Bộc trực, kiên gan và nghĩa tình “tới bến”, ngư dân đánh bắt xa bờ đang thực thụ làm “cột mốc chủ quyền” trên biển.
Lễ cầu an, cầu ngư trên biển. Ảnh: Vinh Xuân
Dọc ngang “đi chợ” trùng khơi
Đến cảng cá Tuy Hòa (Phú Yên), hỏi thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp (Hiệp “mặt sắt”), ai cũng biết. Nhưng Hiệp lại hồn hậu và hiền lành như đất. Còn cái vóc cao to, nước da đen sậy thoáng lạnh lùng là “do cha mẹ cho, ngấm sóng gió từ lúc lọt lòng”, Hiệp cười bảo.
Hơn 10 năm rồi, anh là Tổ trưởng nhóm tàu Đại đoàn kết (Tuy Hòa) với 18 tàu thành viên công suất lớn “đi biển suốt suốt như đi chợ”. 44 tuổi, Hiệp đã có tròn 30 năm theo nghề biển. Ngày nhỏ đi làm thuê cho các tàu gần bờ, rồi lang thang đi bạn đánh bắt xa bờ cho các chủ tàu nhiều tỉnh. Hiện, anh được gia tộc tín nhiệm “giữ ghế” thuyền trưởng tàu PY-96572, con tàu hiện đại 740 CV.
Chuyến biển giáp Tết Đinh Dậu, tàu Hiệp đánh được tám tấn cá chuồn, ba tấn cá nhám (mập) và 10 con bò gù (cá ngừ đại dương). Tổng tiền bán cá 330 triệu đồng, trừ chi phí 150 triệu đồng, chia 10 bạn tàu 11 triệu đồng/người. Chị Ánh Tâm, vợ anh cho hay: “Đây là chuyến biển có ăn, anh em đều vui. Thế nhưng, tiền lãi phải lo chỉnh sửa lại tàu, thuê người vá lưới, rồi trả nợ vay ngân hàng. Nghề xa bờ vốn bự nên cái lo phải lớn. Hồi mới cưới, hễ ảnh lên tàu là em không ngủ được, cứ lo lỡ có gì bất trắc. Giờ thì quen rồi”.
Yếu vía không thể xa bờ!
Với năm tàu cá tổng công suất trên 4.000 CV, gia đình ông Nguyễn Văn Ái (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang là ngư dân có “số má”. 66 tuổi, ông vẫn tràn trề khát vọng gầy dựng đội tàu hùng hậu cho con cháu bám biển làm giàu.
Ông bà sinh cả thảy bảy con, trong đó năm trai đều có bằng thuyền trưởng, máy trưởng. Bốn người đang là thuyền trưởng bốn tàu cá của gia đình, là: Nguyễn Văn Hùng (42 tuổi, tàu BĐ-94033), Nguyễn Văn Minh (40 tuổi, tàu BĐ-94032), Nguyễn Minh Vương (38 tuổi, tàu BĐ-94439), Nguyễn Văn Tèo (36 tuổi, tàu BĐ-94529); Nguyễn Văn Tý (34 tuổi) - máy trưởng tàu BĐ-94032 (1.250CV). Hai con gái của ông bà đều lấy chồng nghề biển, làm ăn phát đạt.
Bà Nguyễn Thị Lằm cho hay: “Vợ chồng tui đã từng khổ không ai bằng! Về với nhau năm 1972, chỉ biết quanh quẩn ghe nhỏ, chạy chợ qua ngày, thiếu trước hụt sau với bầy con “sòn sòn” nheo nhóc. Cái đận tui bị bệnh hiểm nghèo lúc sinh đứa thứ ba, ông nhà phải cắn răng bán chiếc ghe “bổn mạng”, rồi gỡ từng tấm tôn lợp nhà để chạy thuốc và góp gạo nuôi con…”.
Ông Phan Văn Đông (Hội Nông dân Phù Mỹ) nhận xét: “Đội tàu nhà ông Ái được trang bị “đa hệ”, từ lưới vây, lưới rút giàn câu cá ngừ đại dương, đến tàu hậu cần, gom hải sản tươi về bến. Mỗi chuyến “xuất quân” đều được tính toán chi li nên tàu chẳng lúc nào về ít cá, chất lượng lại tốt. Tổ chức làm ăn căn bản, gia tộc ông Ái còn luôn đi đầu trong việc đóng góp tương thân, gìn giữ an ninh trật tự ngư trường Biển Đông”.
Đừng trông vào ăn may!
