Xứ Thanh là mảnh đất có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc. Không những thế, ở đây còn có nhiều điểm đến nổi tiếng như Thành nhà Hồ, Sầm Sơn, Bến En, Lam Kinh… Đặc biệt, động Hồ Công với mệnh danh “Hồ Công đệ vị nhất” là sự ưu ái của thiên nhiên dành cho cảnh trí tuyệt mỹ nơi này.
Cửa động Hồ Công. Nguồn: dantri.com
Ai đã từng đặt chân tới xứ Thanh chắc hẳn sẽ không quên được “Thanh Kỳ Khả Ái” (Nghĩa là “Màu xanh kỳ lạ đáng yêu”) của “Tam thập lục động, Hồ Công đệ vị nhất” (Động Hồ Công được người xưa liệt vào 36 động đẹp của nước Nam), gắn liền với lịch sử và khơi gợi nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân.
Động Hồ Công - Chùa Du Anh là quần thể di tích - danh thắng cấp Quốc gia, thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Thành nhà Hồ khoảng 4,5km về phía Đông Nam. Hàng năm, cứ vào 9/1 âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội tại quần thể di tích này. Đây cũng được xem là một trong những lễ hội lớn nhất xứ Thanh.
Chùa Du Anh (hay còn gọi là chùa Thông) tọa lạc dưới chân núi Xuân Đài - dãy núi có thể nói là đẹp nhất trong các núi đá ở Việt Nam, phía trước có núi Trác Phong, hai bên có Nhật hồ và Nguyệt hồ. Tương truyền xưa kia, công chúa Du Anh, con gái của vua Trần Minh Tông về đây tu ẩn nên sau này người dân gọi là chùa Du Anh.
Cổng chùa Du Anh. Nguồn: thanhnhaho.vn
Từ chùa theo lối mòn men theo sườn núi về hướng Đông Nam là động Hồ Công. Giữa không gian mênh mông bạt ngàn màu xanh của đất trời, những tấm đá vuông xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên thành nhiều hình dáng đã mang đến cho động Hồ Công vẻ đẹp kỳ thú. Từ cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm sông Mã như một dải lụa biếc uốn quanh chân núi làng cổ Hồ Nam, Thiên Vực, mây trắng phủ trên đỉnh núi Pù Rinh, Pù Gió xa tít phía tây, núi Tiến Sĩ mang hình dáng nhà nho đang trầm ngâm đọc sách… Tất cả hòa quyện không khác gì một bức tranh thủy mặc đẹp mê hồn.
Ngước lên vòm động, du khách sