...Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người, là nước giàu văn hóa, nhiều nền văn hóa: Văn hóa Ðông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, Oc- eo ở miền Nam, những nền văn hóa ấy là bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa nhân loại. Nước có di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, di sản tư liệu thế giới, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, khu dự trữ sinh quyển thế giới… nhiều nhất trong ASEAN, là Việt Nam. Một di sản văn hóa hỗn hợp duy nhất của Ðông Nam Á được UNESCO công nhận cũng là di sản của Việt Nam – quần thể danh thắng Tràng An.
Với tiềm năng thế mạnh này, lại là điểm đến được mệnh danh là hòa bình thân thiện và an toàn, Việt Nam cần thiết và có thể “thuộc nhóm nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á” - Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017).- (Hiện đứng thứ 5, sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia).
Một số loại hình du lịch văn hóa tiêu biểu đã, đang phát triển ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra
Lễ hội cầu ngư đầu năm của ngư dân xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn- Quảng Ngãi - Ảnh Nguyễn Đăng Lâm
Du lịch di sản
Con đường di sản miền Trung’ là chương trình du lịch di sản đầu tiên được phát động và tổ chức rất thành công tại Việt Nam từ những năm cuối của thế kỷ trước, xuất phát từ Quảng Nam. Tại Indonesia tháng 6 năm 2007, chúng tôi đã dự hội nghị Bộ trưởng Du lịch 6 nước ASEAN và đã ký tuyên bố chung sáng lập Chương trình du lịch “Trail of Civilization”- “Con đường văn minh”, nối các cố đô là di sản thế giới trong ASEAN.
Mặt khó khăn đối với các di tích, di sản văn hóa của Việt Nam là hầu hết được xây dựng bằng vật liệu không bền vững, khí hậu lại khắc nghiệt, trải qua chiến tranh liên miên, kéo dài, nên bị hư hại nhiều và dễ xuống cấp. Một số di sản đã không còn nguyên vẹn, bị chôn lấp và chỉ còn là dấu tích trong lòng đất.
Vấn đề có tính thời sự là tôn tạo và phục hồi di tích. Thời gian phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm mới làm hỏng 1 di tích, con người chỉ cần một chục năm, thậm chí 1 năm, 1 tháng, 1 ngày cũng có thể làm biến dạng, làm hỏng một di sản, khi muốn phục dựng phải tốn rất nhiều công sức, tiền của mà có khi không bao giờ làm lại được, hoặc trùng tu rồi không có khách đến thăm ! Đã có nhiều ví dụ thực tế về việc này. Phục hồi, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử, không chỉ có giá trị bảo tồn, tôn vinh văn hóa, không chỉ có giá trị giáo dục truyền thống cho cộng đồng, cho muôn đời, với nguyên lý căn bản văn hóa là gốc rễ của dân tộc, một dân tộc đánh mất văn hóa của mình thì không còn lý do tồn tại, mà quan trọng hơn, bảo vệ, tôn tạo di tích để cộng đồng, dân tộc, du khách bốn phương đến chiêm ngưỡng, hưởng thụ, qua đó mà giao lưu, lan tỏa giới thiệu văn hóa dân tộc ra khỏi giới hạn, phạm vi địa lý hành chính của địa phương, của quốc gia. Như vậy, tính hướng đích của phục hồi trùng tu, bảo vệ di tích, di sản sẽ được nhân lên gấp bội khi gắn với mục tiêu phát triển du lịch. Bảo vệ, nâng cấp, trùng tu di tích để du khách đến tham quan, nghiên cứu, chiêm ngưỡng, tức phát triển du lịch, qua đó phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, du lịch phát triển lại góp phần trực tiếp bảo tồn, trùng tu, nâng cấp di sản. Vì vậy việc bảo tồn trùng tu di tích cần được gắn ngay từ đầu giữa văn hóa và du lịch, và phải được tiến hành rất trách nhiệm.
Du lịch lễ hội
Việt Nam cũng là quê hương của các lễ hội. Lễ hội là biểu hiện tập trung của văn hóa. ( Điển hình và thành công nhất là Festival Huế). Qua kênh du lịch, văn hóa Việt Nam được giao lưu lan tỏa theo chân khách đi khắp thế giới. Du lịch Việt Nam đã và đang khai thác các loại hình du lịch mang nội dung văn hóa sâu sắc này.
Từ năm 2000, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã đề nghị và được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) lúc đó nhất trí chọn 20 lễ hội tiêu biểu trong cả nước cần tập trung phục hồi, khai thác, quảng bá, để thu hút khách du lịch. Và Du lịch lễ hội đã trở thành 1 trong 6 nội dung trong Chương trình hành động quốc gia giai đoạn đầu thiên niên kỷ mới, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện. Toàn ngành đã triển khai chương trình này khá đồng bộ với mục đích tạo ra hình ảnh có một Việt Nam giàu văn hóa, khách du lịch có thể trải nghiệm lễ hội quanh năm khi đi hết chiều dài đất nước. Ở nhiều địa phương, nhiều hãng lữ hành đã có chương trình khai thác loại hình này khá tốt, khi gắn lễ hội với không gian đã sinh ra nó, trong các chương trình du lịch cộng đồng, du lịch tại các bản làng dân tộc, với phương châm trả lễ hội về cho cộng đồng, không sân khấu hóa lễ hội.
