Bưng mặt trống
Làng Ðọi Tam, xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có nghề làm trống từ rất lâu đời (tương truyền khoảng hơn 1000 năm với vị tổ nghề là Nguyễn Ðức Năng và Nguyễn Ðức Bản. Truyền thuyết kể rằng năm 986, được tin vua Lê Ðại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em cụ Năng và cụ Bản đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm.
Chiếc trống lớn đã hoàn thành
Nghề làm trống của Ðọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước nhưng hàng năm cứ đến ngày hội làng và ngày giỗ tổ nghề họ lại trở về quê để dự hội. Nghề làm trống Ðọi Tam là nghề cha truyền con nối. Theo quy định, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài do sợ thất truyền. Trước kia,con trai làng Ðọi Tam khoảng 12, 13 tuổi đã được dạy làm các loại nhỏ...Ðến 16, 17 tuổi đã có thể theo cha anh đi làm trống đại. Trống sấm chỉ dành cho cánh đàn ông khoẻ mạnh, có kinh nghiệm và kĩ thuật điêu luyện. Thợ làng Ðọi Tam làm đủ các loại trống: trống dùng trong đình chùa, trống chèo, trống trường trống trung thu...
Trước kia vào dịp Trung thu thợ làng làm tới hơn hai vạn chiếc đem bán ở khắp nơi. Thế nhưng mấy năm gần đây, họ không làm nhiều nữa vì rất ít người mua.
Ghép tang trống
Ðể làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít- loại gỗ dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ, hơn nữa "Gỗ mít đánh ít kêu nhiều". Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng "dăm". Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu "dăm", cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở. Ngoài ra, để cho trống thật kín người ta còn dùng sơn ta miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn. Cuối cùng là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chết. Ðinh chốt được làm từ vầu hoặc tre già. Dù trống làm bằng gỗ xoang cầu kì hơn thì dùng gỗ gụ, gỗ dổi.
Vẫn là những bước làm trống cơ bản nhưng trống Ðọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, nhờ bí quyết riêng cũng như tinh thần trách nhiệm của người thợ. Ngay cả những lúc khó khăn thiếu thốn, Ðọi Tam vẫn duy trì được nghề nhờ truyền thống tương trợ nhau, giúp đỡ nhau giữa các gia đình làm trống trong làng. Ngày nay, các nghệ nhân ở Ðọi Tam vẫn ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Nhiều gia đình vẫn lấy nghề làm trống làm nghề chính và đã có cuộc sống khá giả, sung túc hơn trước.
ST