Một tuần nay, hầu hết các phương tiện đánh bắt gần hay xa bờ của ngư dân các tỉnh miền Trung khi cập bến đều đầy ắp cá tôm. Nhiều gia đình đã thu về từ 2-5 triệu đồng mỗi ngày vươn khơi.
Ngư dân huyện Phú Vang trúng mẻ cá đầu năm. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế
Những chuyến biển sớm
Tại các vùng biển bãi ngang của tỉnh Quảng Trị những ngày đầu xuân Đinh Dậu, cảnh mua bán cá diễn ra tấp nập, nhộn nhịp.
Từ cuối tháng Chạp, người dân vùng này đã liên tục trúng đậm cá khoai, vì thế, ngay từ mùng 1 Tết, không ít thuyền đã ra khơi đánh cá để lấy may, và thiên nhiên đã tặng không ít lộc cho họ.
Các ngư dân nhiều kinh nghiệm cho biết, dù sản lượng cá khoai đánh bắt được không bằng các năm trước, nhưng người dân rất phấn khởi, vì theo quan niệm của người đi biển, chuyến ra khơi đầu năm được mùa thì cả năm sẽ làm ăn khấm khá, thuận buồm xuôi gió.
Ông Hồ Đức Nam (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết: Những ngày qua, trung bình mỗi ngày thuyền của gia đình ông đánh bắt được 50 kg cá khoai. Riêng mùng 2 Tết, nhà ông bán được hơn một tạ cá, lãi ròng gần 2 triệu đồng.
Từ sáng sớm mùng 4 Tết, chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Chiến ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng hàng loạt chiếc tàu khác nổ máy rền vang, hướng ra biển.
Ông Chiến chia sẻ: “Chuyến biển đầu năm cũng là chuyến biển đầu tiên của tàu vỏ thép, dự kiến sẽ kéo dài từ 10-15 ngày trên ngư trường cách đất liền trên 20 hải lý. Theo con nước, luồng cá, tàu của tôi có thể vươn ra đến Trường Sa, Hoàng Sa và đánh bắt dài ngày hơn”.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Thuận An phấn khởi trước chuyến biển đầu năm gặp thời tiết thuận lợi. Theo quan niệm của ngư dân, ngoài yếu tố thời tiết thì việc chọn thời điểm xuất hành cũng rất quan trọng, vì thế, bà con thường chọn ngày mùng 2 hoặc mùng 4 Tết làm lễ xuất bến, đi chuyến biển đầu năm.
Ông Hòa cho biết, chiếc tàu công suất 430 CV của gia đình ông vừa đóng mới bằng nguồn vốn tự có và vay thêm ngân hàng với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Chuyến biển đầu tiên này, ông quyết định cho tàu vươn khơi từ 30 hải lý trở ra, kéo dài 7-10 ngày.
Trước chuyến đi, sau khi nhận tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, ông Hòa đã đầu tư nâng cấp ngư lưới cụ nhằm phù hợp với ngư trường xa bờ, có thể vươn đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.
Ngư dân xã Gio Hải (tỉnh Quảng Trị) phấn khởi
trúng vụ cá khoai đầu năm. Ảnh: Báo Thanh niên
Được mùa, được giá
Vươn khơi từ ngay những ngày đầu năm mới, ngư dân đều mong muốn có được một năm bội thu tôm cá, giá cả hợp lý, tiêu thụ mạnh,… để cuộc sống của họ được cải thiện, ấm no và sung túc hơn.
Không phụ niềm tin ấy, ngay những chuyến biển đầu tiên, ngư dân các tỉnh miền Trung đã bội thu “lộc biển”.
Sáng sớm mùng 5 Tết (1/2), khu vực cồn gò Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) nhộn nhịp với hàng trăm ngư dân và thương lái mua bán ruốc (tép biển), cá, ghẹ… Ngư dân cho hay, xuất hành đầu năm được mùa ruốc, được giá, nên ai cũng phấn khởi với “lộc biển” trời cho.