Với ba tàu cá công suất trên 1.000 CV, thuyền trưởng Lê Văn Giúp (phường 6, Tuy Hòa, Phú Yên) đang có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ông còn điều hành Tổ hợp tác đánh bắt xa bờ Tuy Hòa với hơn 200 lao động, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người. 50 tuổi, chắc nịch phong sương, hơn 30 năm ngang dọc Biển Đông, tỷ phú Giúp không nhớ bao nhiêu lần chạm trán với “kẻ lạ”.
Gụi gần trong bộ quần áo cũ nhàu thường ngày của một người làm biển, ông nói: “Tuổi nghề xa bờ như… cầu thủ bóng đá. Nhiều chủ tàu đã “gác kiếm” ngồi bờ điều hành nhưng tui thấy vẫn còn sức chinh chiến ít nhất 5 năm nữa. Nghề câu bò gù đã cho gia tộc tui cuộc sống đủ đầy, nhà cửa khang trang. Thế nhưng đánh bắt xa bờ đang ngày càng thử thách. Nhà tàu bây giờ không thể “một mình một ngựa” ra khơi mà phải liên kết để tạo sự vững vàng trong làm ăn. Đặc biệt, phải phối hợp thông tin nhịp nhàng với ngành chức trách, ứng phó kiên quyết với mọi tình huống trên biển để bảo toàn “miếng cơm”.
Thế nhưng, theo ông Giúp, cái lo nhất của dân xa bờ chính là… giá cả trong bờ: “Doanh nghiệp có vốn, có đầu mối thị trường. Còn “tiếng nói” của ngư dân là sản phẩm tốt. Nếu không ký hợp đồng thì phải có giao kèo công khai, để tránh “mè nheo” cho cả đôi bên. Tổ hợp tác Tuy Hòa đang có hơn 200 bạn tàu, tạo nguồn sống cho hơn 600 “miệng ăn” của gia đình họ. Thế nên, tôi buộc phải gồng gánh “đầu tàu”, tạo khí thế và tính toán để anh em bám biển hiệu quả nhất. Chẳng những kiên gan trên biển, mà đội tàu còn lo chăm chút thương hiệu sản phẩm để các chủ nậu không thể hiếp đáp mình. Xa bờ không thể ăn may!”.
Ngư dân Phú Yên có nhiều chuyến biển trúng cá ngừ. Nguồn: Zing
Người “xin đất” Trường Sa
Lăn lộn bao năm với biển giã, ở tuổi 60, ông Bùi Thanh Ninh (Sáu Ninh) trông… trẻ quá! Vùng quê Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) xưa nay vốn là thủ phủ nghề cá ở Bình Định. Nhiều năm rồi, Sáu Ninh là “tỷ phú số 1” cảng Tam Quan. Năm 1976, Sáu Ninh xung phong lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia; xuất ngũ về quê cưới vợ ngay, dãi dầm cuộc sống với chân đi bạn cho các chủ tàu cá.
Thế mà đến lúc này, Tổ đánh bắt thủy sản Sáu Ninh đang sở hữu đội tàu cá quy mô hàng đầu Việt Nam, gồm 16 chiếc, với tổng công suất 6.000 CV, mỗi năm thu về hơn 1.000 tấn hải sản. Ông còn làm chủ một xưởng đóng tàu và cơ sở dịch vụ nghề cá lớn tại xã Tam Quan Bắc, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 300 lao động địa phương.
Theo ông, ngành đánh xa bờ Việt Nam vẫn còn yếu khâu dịch vụ hậu cần. Và giữa năm 2014, ông đã có một quyết định táo bạo: Đệ đơn xin cấp đất tại Trường Sa để lập Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đơn, ông Ninh viết: “Nguyện vọng tôi xin một lô đất 200 m2 tại huyện Trường Sa (Khánh Hòa) thuộc xã đảo Song Tử Tây, vĩ độ 11025,42, kinh độ 114019,49. Nhằm mục đích: một là, xây dựng trạm cho tổ đánh bắt ra vào; hai là, để giảm bớt chi phí nguyên liệu; ba là, thời gian bám biển dài ngày hơn; bốn là, để nối liền đảo và đất liền gần hơn; năm là, để khẳng định chủ quyền Tổ quốc và chủ trương bám biển”.
“Đây là một đề nghị chính đáng của ông Ninh, rất mới, táo bạo và thể hiện trách nhiệm với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các cơ quan chức năng địa phương đang hết lòng ủng hộ”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết.
Bài & ảnh: Đào Đức Tuấn
Theo baonhandan.com.vn