Cập nhật: 19/03/2017 21:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, làng nghề truyền thống Sơn Đồng (Hoài Đức - Hà Nội) được biết đến là nơi giữ gìn và phát triển những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật điêu khắc của nước ta.

Xã Sơn Đồng có hơn 1.500 hộ dân, hộ nào cũng có ít nhất một người biết chạm khắc gỗ, sơn mài. Cùng với nghề truyền thống là tạc, chạm, khắc và sơn tô tượng để tạo ra những sản phẩm nổi tiếng trong cả nước như tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt; tượng ông Thiện, ông ác, tượng các vị La Hán, kiệu bát cống, Sơn Đồng còn có những đồ thờ sơn son thếp vàng chẳng nơi nào sánh được.

Nguyên liệu người làng Sơn Đồng dùng để làm đồ thờ tự thường là gỗ mít, dổi và gỗ vàng tâm. Những loại gỗ này phải tuân theo đúng quy tắc và chuẩn mực nhất định mới được sử dụng, vì vậy, chất lượng sản phẩm nơi đây luôn được đảm bảo, tuổi thọ luôn lâu hơn những sản phẩm của nơi khác. Riêng gỗ làm tượng phải là gỗ mít: Thân cây mít để tạc tượng, cành nấu xôi, lá cây in oản, không ai dám đem gỗ mít ra để làm giường tủ.

Trong gian xưởng đậm chất tâm linh với  hàng loạt pho tượng lớn nhỏ làm bằng gỗ mít, anh Nguyễn Bá Quý - người đã có 30 năm kinh nghiệm thổi hồn cho gỗ khẳng định: “Làm nghề này không cần “mẫu sinh kề”, vì chúng tôi đã được họa tập từ khi còn “trứng nước”. Mới vào nghề phải lấy đất sét luyện với mùn cưa, giấy bạc luyện cho  dẻo để đắp pho tượng, khi thật nhuần nhuyễn hình  ảnh các pho tượng trong đầu rồi mới được học tạc tượng trên gỗ. Phải am hiểu nhà Phật mới làm được tượng có hồn. Bây giờ tôi có thể làm một pho tượng  không cần ảnh, cứ nghĩ trong đầu rồi làm ra thôi”.

Cũng theo anh Quý - thế hệ trẻ bây giờ học nghề có điều kiện thuận lợi hơn nhưng cũng mất 2 năm để thuần thục tay  đục và mất nhiều năm nữa để ngấm vào mình những hồn cốt của tượng phật. Đồ thờ phải đủ ngũ hành: kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Trong đó, kim là yểm vàng trong tượng, mộc là gỗ, thủy là đánh bằng nước cho đẹp, hỏa là dùng đèn khò trong công đoạn chế tác, trước khi hoàn thiện một pho tượng, nghệ nhân phải dùng đất để trát vào, “phi thổ bất thành tượng” là vậy.

Anh Quý cho biết: “ở đâu không biết chứ riêng Sơn Đồng vẫn lưu giữ nghề tạc tượng thủ công, chỉ như thế mới đưa cái tâm của người thợ vào bức tượng. “Mắt chưa nhìn thấy vật nhưng thần tự tay người mà ra” - một câu khái quát nhưng nói lên cái tâm và cái tài của những nghệ nhân làng Sơn Đồng.

ST

Tệp đính kèm