Cập nhật: 02/03/2017 10:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều quốc gia đã lựa chọn hình thức phát triển quà tặng lưu niệm để quảng bá văn hóa, xây dựng hình ảnh đất nước. Mỗi khi đến tham quan du lịch ở 1 địa danh, du khách đều muốn mang về 1 sản phẩm của địa danh đó, vừa là để làm quà kỷ niệm cho chuyến đi, vừa là quà tặng cho bạn bè, người thân, một cách gián tiếp chúng đã giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của vùng đất mà họ đã đến.

Với đa dạng các loại hình sản phẩm lưu niệm như hiện nay thì số lượng những sản phẩm có dấu ấn văn hóa mang thương hiệu Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng vẫn còn hạn chế và chưa được khẳng định. Vậy tại sao chúng ta không phát triển để góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc.  

Vĩnh Phúc với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, vị trí địa lý, địa hình đa dạng, là nơi hội tụ nhiều loại hình di sản văn hóa và du lịch phong phú hẫp dẫn. Nét độc đáo về kiến trúc, truyền thuyết, ý nghĩa lịch sử đã làm nên giá trị nổi bật của tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang… Những công trình văn hoá, địa danh văn hoá lịch sử không chỉ mang tầm vóc, ý nghĩa địa phương như Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên, chùa Hà, đền Thính, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… Các danh thắng mà không phải nơi đâu cũng có như hồ Đại Lải, núi Tam Đảo, Đầm Vạc,.... Bên cạnh đó là những giá trị văn hoá phi vật thể của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất văn hiến lâu đời với nhiều lễ hội tiêu biểu,những làn điệu dân ca như Soọng Cô, trống quân Đức Bác,... những món ăn đặc sản địa phương, những nét sinh hoạt văn hoá riêng biệt của đồng bào dân tộc Kinh, Sán Dìu, Cao Lan… Nếu để kể hết ra thì còn nhiều những giá trị văn hóa khác nữa nhưng chỉ cần như vậy thôi cũng có thể nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành du lịch Vĩnh Phúc. Nguồn tài nguyên di sản, tài nguyên văn hóa đã quá rõ ràng, đây chính là nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm lưu niệm. 

Nhưng không chỉ có vậy, khả năng, kỹ năng sản xuất hàng lưu niệm của chúng ta cũng rất lớn. Cho đến nay mặc dù nhiều làng nghề truyền thống đã bị mai một và mất đi nhưng trên địa bàn Vĩnh Phúc vẫn còn hơn 60 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống được công nhận, chủ yếu ở các nhóm nghề như: mộc, mây tre đan, rèn kim khí, chế tác đá, nuôi và chế biến rắn, gốm... Các làng nghề truyền thống hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu việc làm cho lao động tại địa phương, thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những sản phẩm lưu niệm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống không những tạo việc làm cho lao động ở các làng quê mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân nhờ vào nguồn thu nhập từ việc sản xuất những mặt hàng này. Tuy nhiên cho đến nay, thị trường lưu niệm tại Vĩnh Phúc vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm với tài nguyên văn hóa vốn có. Những làng nghề thủ công nổi tiếng như gốm Hương Canh, mộc Bích Chu,... là những làng nghề truyền thống tiêu biểu, sản phẩm chất lượng được đánh giá cao nhưng vẫn chưa chú trọng nhiều đến các sản phẩm lưu niệm dù đây là những sản phẩm thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Trên thực tế, tại mỗi khu, điểm du lịch đều đã quy hoạch các gian hàng bày bán sản phẩm lưu niệm. Người bán thì niềm nở mời chào, nhưng gian hàng nào cũng chỉ có chừng đó mặt hàng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là móc chìa khóa, vòng đeo tay... Sản phẩm quà lưu niệm mang tính đặc trưng của địa phương không chỉ tạo sự hấp dẫn cho du khách, kích thích họ chi tiêu mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương. Song nhìn vào thực trạng, thị trường quà lưu niệm ở Vĩnh Phúc hiện vẫn còn bỏ ngỏ, vậy tại sao một thị trường tiềm năng như vậy lại không được quan tâm.

Nguyên nhân một phần do thiếu kinh phí, do chưa nhận thức được tiềm năng phát triển của sản phẩm lưu niệm và tìm kiếm sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Đa số tiểu thương chỉ nghĩ đến việc bán cho được hàng chứ không hề quan tâm đến việc chọn bán sản phẩm mang đậm bản sắc để thu hút du khách, vì thế nên họ chỉ nhập những sản phẩm từ nơi khác với giá rẻ về bán cho du khách. Dạo qua các gian hàng lưu niệm tại một số điểm du lịch có thể thấy các mặt hàng quá sơ sài, nhàm chán và mang tính đại trà chưa có nét độc đáo. Sẽ chẳng có du khách nào muốn mua một chiếc bình gốm hay tượng đá cồng kềnh về làm quà mà họ chỉ muốn mua những sản phẩm chỉ có ở Vĩnh Phúc nhưng phải nhỏ gọn, dễ vận chuyển. Trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện nay có rất nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa phát triển được sản phẩm đặc trưng của từng dân tộc.

Để thị trường tiềm năng này phát triển mạnh mẽ hơn, chúng ta cần có chiến lược xây dựng một sản phẩm lưu niệm du lịch mang tính đặc trưng. Để làm được điều đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cần phối hợp với các làng nghề tại địa phương đầu tư, nghiên cứu xây dựng danh sách các sản phẩm lưu niệm mang ý nghĩa, đặc trưng quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà cho du khách. Việc tạo ra một sản phẩm lưu niệm du lịch không chỉ đơn thuần mang tính thương mại mà cần chuyển tải được những giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng nên phải nghiên cứu kỹ để có mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng phù hợp với thị hiếu của du khách. Để đưa sản phẩm lưu niệm du lịch đến tay du khách, các địa phương, đặc biệt là cơ sở sản xuất cần xây dựng hệ thống cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch giới thiệu sản phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành trong và ngoài tỉnh để bán sản phẩm. Cùng với đó, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc duy trì, bảo tồn nghề truyền thống; tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, vốn, nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống.

Trong tương lai, nếu chúng ta làm được những điều trên thì đây không chỉ là giải pháp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tại Vĩnh Phúc. Từ những sản phẩm lưu niệm ấn tượng độc đáo chúng ta sẽ có thể thu hút thêm khách du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn từ những thị trường tiềm năng chưa được đầu tư. Khi mà sản phẩm lưu niệm được định hình với dấu ấn văn hóa đặc trưng mang thương hiệu của Vĩnh Phúc thì gián tiếp nền văn hóa của chúng ta sẽ được nhân rộng cả trong và ngoài nước. Một sản phẩm quà tặng lưu niệm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa. Phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm cũng là góp phần quảng bá văn hóa, thúc đẩy tăng trưởng du lịch, kinh tế./.

ST

Tệp đính kèm