Cập nhật: 12/03/2017 11:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lần thứ 2 tới nhà, chúng tôi mới gặp được ông - Nghệ nhân Phùng Văn Vàng, thôn Bích Chu, xã An Tường (Vĩnh Tường). Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4, nhấp chén trà đặc, ông Vàng chậm rãi kể: Làng nghề mộc Bích Chu đã có vài trăm năm tuổi. Nghề ở đây cha truyền con nối; có lúc thăng, lúc trầm, nhưng vì đất ít, ruộng thiếu, vì miếng cơm manh áo mà người dân nơi đây không thể không gắn bó với cây, với gỗ. Cũng vì thế, ông Vàng cũng như bao người dân Bích Chu luôn trân trọng nghề, ý thức được “ngọn lửa” đam mê để ngày đêm cần mẫn phát huy nghề truyền thống mà cha ông đã gây dựng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, cũng là diện mạo, cốt cách của làng mộc quê hương.

Nghệ nhân Phùng Văn Vàng giới thiệu bản thiết kế sản phẩm mà ông đã dày công chế tác.

Ông Vàng sinh năm 1950. 65 năm tuổi đời nhưng ông đã có trên 50 năm tuổi nghề. Từ nhỏ, ông theo cha rong ruổi khắp nơi để học và chế tác sản phẩm. 15 tuổi, ông đã tự tay làm được nhiều vật dụng trong gia đình. Hơn 50 năm qua, ông Vàng luôn say mê, cần mẫn “gửi” đam mê vào từng thớ gỗ. Ông có thể làm bất cứ sản phẩm nào từ đơn giản đến phức tạp, từ cổ tới kim, sản phẩm của Châu Á, Châu Âu... Để làm ra đồ gỗ đẹp, tinh xảo đòi hỏi người thợ phải bền bỉ, khéo léo, tính toán căn cơ chuẩn mực trong từng chi tiết, đồng thời cũng tốn rất nhiều thời gian. Sản phẩm do ông làm ra đều được người trong nghề cũng như khách hàng đánh giá rất cao về kỹ, mỹ thuật. Năm 2008, ông tham gia cuộc thi tay nghề của tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Thợ giỏi. Trong năm 2011, ông được UBND tỉnh tặng danh hiệu Nghệ nhân Vĩnh Phúc; Trường Cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp trao chứng chỉ sư phạm nghề. Cũng trong năm, ông Vàng và con trai - anh Phùng Văn Hợi vinh dự được Hiệp hội làng nghề tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Vàng tập trung sản xuất các sản phẩm truyền thống gồm sập, gụ, tủ chè và đồ thờ như: Ngai, án gian, hoành phi, câu đối, cuốn thư, sập thờ; thi công trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trong, ngoài tỉnh. Dưới đôi bàn tay tài hoa, những sản phẩm ông Vàng chế tác luôn chứa đựng cái tâm, cái tài của người làm nghề. Ông cùng con trai và những người thợ trong làng đã trực tiếp thi công nhiều công trình di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong 2 năm 2013-2014, ông thi công Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông, Sơn Tây (Hà Nội), Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở khu di tích lịch sử Nguyễn Tất Thành (Tuyên Quang) và một số đình, chùa ở các vùng lân cận... Với những thành tích xuất sắc trong phát triển làng nghề TTCN, những năm qua, ông Phùng Văn Vàng được UBND huyện Vĩnh Tường, Sở Công thương, Ban Tổ chức hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế AGROVIET 2010 tặng Giấy khen…

Tiếp nối cha ông giữ “lửa”, giữ “âm thanh sống” của làng mộc, từ tấm bé, những người như ông Vàng trong thôn Bích Chu thuộc nằm lòng những câu ca: “Nhà tre Đông Mỗ, nhà gỗ Bích Chu”, “Ngồi ghế Bích Chu chưa ru đã ngủ”. Hơn năm thập kỷ gắn bó với cưa, với đục, vì miếng cơm manh áo, ông Vàng và gia đình phải theo nghề; nhưng cũng chính cái nghề này đã mang lại sự no đủ cho cả gia đình. Ông Vàng bộc bạch: Cái nghề đã chọn khiến ông hiểu và thuộc từng khúc gỗ như lòng bàn tay. Từng chi tiết nhỏ trong mỗi sản phẩm đã bén gót, đi sâu vào tiềm thức, như chất men khiến ông càng yêu và say mê với nghề hơn. Tình yêu với nghề như mạch chảy vô tận trong tâm trí nhắc nhở ông phải luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới để giữ lấy nghề trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.

Hiện nay, nghề mộc của Bích Chu đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng, thiếu vốn sản xuất. Cùng với đó, người dân trong làng luôn phải sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn và bụi chà gỗ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước thực trạng này, ông Vàng và những người dân nơi đây mong các cấp, các ngành chức năng sớm đưa làng nghề mộc ra khỏi khu dân cư; chuyển giao kiến thức, kỹ thuật xử lý bụi, tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm môi trường làng nghề. Đồng thời, được tạo điều kiện vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động...

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm