Vị trí: Kỳ đài nằm ở chính giữa mặt phía nam của Kinh thành Huế, thuộc phường Thuận Thành, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đặc điểm: Kỳ đài là một di tích kiến trúc thời Nguyễn, thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.
Kỳ đài còn gọi là cột cờ, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807), cùng thời gian xây dựng Kinh thành Huế. Đến thời Vua Minh Mạng, Kỳ đài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Cùng với những thăng trầm của Kinh thành Huế, Kỳ đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du hay cấp báo, Kỳ đài đều có hiệu cờ thông báo. Ngày 30/8/1945, trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được kéo lên, kết thúc sự tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam.
Kỳ đài có hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ gồm ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau với chiều cao khoảng 17,5m. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa và tầng trên cùng đều cao khoảng 6m. Ở phía trái Kỳ đài có một lối đi nhỏ để lên các tầng. Tầng giữa có một cửa vòm rộng 4m, tầng trên cùng có một cửa vòm rộng 2m. Mỗi tầng đều được xây lan can cao 1m, trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Nền của ba tầng lát gạch vuông và gạch vồ Bát Tràng, có hệ thống thoát nước mưa xuống dưới.
Cột cờ được dựng ở vị trí chính giữa tầng cao nhất của đài cờ. Cột cờ xưa được làm bằng gỗ, cao gần 30m. Năm 1904, do bị bão đánh gãy, cột cờ được đúc lại bằng gang và đến năm 1948, được dựng lại bằng bê-tông cốt sắt sau khi bị thực dân Pháp bắn gẫy vào năm 1947.
Cùng với Kinh thành Huế, Kỳ Đài luôn là điểm di tích thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan hàng năm.
ST