Từ tháng 6 năm 2004 dưới sự chủ trì của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), được phép của Chính phủ, nhân Festival Huế lần thứ 3,Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Đông Á - Thái Bình Dương tại Huế, với chủ đề “Du lịch văn hóa gắn với mục tiêu giảm đói nghèo”. Gần 200 đại biểu bao gồm Bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan du lịch quốc gia, các chính khách, các chuyên gia và các nhà báo trên thế giới đã về dự, nhằm chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch văn hóa và những lợi ích của loại hình du lịch này đối với cộng đồng xã hội, nhất là với công cuộc xóa đói nghèo ở những quốc gia đang phát triển. Hội nghị đã ra Tuyên bố Huế về Du lịch Văn hóa và công cuộc xóa đói nghèo.
...Liền ngay sau đó, năm 2005, tại Đà Lạt chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Nhật Bản với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật. Hội nghị đã ra Tuyên bố Đà Lạt của các Bộ trưởng Du lịch Đông Á về “Du lịch hoa”. Du lịch hoa không biết nên xếp vào loại hình du lịch nào, văn hóa hay sinh thái, nhưng chắc chắn là thể hiện nét đẹp văn hóa của một vùng đất, của cộng đồng dân cư, bởi “người ta không thể cãi nhau bên những luống hoa”. Đằng này, ở đây lại là cả một vùng đất, một vùng trời đầy hoa.
Các nhà làm tour, nhất là các tour du lịch nội địa, nên tiếp tục hướng vào việc thu hút khách hành hương tự do, đông tới hàng triệu người mỗi dịp lễ hội, thành khách du lịch lễ hội được chăm sóc, có các dịch vụ phù hợp, không để nhếch nhác, thả nổi làm méo mó hình ảnh du lịch lễ hội. Các địa phương muốn phát triển kinh tế du lịch cần tự giác và có biện pháp hữu hiệu để dẹp loạn các biến tướng, trục lợi đang làm hỏng hình ảnh văn hóa con người Việt Nam qua các lễ hội.
Lễ hội của đồng bào Churu, Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng- ảnh: Hà Hữu Nết
Du lịch Văn hóa ẩm thực
Đây là nét độc đáo hấp dẫn, là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Đã từng có đề xuất đưa Việt Nam là điểm đến của thế giới về du lịch ẩm thực, là bếp ăn của thế giới. Trong số rất nhiều lời khuyên của các chuyên gia, đồng nghiệp trên thế giới khi tôi còn làm du lịch, có một lời khuyên là không nên để mạng lưới các cửa hàng ăn nhanh, Fasfood, kiểu Mcdonald’s, KFC, vào Việt Nam. Đến nay tôi chắc thua vì nhiều hãng ẩm thực ngoại lai nữa đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, như Lotteria, Pizza Hut, Subway, Bburger King...Không biết có cách gì để vãn hồi tình trạng này, để giữ nguyên và tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam ? Dù sao thì văn hóa ẩm thực Việt Nam vẫn cần được các nhà làm du lịch quan tâm nhiều hơn nữa để trở thành đặc sản thu hút khách du lịch tới Việt Nam.
Du lịch bảo tàng
Ở các nước phát triển, bảo tàng là điểm đến hấp dẫn của du khách. Ở ta gần đây đã chú ý phát triển loại hình du lịch này. Có một số vấn đề đang đặt ra cần được quan tâm. Việt Nam có nhiều bảo tàng, tỉnh nào cũng có, na ná giống nhau, cùng ít hấp dẫn như nhau. Bảo tàng Hà Nội to nhất, xây dựng tốn kém nhất, lại không thu hút được du khách. Ở Tây Nguyên có bảo tàng Gia Lai mới xây dựng có sự hỗ trợ của Pháp, thiết kế giữ được phong cách dân tộc, lại mang dáng dấp hiện đại kiểu Pháp, rất có triển vọng nếu quan tâm đến phần trưng bày và có đội ngũ thuyết minh viên, trang phục dân tộc, người dân tộc có nghề hơn. Nên rút kinh nghiệm từ những thành công của Bảo tàng Dân tộc Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội và Bảo tàng Thái Nguyên, trong việc thu hút khách du lịch đến bảo tàng.
Khi TCDL tham gia chương trình phục hồi và phát huy lễ hội Đền Trạng, chúng tôi đã có đề nghị với Hải Phòng nên tôn tạo Di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm như một bảo tàng ngoài trời, không cần đầu tư quá nhiều, nhưng đặc sắc theo chuyên đề, để giới thiệu văn minh lúa nước sông Hồng từ thế kỷ thứ XVI, lần theo một nghìn bài thơ Hán thơ Nôm của Trạng nguyên Tể tướng, nhà tiên tri, 500 năm trước đã nhìn thấu biển Đông, đã gọi Việt Nam thành tên nước, đi trước chính sử hơn 400 năm…. để tôn tạo phục dựng, sẽ hấp dẫn hàng triệu du khách đến quanh năm, chứ không chỉ mấy ngày trong lễ hội Đền Trạng. Hải Phòng đã, đang đầu tư, nhất là khi Đền Trạng được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, nhưng xu hướng bê tông hóa vẫn đang đe dọa khá nhiều.
ST