Ruốc tươi loại I được bán từ 20.000-25.000 đồng/kg, loại II từ 10.000-12.000 đồng/kg. Ngày mùng 2 Tết giá ruốc lên đến 30.000-35.000 đồng/kg, nên có thuyền thu về cả chục triệu đồng chỉ sau một chuyến đi. Các thương lái thu mua ruốc cho biết, trong mấy ngày qua họ thu mua gần 30 tấn ruốc.
Bên cạnh được lộc ruốc biển, đầu năm ngư dân còn đánh bắt được các loại hải sản như cá khoai, cá đục, ghẹ, tôm sắt… Anh Trần Quang Hợi cho hay, thuyền của anh “xuất hành” từ mùng 1 Tết. Chỉ 5 ngày đầu năm, 4 anh em đã có được gần 60 triệu đồng, nên rất phấn khởi.
Tại các cảng cá ở tỉnh Nghệ An, không khí mua bán cũng náo nhiệt không kém. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, cảng cá phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) đã nhộn nhịp, tàu thuyền tấp nập cập bến.
Chuyển những khay ruốc xuống bến để cân cho thương lái, anh Nguyễn Văn An hồ hởi: "Nhà tôi mở hàng từ hôm mùng 4 Tết. Năm nay chuyến đầu đã trúng lớn. Mùng 4 đi được gần 1 tấn ruốc, mùng 5 cũng được hơn 5 tạ". Với sản lượng như thế này, trừ chi phí, mỗi thuyền còn lãi hơn 10 triệu đồng.
Còn một ngư dân ở huyện Diễn Châu vừa cột hàng lên xe máy cho vợ, vừa cười nói: "Những ngày đầu năm mới, thời tiết nắng đẹp, lại có ruốc, nên nhà tôi tranh thủ ra khơi. Bè mảng của tôi công suất nhỏ nhưng chuyến nào cũng được dăm tạ ruốc. Trừ chi phí tiền dầu, mỗi chuyến cũng lãi bạc triệu".
Năm trước, dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường ở Hà Tĩnh, nhưng ngư dân Nghệ An cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Năm mới đến, hy vọng trời yên biển lặng để những chuyến vươn khơi mang về tôm cá đầy khoang. Để cuộc sống người dân ổn định trở lại, nhân dân lại an tâm vươn khơi, bám biển", ngư dân Nguyễn Văn An chia sẻ.
Trong khi ngư dân Nghệ An, Hà Tĩnh được mùa ruốc biển, thì ngư dân Quảng Trị, Quảng Bình lại trúng đậm cá khoai.
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, từ mùng 2 Tết đến nay, hàng trăm thuyền của ngư dân Hải Ninh vẫn đều đặn ra khơi khai thác cá. Có thuyền trúng đậm cá khoai với sản lượng khai thác được trên 3 tạ.
Ngư dân Hoàng Văn Phiến (64 tuổi, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) phấn khởi khoe: “Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển đến nay, ngư dân chúng tôi mới đánh bắt được cá khoai và người tiêu dùng lại tự tin mua cá trở lại như những ngày qua”.
Các thương lái ở Quảng Trị cho biết, cá khoai đang được giá và người dân tiêu thụ rất mạnh, không e dè như thời điểm trước Tết. Mỗi cân cá khoai được các thương lái mua tại các thuyền dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg.
Không chỉ những tàu đánh bắt gần bờ được "lộc biển", tàu đánh bắt xa bờ cũng bội thu không kém. Ông Phan Tước (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chủ nhân của 3 tàu đánh bắt xa bờ cho biết, vụ đánh bắt sau Tết chủ yếu là đi lấy ngày, thời gian đánh bắt ngắn, vì thế lượng thủy sản đánh bắt được không nhiều như các vụ khác, nhưng bù lại, giá bán lại cao. Một tàu xa bờ của ông vừa trở về ngày mùng 4 Tết với khoảng 3 tấn cá, nhưng thu nhập gần 60 triệu đồng.
Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, ngư lưới cụ ngày càng hiện đại, tàu công suất lớn… hứa hẹn một năm bội thu hải sản cho ngư dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Hà An
Theo chinhphu.vn