Cập nhật: 18/02/2017 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ông Lê Văn Khởi - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn (Cà Mau) - cho biết trong những ngày qua, tại khu vực ven cửa biển Hố Gùi, thuộc xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng do gió lớn kết hợp thủy triều dâng cao.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Đợt sạt lở này bắt đầu mạnh vào ngày 11/2 và diễn ra cho đến nay.

Những năm qua, do thời tiết biến đổi bất thường đã gây ra nhiều vụ sạt lở rừng phòng hộ ven biển. Theo ngành chức năng địa phương, sạt lở diễn ra mạnh nhất trong mấy ngày gần đây, có đoạn sóng khoét sâu từ bờ biển vào đất liền trên 100m, trong đó khoảng 50m là rừng phòng hộ rất xung yếu, còn lại là đất nuôi thủy sản. Đoạn rừng ven biển bị sạt lở ước tính chiều dài trên 1.000m, ảnh hưởng hơn 300ha đất nuôi tôm của địa phương.

Theo ông Nguyễn Long Hoai - Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, cửa biển Hố Gùi thuộc tuyến rừng phòng hộ ven biển Đông của tỉnh Cà Mau.

Những năm qua do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình sạt lở bờ biển tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng sạt lở diễn ra cả ven biển Đông và biển Tây, bình quân mỗi năm sạt lở từ 20-25m ở bờ biển Tây, ở biển Đông thì từ 45-50m.

Cà Mau với đường bờ biển dài khoảng 254km, đã có hơn 150km thường xuyên xảy ra sạt lở. Tình trạng sạt lở xảy ra với mức độ rất nguy hiểm và mang tính chất thường xuyên, có một số đoạn lở khá mạnh, sạt lở vào sát chân của tuyến đê biển.

Với tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, nếu các ngành chức năng không có giải pháp khắc phục kịp thời, sạt lở không chỉ tiếp tục đe dọa diện tích rừng phòng hộ rất xung yếu mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân./.

HUỲNH THẾ ANH (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/ca-mau-sat-lo-de-doa-nghiem-trong-rung-phong-ho-ven-cua-bien-ho-gui/431210.vnp

Tệp đính kèm