Huyện Vĩnh Tường hiện có 239 di tích với hàng trăm lễ hội, trong đó có 20 di tích được xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, huyện chú trọng cong tác quản lý đối với các di tích và lễ hội trên địa bàn, đảm bảo lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Lễ hội đền Ngự Dội - lễ hội lớn trên địa bàn được chuẩn bị chu đáo
Trước mùa lễ hội, huyện đã tiến hành tu bổ, tôn tạo, xây dựng, kiểm tra, rà soát và chủ động phương án bảo vệ, gia cố các di tích đang xuống cấp chưa có điều kiện tu bổ; đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, hành lễ. Đồng thời, hướng dẫn các nhà sư trụ trì, thủ nhang, ban quản lý các di tích không tiếp nhận, trưng bày và sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lai, các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đối với các xã, phường có lễ hội truyền thống, huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức cụ thể, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, giữ vững an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Là một trong những lễ hội lớn của huyện Vĩnh Tường, lễ hội đền Ngự Dội, thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh được tổ chức hằng năm từ ngày 14- 16 tháng Giêng âm lịch với 3 năm một lần tổ chức chính, vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Do năm nay tổ chức chính hội, chính quyền địa phương dự kiến lượng du khách đến lễ hội khá lớn, khoảng 5.000 – 8.000 người. Vì vậy, công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo, đặc biệt về an ninh trật tự và an toàn giao thông. Ông Nguyễn Hữu Quân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết: “Lễ hội đền Ngự Dội là lễ hội vùng với sự phối hợp tổ chức của 2 địa phương: Phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường. Để đảm bảo lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong và sau lễ hội. Ban tổ chức lễ hội huyện đã chỉ đạo tăng cường lực lượng công an, quân sự huyện về phối hợp, nắm tình hình, khảo sát địa bàn; tổ chức tuần tra, canh gác kịp thời phát hiện những tình huống phức tạp về an ninh trật tự; không để nảy sinh phức tạp, sơ xuất dẫn đến bị động, bất ngờ. Do có nghi lễ rước kiệu qua sông Hồng nên lực lượng Cảnh sát giao thông đường sông Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Công an Hà Nội phối hợp phân luồng tàu, thuyền đi lại trên sông vào thời điểm tổ chức rước kiệu từ đền Và, thị xã Sơn Tây sang đền Ngự Dội, đảm bảo an toàn cho đoàn rước kiệu qua sông Hồng và khi đoàn trở về. Lực lượng công an huyện Vĩnh Tường cũng có phương án cụ thể phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại đầu đường rẽ bến phà Vĩnh Thịnh đi xã Vĩnh Ninh và khu vực đê bối ra bãi sông Hồng.”
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất đã được chính quyền địa phương hoàn tất từ trước Tết nguyên đán; việc đảm bảo vệ sinh khu vực diễn ra lễ hội được đẩy mạnh trước 1 tuần diễn ra lễ hội; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quán triệt và tiến hành kiểm tra thường xuyên. Công tác phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự khu vực diễn ra các trò chơi dân gian và trông giữ phương tiện giao thông đã hoàn tất với các phương án cụ thể.
Theo ông Vũ Đức Kim, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Vĩnh Tường: “Cùng với hàng trăm lễ hội tại các địa phương trong huyện, lễ hội đền Ngự Dội là lễ hội lớn nhất mang tính lễ hội vùng. Bên cạnh đó, một số lễ hội như: lễ hội đình Thổ Tang; lễ hội đền Đuông, xã Bồ Sao; trâu rơm bò rạ, xã Đại Đồng mang tính đặc trưng hơn cả, thu hút nhiều khách thập phương. Những năm gần đây, với việc đẩy mạnh công tác quản lý về di tích và hoạt động lễ hội, các lễ hội được tổ chức trên địa bàn đều phù hợp với đặc điểm, tính chất của lễ hội và di tích; đảm bảo không khí vui tươi, lành mạnh cho nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp”.
ST