Cập nhật: 08/03/2017 15:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng nghề mộc Thanh Lãng có lịch sử phát triển hàng trăm tuổi vẫn đứng vững, với nhiều sản phẩm nổi tiếng khắp cả nước. Góp phần giữ vững nghề mộc truyền thống đó, không thể không nhắc đến công lao của những nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Ngọc Quế, ở tổ dân phố Hồng Bàng, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên).

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Quế say mê tạo hình sản phẩm gỗ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc, ngay từ khi còn nhỏ ông Quế đã được làm quen với cái cưa, cái đục. 15 tuổi, ông chính thức học nghề từ sự chỉ bảo của người cha. Nhờ sự yêu nghề, ham học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Quế đã có tay nghề thành thạo và có thể tự đóng được nhiều vật dụng sử dụng trong gia đình có giá trị kinh tế. Đến năm 17 tuổi, ông bôn ba khắp nơi để làm thuê cho các cơ sở mộc trong và ngoài tỉnh.

Ông Quế chia sẻ: “Những năm đó, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu vốn để mở xưởng nên hầu hết người thợ Láng mới vào nghề đều đi bôn ba làm thuê, tôi cũng vậy. Đi làm thuê mặc dù thu nhập cũng khá khẩm hơn so với những nghề khác, nhưng phải xa gia đình nên những người thợ như tôi đều nuôi chí hướng tích cóp vốn liếng để về quê lập nghiệp”.

Đến năm 1990, với nguồn vốn tích lũy và vay mượn thêm, ông Quế về mở xưởng ngay trên mảnh đất của gia đình. Dưới bàn tay tài hoa của ông, các sản phẩm xưởng làm ra nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng và bắt đầu có tên tuổi trong vùng. Hiện, xưởng của ông đang làm rất nhiều loại sản phẩm như: Sập, tủ thờ, bàn, ghế, tranh, câu đối, tượng…

Theo ông Quế, để làm được một đồ gỗ đẹp, ngoài việc lựa chọn được loại gỗ tốt, người thợ phải thật khéo léo, kiên trì, cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng kích thước từng chi tiết. Đồ gỗ do ông Quế làm ra luôn có nét đặc trưng riêng; nó chứa đựng tâm tư, tình cảm của người thợ nên rất có hồn.

Để phát triển nghề mộc truyền thống, những lúc rảnh rỗi, ông Quế còn truyền dạy nghề cho các thành viên trong gia đình và người dân nào muốn học. Hiện, ông có 2 người con trai thì đều theo nghề và đều được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu “Thợ giỏi cấp tỉnh”. Gần 50 năm gắn bó với nghề, ông Quế luôn say mê, cần mẫn và không ngừng cải tiến mẫu mã để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Nhờ vậy, sản phẩm của ông làm ra đã có mặt ở nhiều nơi trong cả nước và được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Năm 2006, ông Quế được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu “Thợ giỏi cấp tỉnh”. Năm 2011, ông vinh dự được công nhân là Nghệ nhân nghề mộc cấp tỉnh. Ngoài truyền nghề cho con cháu, tính đến nay, ông Quế đã truyền nghề cho hơn 100 người, trong đó, có nghệ nhân Dương Văn Hoạt (thị trấn Thanh Lãng).

 

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm