Thời gian qua, nhờ Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ, nhiều tổ, đội đoàn kết trên biển của huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) đã được hình thành. Các tàu được đóng mới không chỉ đánh bắt xa bờ hiệu quả, mà còn trở thành những cột mốc di động khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Những chiếc tàu vỏ thép có công suất lớn của huyện Núi Thành
ra quân đánh bắt đầu năm Đinh Dậu 2017. Ảnh VGP/Mai Vy
Vừa bước sang năm Đinh Dậu, chiếc tàu Sea 04 có công suất hơn 820 mã lực của ngư dân Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đã sẵn sàng cho chuyến vươn khơi đánh bắt đầu tiên trong năm mới.
Năm 2016, thông qua Nghị định 67, ông Kỳ vay 17 tỷ đồng đầu tư tàu vỏ thép để hành nghề lưới vây và chụp mực. Đồng thời, ông đăng ký tham gia vào tổ đoàn kết số 7 của nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang.
“Sau khi hạ thủy tàu, tôi tham gia vào tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ, đến nay đã được 6 tháng. Các chuyến đi biển năm 2016 đều thành công vì tàu được trang bị các thiết bị mới, hiện đại nên đánh bắt hiệu quả hơn. Đồng thời, mình cùng đi với tổ đoàn kết trên biển nên an tâm đi dài ngày, vì trong mọi tình huống, giữa các tàu đều hỗ trợ nhau”, ông Kỳ cho biết.
Tương tự, ngư dân Phạm Ngọc (xã Tam Giang) cũng được vay vốn theo Nghị định 67 với số tiền 18 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép. “Nếu không có Nghị định 67, ngư dân tự vay vốn ngân hàng thì chỉ được vay 3-4 tỷ đồng thôi, nên khó có cơ hội đóng tàu lớn. Trước đây, tôi hành nghề câu mực khơi, nhưng sau khi vay vốn theo Nghị định 67 và đóng tàu vỏ thép, tôi chuyển sang nghề chụp mực, công việc nhàn hơn, lại hiệu quả hơn”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Ngọc cho hay, tàu mới được đóng đúng theo thiết kế, các thiết bị cũng theo đúng nguyện vọng. Tàu có công suất lớn hơn, hiện đại hơn, nên ông Ngọc hy vọng trong chuyến biển đầu tiên cùng với tàu vỏ thép mới, các bạn thuyền của mình sẽ vững vàng bám biển dài ngày và thu hoạch khá.
Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Thịnh cho biết, toàn huyện có 2.320 tàu, trong đó có 159 tàu công suất lớn từ 400 mã lực trở lên, chia thành 40 tổ đội đoàn kết trên biển để thực hiện các nghề lưới vây đảo, câu mực khơi, chụp mực trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Tổng công suất tàu thuyền của huyện đạt 140.000 mã lực, tăng gần 14% so với năm 2015. Nhờ đó, tổng sản lượng hải sản khai thác năm 2016 đạt hơn 44.000 tấn, giá trị đánh bắt đạt hơn 1.700 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ, ngư dân huyện Núi Thành đã tiếp cận với các chính sách tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá. Hiện tại, toàn huyện được phân bổ 52 dự án và đã có 38 tàu hoàn thành, hạ thủy. Đây là huyện của tỉnh Quảng Nam có nhiều nhất tàu đánh cá được đóng mới theo Nghị định 67.
Năm 2017, ngư dân huyện Núi Thành phấn đấu đạt tổng giá trị đánh bắt thủy sản là 1.800 tỷ đồng, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 50.000 tấn. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 18.000 lao động tại địa phương.
Năm 2017, huyện Núi Thành phấn đấu sản lượng khai thác và
nuôi trồng thủy sản đạt 50.000 tấn. Đồng thời, giải quyết việc làm
thường xuyên cho 18.000 lao động tại địa phương. Ảnh VGP/Mai Vy
Góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Ngư dân Núi Thành không chỉ vươn khơi để giữ nghề cha ông, mà họ còn góp phần vào việc giữ gìn, bảo vệ từng vùng biển, từng hòn đảo của đất nước.
Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (xã Tam Quang) khẳng định, sự hiện diện liên tục của các tàu lớn tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ giúp ngư dân cùng nhau bảo vệ ngư trường, mà còn là cách rất riêng của bà con trong việc cùng với cả nước khẳng định chủ quyền biển, đảo.
Ông Thịnh cho biết thêm, song hành với việc hỗ trợ ngư dân tiếp cận các chính sách của Chính phủ, địa phương sẽ tiếp tục phát triển các nghiệp đoàn nghề cá, tổ, đội đoàn kết trên biển nhằm mang lại hiệu quả đánh bắt cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong những chuyến vươn khơi, ngư dân càng yên tâm hơn khi ngoài việc được Chính phủ hỗ trợ thông qua các chính sách, họ còn được các lực lượng chấp pháp của Việt Nam bảo vệ.
Đại tá Thái Minh Dũng, Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết, Vùng Cảnh sát biển 2 đảm nhiệm miền biển khu vực miền Trung từ Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Bình Định.
Hiện nay, trên vùng biển do Vùng quản lý đều có tàu của cảnh sát biển tuần tra để bảo vệ ngư dân. Đặc biệt, trong những trường hợp sóng to gió lớn, cảnh sát biển luôn sẵn sàng cứu giúp ngư dân, vì thế, dù cho điều kiện thời tiết có khắc nghiệt đến mấy, bà con cũng luôn tin tưởng rằng luôn có lực lượng chấp pháp của Việt Nam giúp đỡ.
Những ngày đầu năm mới này, vùng biển Núi Thành luôn tấp nập những con tàu công suất lớn rẽ sóng hướng cửa An Hòa để vươn ra Biển Đông bao la đến các ngư trường, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa để mang cá tôm đầy khoang về đất liền.
Và thiêng liêng hơn, những con tàu đó cùng các ngư dân còn thực hiện sứ mệnh trở thành những cột mốc di động trên biển khẳng định chủ quyền vùng biển của Việt Nam.
Mãi tin rằng sự bình an, thắng lợi luôn cùng họ trên từng chuyến biển.
Mai Vy
Theo chinhphu.vn