Chúng tôi lại có dịp về thăm Di Lộc (xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch), là một trong các làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh giai đoạn 2000-2010. Những năm qua, Di Lộc tiếp tục phát huy những mặt mạnh, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa của xã và huyện.
Một công trình do Tổ thợ nề của ông Lê Trung Khanh (thôn Di Lộc) xây dựng.
Nằm về phía đông Quốc lộ 1, thôn Di Lộc gồm 3 xóm Sa Lộc, Trung Lộc và Nam Lộc, có tổng diện tích 2 km2, trong đó có 70 ha đất nông nghiệp. Là một vùng quê năng động, ngoài phát triển buôn bán, kinh doanh, dịch vụ, Di Lộc từng nổi tiếng là một “làng lúa, làng hoa, làng rau...”. Không dừng lại ở đó, Di Lộc còn được biết đến với nhiều ngành nghề, nổi bật là nghề thợ nề.
Hiện tại thôn Di Lộc có gần 600 hộ, trên 2.000 nhân khẩu. Trước đây 3 xóm có 3 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, từ nhiệm kỳ 2010-2015 Đảng bộ bộ phận Di Lộc được thành lập, đã cùng các chi ủy, chi bộ lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề và cây trồng vật nuôi, tích cực nâng cao mức sống của người dân.
Nhiều năm qua thôn không có hộ đói, tại thời điểm năm 2010 có trên 50% hộ giàu và khá, đến nay tỷ lệ này đạt 75-80%, hộ nghèo còn gần 5%.
Có được kết quả đó, theo đồng chí Lê Trung Thành, Phó Bí thư Đảng bộ bộ phận, trưởng thôn Di Lộc: “Cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Di Lộc đã nhận thức đúng đắn và thực hiện đồng bộ Nghị quyết của Đảng bộ “muốn nâng cao đời sống vật chất trước hết phải chú trọng phá thế độc canh, chăm lo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, gắn với đẩy mạnh phát triển kinh doanh, dịch vụ, các loại ngành nghề”.
Từ hướng đi đúng đắn đó, Di Lộc đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa bấp bênh sang trồng hoa, trồng rau, củ, quả. Hàng trăm hộ chuyển sang buôn bán, kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng, cơ khí, điện tử, mộc nề... Đặc biệt thôn có 13 tổ thợ nề với gần 400 lao động, cụ thể xóm Sa Lộc có 4 tổ, xóm Trung Lộc 4 tổ và xóm Nam Lộc 5 tổ, thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, tổ của ông Lê Đức Thuận đã thành lập doanh nghiệp, các tổ của ông Lê Trung Khanh, Đỗ Như Dũng, mỗi tổ có gần 50 lao động, chuyên nhận xây dựng các loại nhà cao tầng và có thể nhận xây dựng nhiều công trình cùng lúc. Ngoài khả năng chuyên môn, các tổ thợ nề ở Di Lộc luôn coi trọng quy trình xây dựng, bảo đảm an toàn, uy tín, chất lượng, được khách hàng trong huyện, trong tỉnh mến chuộng.
Bên cạnh đó, ở Di Lộc còn có 3 công ty TNHH, chuyên nhận thi công các công trình, dự án của Nhà nước; nghề mộc dân dụng có 6 tổ với trên 30 lao động. Nghề trồng hoa ban đầu chỉ có ở xóm Sa Lộc, nay đã phát triển cả xóm Trung Lộc, thu nhập từ 10-30 triệu đồng/hộ/năm, một số hộ chuyên canh đạt 50-60 triệu đồng/năm. Đến thôn Di Lộc vào ban ngày ít khi gặp được “gia chủ”, người lớn đi làm, trẻ em đi học, “cửa chẳng đóng, then chẳng cài”, hoa trái, rau quả đầy vườn nhưng chẳng ai lo mất mát gì vì các gia đình luôn có trách nhiệm với nhau...
Nhờ nâng cao thu nhập, đời sống của người dân ở thôn Di Lộc ổn định ở mức khá và trong tương lai sẽ tiến lên giàu. Không còn nỗi lo thiếu đói giáp hạt, không còn tình trạng cứ sau Tết bà con lại khăn gói xa quê đi tìm kiếm việc làm ở các tỉnh phía Nam. Có kết quả đó là nhờ, các cấp ủy, trưởng thôn, xóm, các chi hội Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ... đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm đổi mới, phát huy năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ai có khả năng nghề gì cứ mạnh dạn triển khai nghề đó. Nhờ vậy phong trào thi đua yêu nước “sản xuất, kinh doanh giỏi” gắn với chương trình “xây dựng nông thôn mới” ở đây đạt được hiệu quả tích cực.
Di Lộc hôm nay đã có nhiều đổi thay cả về diện mạo và chất lượng cuộc sống, là điều kiện để thôn ngày càng phát huy trong các lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, giữ vững danh hiệu làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh trong giai đoạn mới, góp phần sớm đưa xã Quảng Tùng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Sưu tầm