Cập nhật: 09/03/2017 15:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) đi theo con đường dẫn về xã Tân Lập khoảng 20km đến ngã ba Pa Khen rồi rẽ phải đi thêm chừng 7km nữa là đến bản Dọi – bản của người dân tộc Thái sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng chè và chăn nuôi bò sữa.

Ai đó đã từng đến cao nguyên Mộc Châu, tận hưởng không khí mát lành, cảnh đẹp tự nhiên và khám phá những điều khác lạ, hấp dẫn của cộng đồng vùng cao Tây Bắc thì ở bản Dọi, vẻ đẹp và những nét hấp dẫn ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn. Đi qua những đồi chè bạt ngàn, rừng mận kéo dài đến tận chân núi và những con đèo quanh co uốn khúc để đến nơi đây mới thực sự thấy và hiểu vì sao bản Dọi lại được nhiều người quan tâm đến thế.

Đến với bản Dọi Mộc Châu, du khách có dịp cùng với người dân địa phương vào bếp làm quen và học nấu những món ăn truyền thống của người dân tộc Thái. Khi các món ăn đã được bày lên mâm, chủ khách cùng vui vẻ thưởng thức. Nếu khách muốn, dân bản cũng chẳng ngại ngần gì mà không mời khách đi cùng mình vào rừng tìm lá thuốc, ra đồi hái chè, xuống suối bắt cá, ra bìa rừng hái cỏ cho bò. Rồi cũng cùng khách leo qua 3 con dốc để đến với những bản người Mường, người Dao phía bên hông núi.

Đến bản Dọi Mộc Châu, du khách và những người đam mê khám phá còn có cơ hội tìm hiểu về phong tục địa phương tại hang động mộ táng, mộ treo, mộ thuyền Trung Xá, Phây Đón để biết thêm về lịch sử, văn hóa cộng đồng của cư dân vùng đất này.

Theo như người già kể lại: Người Xá (dân tộc Khơ Mú ngày nay) và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Người Xá bắn tên rất giỏi đã thách người Thái bắn tên lên vách đá để xác định chủ quyền vùng đất. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này.

Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái đã lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn mũi tên đã dính lên vách đá. Từ đó, người Thái được làm chủ đất này. Vì không phải là chủ đất nên khi chết đi, người Xá không được chôn cất dưới đất mà phải lấy thân gỗ to, khoét bỏ ruột để cho người chết vào trong rồi treo lên các vách đá hoặc giấu trong các hang động quanh vùng.

Lịch sử mộ thuyền trong hang động ở đây đã tồn tại mấy trăm năm cùng với sự hiện diện của cộng đồng người Thái. Những quan tài đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn để cho du khách có thể ghé thăm, tìm hiểu thêm về lịch sử vùng đất tươi đẹp Tây Bắc này./.

ST

Tệp đính kèm