Đội thuyền xuất quân ra ngư trường Trường Sa.
Như cây phong ba, bốn mùa kiêu hãnh thu hứng vào mình những sương gió, nắng mưa, hàng trăm ngư dân ở Hòn Rớ (Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) thắp lên khát vọng vươn khơi bám biển, giữ đảo.
Tự hào ngư dân Việt!
Cảng Hòn Rớ mùa này mưa đã tạnh, bão đã tan, lòng người vui như mở hội. Trong không gian ấm áp, nhà nhà phấp phới chờ đợi những chuyến tàu cập bến. Trên chiếc tàu công suất 600 CV, thuyền trưởng Lê Văn Hậu cười rạng rỡ: Hòn Rớ này là cái vựa của thủy, hải sản miền trung đấy! Từ đây hàng nghìn tấn cá, tôm sẽ tỏa đi khắp nước. Hầu hết người dân Hòn Rớ đều đi biển, hàng trăm thuyền trưởng, ngư dân cự phách đều quần tụ ở đây cả. Một khi đã cùng nhau vươn khơi thì lòng cả trăm người như một.
Như món quà chào xuân, đón đầu được đường đi của cá ngừ, sau một tháng đánh bắt trên ngư trường Trường Sa, tàu của lão ngư Lê Văn Hậu đã thu được hơn 5 tấn cá ngừ đại dương, ai cũng phấn khởi. Trước khi vươn khơi, ai cũng thề trước “mẹ biển” không được ủ tạp chất, hóa chất vào cá. Sức khỏe người tiêu dùng là số một. Ngược lại lời thề này thì không còn là ngư dân Hòn Rớ nữa.
Thuyền trưởng Nguyễn Phi Hùng điều khiển con tàu KH 94277 cập cảng. Tất cả cùng reo, mùa xuân ấm rồi! Với 10 ngư dân, sau nhiều ngày đánh bắt thu được ba tấn cá ngừ, 2,5 tấn mực, trừ chi phí, mỗi người lãi mấy chục triệu đồng . Sau những ly rượu chúc nhau bình an là không khí khẩn trương sửa soạn ngư cụ cho chuyến vươn khơi mới. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng thổ lộ: Ngư dân nước mình luôn chân chất, thật thà, giản dị. Tình yêu biển, đảo đã ngấm vào máu. Xã Phước Đồng có 451 ghe tàu lớn nhỏ, chủ yếu tập trung ở Hòn Rớ với tổng công suất lên đến gần
20.000 CV, sản lượng đánh bắt ở các ngư trường lên đến hàng nghìn tấn trong năm 2016. Có biến cố gì, ngư dân vẫn can trường bám biển. Ở Hòn Rớ này, chúng tôi mà bắt được ai dùng mìn hay chất nổ đánh cá thì sẽ không cho họ ra biển nữa. Phải biết ơn “mẹ” biển chứ!
Ra khơi giữ nhà
Bão tố, cuồng phong và cả những trận đối đầu nảy lửa với tàu lạ, kẻ xấu, chính những khốc liệt ấy góp phần hun đúc nên lòng gan dạ, quả cảm. “Nhớ mãi đêm xuân năm ngoái, có những kẻ hung hãn hòng đánh bắt hải sản theo cách hủy diệt. Chúng tôi chống trả đến cùng”, lão ngư Huỳnh Thuận bộc bạch. Cũng theo ông Thuận, ngày xuân là lúc có những kẻ muốn làm chuyện xấu nên phải bám lấy ngư trường. Nhiều lần tàu của ông Thuận phát hiện ngư dân nước ngoài dùng mìn đánh bắt cá trên lãnh hải Việt Nam, lập tức tàu cá của ông bỏ vị trí đánh bắt, cấp tốc tiến vào đảo Phan Vinh báo cho bộ đội hải quân ra ngăn chặn, phối hợp bảo vệ ngư trường. Có tàu lạ giả vờ rút chạy, ngư dân quyết liệt truy đuổi, quần nhau để bắt kẻ xấu. Nếu phần yếu nghiêng về các ngư dân thì sẽ tìm cách cầm chân để chờ kiểm ngư đến ứng phó.
Trung tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh trò chuyện: Ngư dân và các chiến sĩ trên đảo luôn dành cho nhau tình cảm quý báu nhất! Khi tàu gặp sự cố, các chiến sĩ giúp tận tình từng việc nhỏ nhất. Sức mạnh cộng hưởng nhân lên lòng quyết tâm giữ biển.
Vùng 4 Hải quân còn trang bị cho ngư dân đánh cá xa bờ hàng loạt bộ đàm liên lạc. Mỗi ngư dân, thuyền trưởng cũng như một trinh sát đặc biệt vậy. Lão ngư Nguyễn Phi Hùng tự hào: Đừng nghĩ rằng ngày xuân là các ngư trường vắng bóng người bảo vệ. Đó là máu thịt của Việt Nam kia mà!
Xuân mới, tư duy mới
Là tỉnh có số lượng ngư dân lớn nhất nhì miền trung, nên mấy năm trở lại đây, Hội Nghề cá Khánh Hòa xác định đánh bắt xa bờ là một mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển; vận động hàng nghìn ngư dân chuyển từ nghề cá thủ công sang nghề cá hiện đại; cho ra đời các tổ, đội đoàn kết trên biển nhằm khai thác có hiệu quả hơn, tránh được nhiều rủi ro và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chúc nhau điều bình an trước lúc vươn khơi.
Thuyền trưởng Phi Hùng quả quyết: Giờ đây bám biển, giữ biển, trên mỗi chiếc tàu luôn được trang bị đầy đủ máy định vị vệ tinh, máy vô tuyến. Hầu hết ngư dân ở Hòn Rớ đều am tường các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đã ra khơi là phải tính toán và lên kế hoạch rõ ràng, phải chọn lúc trời nắng đẹp, gió nhẹ. Một trong những yếu tố quan trọng trong những ngày lênh đênh trên biển khơi đó là tình đoàn kết. Các ngư dân đều khẳng định, những ngư dân, thuyền trưởng uy tín sẽ được chọn làm tổ trưởng trong các đợt vươn khơi. Người tổ trưởng sẽ đưa ra các định hướng tốt về việc phân công tàu tìm kiếm ngư trường, tìm luồng cá, phân công hướng dẫn công tác hậu cần. Mỗi chuyến vươn khơi được kết nối liên hoàn từ khâu cung cấp dầu - đá - thực phẩm… Tư duy mới này giúp tránh tối đa những rủi ro bất thường giữa đại dương mênh mông.
Nhờ sự hào phóng của biển cộng với lòng cần cù của con người, dải đất uốn lượn quanh cảng Hòn Rớ đã mọc lên những căn nhà khang trang. Một mùa xuân ùa về với bao ước vọng. Những làng ngư phủ dọc dài mảnh đất miền trung cũng có chung tâm thế như Hòn Rớ vậy!
Mỗi lần vươn khơi, ngư dân tập trung tối đa các ô lạnh trong thuyền để ủ cá ngừ đại dương phục vụ xuất khẩu hoặc di chuyển đi các tỉnh xa. Hải sản nhỏ được sơ chế, phơi ngay trên các giàn. Nhiều lão ngư tâm tình: Trong những cuộc hành trình, họ kể cho người trẻ, về đất nước, về chủ quyền, những đêm giao thừa trên biển, hai tiếng “Việt Nam” được hô vang trước lá cờ Tổ quốc phấp phới trên mỗi nóc tàu.
Bài & ảnh: Hà Văn Đạo
Theo Báo Nhân dân điện tử