Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, sản xuất của người dân ở Cà Mau, nhất là với những hộ sinh sống ven biển. Để giảm thiệt hại, ổn định xã hội, nhiều năm qua, chính quyền tỉnh đã nỗ lực di dời, sắp xếp dân vào sinh sống tại những nơi an toàn.

Nhờ chính sách tái định cư của UBND tỉnh Cà Mau, ngư dân ven biển đã ổn định chỗ ở, yên tâm lao động sản xuất. Trong ảnh: Anh Huỳnh Quốc Toản (điểm dân cư Mỹ Bình) làm khô cá để ăn dài ngày.
Giúp dân ổn định cuộc sống
Theo kịch bản được dự báo, đến năm 2040, nếu mực nước biển dâng 25cm sẽ có hơn 4.693 km2 bị ngập từ 1,2 m trở lên, chiếm 85,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Cà Mau và ảnh hưởng đến khoảng 200 nghìn hộ dân. Trong khi đó, tập quán định cư của người dân Cà Mau chủ yếu sống ven hai bờ hệ thống kênh rạch, hai bờ cửa biển, rừng ven biển để khai thác hải sản. Vì vậy, khi nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến hầu hết cơ sở hạ tầng của các hộ dân, nhất là hơn 13.000 hộ dân đang sinh sống ở các vùng ven biển và các vùng dễ tổn thương do BĐKH.
Nhằm di dời khẩn cấp những hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai cao vào nơi ở mới an toàn, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn, giai đoạn 2006 - 2015. Theo đó, trong giai đoạn 2006 - 2015, tỉnh sẽ xây dựng 35 cụm, tuyến dân cư mới trên địa bàn tám huyện, với tổng diện tích quy hoạch là hơn 945 ha. Khi hoàn thành, tổng số dân được bố trí, ổn định chỗ ở mới là 13.873 hộ, trong đó, ổn định tại chỗ 5.142 hộ, di chuyển từ ngoài vào vùng dự án 8.731 hộ. Tuy nhiên, thời gian kết thúc dự án đã hai năm, nhưng trên thực tế các hạng mục chưa thực hiện được bao nhiêu “Do gặp khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, cho nên đến nay, toàn tỉnh chỉ mới bố trí được hơn 1.000 hộ ở các vùng nguy cơ thiên tai cao vào các điểm, khu dân cư sinh sống ổn định” - Ông Phạm Thanh Hải, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết.
Giai đoạn 2016-2020 và lộ trình tới năm 2025, Cà Mau cần khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời thêm gần 4.800 hộ ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và cư dân vùng ảnh hưởng do BĐKH vào sinh sống ổn định ở 40 cụm tuyến dân cư mới. Thực hiện chương trình này, cơ quan chức năng Cà Mau đã điều chỉnh đề án quy hoạch di dân tái định cư và các dự án nằm trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện được ở giai đoạn trước. Mục tiêu phấn đấu nhằm: giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dự án bố trí dân cư từ 1,5% đến 2%/năm; tỷ lệ hộ có nước hợp vệ sinh dùng trong sinh hoạt 70% đến 80%; hộ sử dụng điện từ 90% đến 95%; hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố từ 70% đến 80%. Để đạt được các mục tiêu đề ra, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tập trung vốn hoàn thiện những công trình trọng điểm, cấp bách để sớm di dân vào sinh sống ở nơi an toàn, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Yên tâm lập nghiệp
Chia sẻ với chúng tôi trong những ngày đầu năm mới 2017, Phó trưởng ấp Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân Nguyễn Văn Nỡ cho biết: Trong ấp vừa có thêm 23 hộ dân ven biển di dời vào Điểm dân cư nông thôn vàm kênh Mỹ Bình. Những hộ này hành nghề khai thác hải sản, xưa kia có nhà ven đê biển hoặc ngoài dãy rừng phòng hộ Biển Tây, thường xuyên đối mặt với sóng to, gió lớn, triều dâng. Nay được Nhà nước di dời vào điểm dân cư, hỗ trợ nền nhà, tiền để cất nhà mới, bà con mừng lắm, yên tâm đón Tết mà không phập phồng lo lắng gió to, sóng lớn như trước.
Mỹ Bình là một trong những điểm dân cư ven biển tại Cà Mau được Nhà nước hỗ trợ vốn xây dựng. Toàn khu rộng hơn chín ha, được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh cùng các công trình phụ trợ. Sau hai lần di dời, đến nay 130 nền nhà ở điểm dân cư Mỹ Bình đã xét cấp cho người dân, trong đó có 93 hộ là cư dân ven biển thuộc ấp Mỹ Bình. Ông Huỳnh Quốc Toản, một trong những hộ di dời đợt cuối tháng 12-2016 vừa qua, vừa cất xong nhà mới, vui mừng cho chúng tôi biết: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ di dời cho nên gia đình tôi cất được căn nhà mới ở khu dân cư này. Về đây sinh sống, gia đình tôi cảm thấy rất yên tâm bởi đường sá thông thoáng, đi lại dễ dàng, con cái đi học thuận tiện”.
Cùng niềm vui ấy, ông Huỳnh Văn Tôi, kế nhà ông Toản, chia sẻ: “Cư dân ở đây phần lớn mưu sinh nhờ nghề đi biển, đối mặt hiểm nguy không sợ mà chỉ lo cho vợ con ở nhà, không may gặp sóng dữ, gió lớn làm sập nhà như chơi. Bởi vậy, được Nhà nước cấp nền ở khu dân cư này, tôi có xa khơi cả tháng cũng thấy yên tâm, vững dạ, an cư, lạc nghiệp nơi ở mới”.
Hữu Tùng
Theo baonhandan.com.vn