thống văn hóa biển đại dương, với những tri thức, ứng xử, con người và tâm thế. Mà để có một tâm thế, một tri thức, một văn hóa thì phải mất hàng thế hệ. Điều đáng tiếc là vừa qua chúng ta chỉ chú ý đến vốn và kỹ thuật, mà chưa chú ý đúng mức tới việc bồi bổ và hình thành một nền văn hóa biển Việt Nam thật sự. Bài học về chương trình đánh bắt xa bờ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước coi như đổ xuống sông, xuống biển không phải vì chúng ta thiếu tiền, thiếu kỹ thuật, mà là vì chúng ta thiếu con người có tri thức biển, tâm thế biển”.

Ngư dân câu cá mập ở làng Thủy Đầm hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết, Hội nghị các nước thành viên CITES (CoP17) tại Nam Phi tháng 10 vừa qua đã thông qua các biện pháp kiểm soát buôn bán cá mập lụa và cá mập bò (những loài bị đánh bắt để lấy vây), cá mập quỷ (được sử dụng để làm thuốc). Ở Việt Nam, khoảng 13 loài cá mập được ngư dân khai thác, trong đó hầu hết các loài cá ở vùng tuyến khơi. Tổng cục Thủy sản đang xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài cá mập ở Việt Nam giai đoạn 2017-2025 trình Bộ NN&PTNT phê duyệt. Theo đó, những ngư dân câu cá mập làng Thủy Đầm cần nhận biết được loài nào được phép khai thác và loài nào không được phép. Có như thế, những sản phẩm từ cá mập mới có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn.

Với làng câu mực Bình Chánh, toàn bộ nguyên liệu mực ở đây sau khi phơi khô đều xuất sang Trung Quốc để chế biến thành phẩm rồi xuất ngược trở lại về Việt Nam. Đã đến lúc cần xây dựng một quy trình khép kín từ việc đánh bắt, chế biến để tránh lãng phí tài nguyên biển.

Sớm hay muộn, nghề giã cào ở Phổ Thạnh cũng sẽ phải bỏ đi, nhưng tàu làm nghề giã cào khó có thể cải hoán để chuyển sang phương thức đánh bắt khác. Điều này dường như chưa được cơ quan quản lý tính đến…

Làng biển trước tâm thế mới

Cả nước có 28 tỉnh ven biển với khoảng 120 huyện, thị xã, thành phố có làng cá bao gồm khoảng 700 xã làm nghề khai thác biển, do đặc điểm địa lý khác nhau, điều kiện thị trường, truyền thống nghề nghiệp nên nghề khai thác ở các tỉnh phát triển rất khác nhau.

Phải cần nhiều năm tháng để thực hiện mong muốn đi hết tất cả các làng biển dọc theo chiều dài đất nước, chúng tôi đã tạm kết thúc hành trình của mình bằng chuyến trở về lại làng biển quê hương: một ngôi làng biển nghèo Hà Tĩnh. Từng đi qua những làng biển giàu có sầm uất với những đội tàu to lớn hùng dũng, những ông chủ tàu và chủ vựa cá, vựa mực, những chủ cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với doanh thu đến hàng tỷ đồng mỗi ngày, thật không khỏi ngậm ngùi khi trở về làng quê nghèo nơi mà ngư dân sáng sáng chiều chiều vẫn ôm mớ cá chạy vội đi rao bán trong làng. Nghìn đời nay, họ vẫn chỉ sắm cái thuyền nhỏ, buổi chiều tà chồng vợ cùng đẩy thuyền giăng lưới ra khơi, sáng sớm quay về đổi cá lấy lương thực và mọi thứ đồ dùng thiết yếu khác. May mắn hơn thì tích lũy được ít tiền làm mái nhà, cho con cái đi học. Cùng với việc đánh bắt hải sản phục vụ vùng đồng bằng ven biển và thành phố lân cận, những làng biển quê tôi còn sống nhờ tiềm năng du lịch biển. Dù nghèo, nhưng họ có lẽ chưa bao giờ phải quá lo lắng đến kế sinh nhai. Cho đến một ngày xảy ra sự cố Fomosa…

Câu hỏi day dứt chúng tôi, là làm thế nào để phát triển kinh tế biển với một nền công nghiệp khai thác thủy sản hiện đại đủ sức gánh chịu những rủi ro hiểm họa mà vẫn bảo tồn những giá trị của làng biển vốn tồn tại lâu đời của Việt Nam? Làm thế nào để nghề biển được bền vững, bởi đấy không chỉ là lợi ích kinh tế, còn là giữ gìn văn hóa, tâm thức mỗi người, là bảo vệ chủ quyền đất nước?

TS Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, chúng ta vẫn nên duy trì các làng cá truyền thống vì nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, là nghề cá nhân dân, kế sinh nhai của ngư dân. Khai thác theo hộ gia đình đơn lẻ chiếm từ 70-80% tổng số tàu. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa nghề cá cần phải có thời gian, lộ trình và nguồn đầu tư lớn.

Việc phát triển các làng cá theo hướng hiện đại là rất cần thiết, thể hiện qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, du nhập và chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đóng tàu bằng vật liệu mới, đào tạo nâng cao tay nghề, nhận thức của ngư dân các làng cá, tổ chức lại sản xuất quy mô theo tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn, có sự đầu tư đồng bộ và nguồn vốn lớn theo lộ trình…

Đồng thời, đối với các làng cá truyền thống lâu đời, cần giữ gìn, bảo tồn và phát huy theo phong tục, nơi đây có thể định hướng kết hợp trở thành các khu du lịch cho du khách.

Đã đến lúc người làm nghề biển phải bồi đắp tri thức biển, thay đổi tâm thế biển, để đi ra và chinh phục biển lớn. Cũng như hàng nghìn làng biển khác, những làng biển mà chúng tôi đi qua đã đến lúc cũng phải thay đổi. Làng biển cần có đủ yếu tố truyền thống và hiện đại, với những con người của biển thật sự, đầy đủ kiến thức biển đại dương, để có thể tung hoành trên biển.

MINH NHẬT - THẢO LÊ - AN NGUYÊN

Theo baonhandan.com.vn

Tệp đính kèm