Cách xa đất liền hàng trăm hải lý, quân, dân và các lực lượng ngoài quần đảo Trường Sa vẫn ngày đêm bám đảo, bám biển, tất cả vì biển đảo quê hương.
Cán bộ, chiến sĩ đón tết ở hội trường đảo chìm Đá Nam.
Năm nay, để cùng quân và dân Trường Sa đón Tết Đinh Dậu, ba đoàn công tác của Quân chủng Hải quân đã xuất phát cùng hơn 500 tấn hàng hóa đến 21 đảo và 33 điểm đảo tại Trường Sa khiến Tết sớm của những cư dân trên đảo thêm phần đủ đầy, sung túc. Từ đảo nổi đến đảo chìm những người con đất Việt đến từ mọi miền đã cùng nhau đón một cái Tết sớm, Tết giữa biển cả bao la…
Đa dạng các hoạt động ở đảo nổi
Đảo Nam Yết, hòn đảo được mệnh danh xanh nhất Trường Sa với hơn 1600 cây các loại được trồng. Dưới tán của những cây bàng vuông, mù u cổ thụ tại trung tâm đảo, những hoạt động chào đón năm mới được bắt đầu. Kéo co là hoạt động thu hút anh em lính đảo cổ vũ nhiệt tình nhất. Mỗi cuộc đấu được chia làm 3 hiệp để chọn đội thắng cuộc.
Hào hứng sau những phần thi gay cấn, chiến sỹ báo vụ Đoàn Văn Phương (quê ở Thanh Hóa) chia sẻ, lần đầu tiên được ăn Tết xa nhà, song, anh cảm thấy Tết ở đây thật ấm cúng. Anh em cán bộ chiến sỹ lần đầu tiên gặp mặt nhưng không hề có cảm giác xa lạ khi được cùng nhau tham gia các hoạt động thể thao chào xuân năm mới.
Sau những giây phút sôi động của phần thi kéo co, mọi người lại cùng chăm chú theo dõi hội thi gói bánh chưng. Từng xếp lá bàng vuông, lá chuối, lá dong và cả lá dừa được xếp ngay ngắn. Từng tấm lá được cắt vuông vắn, xếp vào khuôn, gạo nếp ngâm sẵn, đỗ xanh được nấu chín, giã nhuyễn vo lại thành từng viên. Bàn tay những người lính đảo tuần tự, nhịp nhàng đưa từng thứ một vào chiếc khuôn gỗ. Chỉ mất 15 phút là một chiếc bánh chưng được hoàn thành.
Thao tác gói bánh chưng bằng lá bàng vuông.
Theo trung tá Trần Văn Thọ, Phó Chỉ huy Trưởng đảo Nam Yết: sở dĩ ở đảo chỉ gói bánh vuông vì nó tiết kiệm được lá bánh để gói và có thể gói được bằng nhiều loại lá khác nhau. Chiếc bánh chưng gói bằng lá dừa được có lẽ ít nơi đâu làm được.
Sinh Tồn, hòn đảo nằm ở cụm đảo giữa Trường Sa. Những người sinh sống ở đảo bắt đầu chuỗi chương trình đón Tết bằng lễ chào cờ đầu năm. Đây là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu cho các hoạt động đón Tết sớm ở đảo. Khác với nhiều đảo khác, ở Sinh Tồn các hoạt động vui chơi giải trí chào đón năm mới được tổ chức nhiều hơn ở biển như: đua thuyền thúng, thi bắt vịt… Hội thi đua thuyền thúng được diễn ra trước tiên với sự tham gia của 3 đội chơi, với chiều dài một vòng đua khoảng 100m.
Đua thuyền thúng ở đảo Sinh Tồn.
Đại tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết, sự kiện tết sớm ở đảo sẽ được kéo dài trong 3 ngày với nhiều hoạt động khác nhau. Đây là dịp để cán bộ, chiến sỹ thư giãn sau những ngày huấn luyện vất vả. Cán bộ và nhân dân trên đảo đến từ nhiều vùng miền khác nhau nên đơn vị cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi đa dạng để tạo cho mọi người cảm giác gần hơn với đất liền, với những ngày Tết ở quê hương.
Chị Trương Thị Tiệm, người dân đang sống ở đảo Sinh Tồn cho biết: “Đón Tết ở đảo ngoài việc tham gia các hội thi, trò chơi thì việc chuẩn bị mâm cỗ, đồ ăn cũng có nhiều điều thú vị. Không phải sắm sửa mua bán như ở đất liền, các hộ dân ở đảo tổ chức mổ lợn, gói bánh, nấu cỗ Tết cùng nhau, lần lượt mỗi nhà chọn một ngày để làm mâm cơm ngày Tết mời tất cả mọi người đến dự”.
Ấn tượng đón Tết ở đảo chìm
Trong chuyến công tác thăm và chúc Tết tuyến đảo phía Nam lần này, ngoài những đảo nổi như Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, chúng tôi cũng đã đến thăm các đảo chìm như Đá Nam, Đá Thị. Thời điểm cuối năm cũng là lúc gió mùa hoạt động, đứng ở đảo chìm vắng bóng cây cối, từng đợt gió thổi mạnh mang theo vị mặn mòi của biển mới thấy được sự vất vả của các cán bộ, chiến sỹ ở nơi đây.
Ở đảo chìm, toàn bộ đồ ăn, vật tư chuẩn bị cho Tết đều được tiếp tế từ đất liền. Do diện tích đảo nhỏ hẹp nên không có nhiều hoạt động ngoài trời được diễn ra.
Quân và dân đảo Sinh tồn gửi lời chúc mừng năm mới về đất liền.
Theo hạ sỹ Đỗ Văn Nam (quê ở Quảng Nam) công tác tại đảo Đá Thị, đón Tết ở đảo chìm tuy thiếu nhiều thứ nhưng với anh đó là niềm kiêu hãnh vì được đứng trên lãnh thổ thiêng liêng để bảo Tổ quốc. “Điều tôi cảm thấy thú vị nhất là được tự tay trang trí chậu hoa Tết để chào đón năm mới”, hạ sỹ Đỗ Văn Nam bộc bạch.
Còn với hạ sỹ Vũ Văn Quyên (ở Thái Bình), chiến sỹ thông tin đảo Đá Nam, điều ấn tượng nhất với anh trong dịp này ở đảo đó là buổi liên hoan văn nghệ tại phòng hội trường. Căn phòng chỉ hơn 10m2 tuy có chật chội nhưng thật ấm áp, vui tươi bởi những bài hát, những lời chúc của những người đồng đội sắp rời đảo về bờ đón Tết cùng gia đình.
Chiến sĩ trang trí cây hoa ngày Tết ở đảo Đá Thị.
Cách xa đất liền hàng trăm hải lý, sinh hoạt trong điều kiện thời tiết khó khăn ngoài biển đảo, quân, dân và các lực lượng ngoài quần đảo Trường Sa vẫn luôn ngày đêm bám đảo, bám biển, họ luôn giữ vững tinh thần tất cả vì biển đảo quê hương. Tết ở Trường Sa giờ đã đầy đủ hơn xưa, cuộc sống vật chất tinh thần của họ đã được cải thiện. Ở các điểm đảo đã có sóng điện thoại, xem được tivi, điều này cũng đã giúp không khí đón Tết ở đảo thêm tưng bừng, phấn khởi./.
Theo Tuấn Nam/VOV.VN