Tôi đặt chân đến "thủ phủ" của quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) vào một ngày cuối năm, khi những ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã cận kề. Đảo Trường Sa đón chúng tôi bằng lễ chào cờ thiêng liêng vang vọng những lời thề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các chiến sĩ lữ đoàn 146. Dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới còn có những người dân sinh sống trên đảo Trường Sa và những em nhỏ xinh xắn như những "thiên thần" mặc trang phục hải quân mỉm cười vẫy tay chào. Những cô bé, cậu bé ngày ngày đi học, cười nói dưới tán lá cây bàng vuông như tiếp thêm sức sống cho mảnh đất ngoài khơi xa.
Hai em nhỏ sinh sống ở đảo tham gia giao lưu văn nghệ cùng các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa.
Trước khi đến Trường Sa, tôi đã được biết đến câu chuyện chào đời của em bé đầu tiên trên đảo là Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Bố của Trường Xuân là anh Thi, nói: Tên con gái Trường Xuân có nghĩa là mùa xuân dài lâu và cũng là mùa xuân của Trường Sa. Lần này đặt chân tới Trường Sa, tôi gặp bé Thái Bình Hải Thùy. Cũng giống như Trường Xuân, Hải Thùy là em bé thứ hai được sinh ra trên đảo vào cuối năm 2015. Cái tên của cô bé cũng mang ý nghĩa thiêng liêng, mơ ước về một bờ biển dịu êm. Anh Thái Nhật Trường (34 tuổi), bố của Hải Thùy là một ngư dân sinh sống trên đảo, công việc chính là đánh bắt cá. Anh Trường kể lại, lúc vợ mang thai đến tháng gần sinh, anh cũng có đôi chút lo lắng. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các y bác sĩ trên đảo Trường Sa cho nên anh cảm thấy yên tâm, động viên vợ cố gắng giữ sức khoẻ chờ ngày con ra đời. "Ngày con gái mình chào đời, cả đảo Trường Sa rộn ràng, bệnh xá đông như có hội, quân và dân trên đảo đều tới hỏi thăm”, anh Trường xúc động kể.
Trên đảo Trường Sa, những đứa nhỏ đều trạc tuổi nhau, một tốp trẻ học lớp mẫu giáo, lớp 1 và 2, một tốp học lớp 3 và 4. Mỗi buổi chiều sau khi tan học về, mấy em chẳng ai bảo ai, lại cùng nhau chơi đùa dưới những tán bàng vuông, như anh em trong nhà. Nổi trong đám ấy là cô bé Lê Thị Khánh Linh, mới học lớp 2 nhưng đã ra dáng "chị cả" của lũ trẻ ngoài khơi xa. Thấy tôi bước đến, cô bé nhắc cả bọn khoanh tay đồng thanh nói "con chào chú" và bọn trẻ cả trai cả gái đều răm rắp nghe lời.
Ở mảnh đất sóng gió này, đám trẻ hồn nhiên lớn lên trong sự yêu thương không chỉ của mỗi mình ba mẹ chúng, mà còn được sự bao bọc của tất cả mọi người. Từ các bác, các chú chỉ huy lớn tuổi của lữ đoàn đến những anh lính trẻ vừa mới nhập ngũ nhận nhiệm vụ trên đảo. Tất thảy mọi người ở đảo này đều thuộc lòng từng cái tên của đám nhỏ, hiểu từng tính nết, sở thích của chúng. Như bé Linh "sư tử" ở lớp làm lớp trưởng, về nhà thích làm "chị cả", cậu bé Thái Nguyễn Nhật Quân Tường anh trai ruột của em bé Thái Bình Hải Thùy lại hiền lành, nhút nhát nhưng lúc nào cũng thích giúp đỡ bạn bè, thích mặc chiếc áo lính hải quân. Quân Tường nói với tôi: Lớn lên, cháu muốn được như các chú bộ đội ở đảo Trường Sa này.
Những đứa nhỏ ở đây cũng được đến trường như trẻ con trong đất liền, được dạy học chữ, học đếm và hơn thế nữa là những bài học về sự đoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau của những người dân trên đảo Trường Sa. Dù không có những bộ quần áo thời trang, đồ chơi điện tử hiện đại đắt tiền, những thức ăn ngon, bổ như những đám trẻ thành phố nơi tôi ở nhưng ở đây, tuổi thơ bọn trẻ được dung dưỡng bằng sự trong sáng của biển, đảo, của những lời đồng dao, bài ca người lính, các trò chơi đồng quê do tự chúng sáng tạo. Tuổi thơ ấy còn được nuôi nấng trong hương vị chua dịu của những trái tra, trái bàng vuông.
Nếu nhìn những người lính hải quân ở Trường Sa, thấy được khí thế sẵn sàng chiến đấu, hy sinh thân mình bảo vệ biển đảo Tổ quốc thiêng liêng thì khi nhìn những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày, Trường Sa lại hiện lên như một làng chài ven biển bình dị, thân thuộc. Mỗi sáng hay chiều, những người cha dong thúng ra biển giăng lưới, thả câu, những người mẹ tất tả lo bếp núc cơm nước rồi lại trở về chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho bọn trẻ. Trước lúc chia tay các em nhỏ ở Trường Sa, Chủ tịch MTTQ thị trấn Trường Sa Hoàng Phước Sơn bảo với tôi rằng, những đứa nhỏ này chính là những "mầm non" của đảo.
Theo nhandan.com.vn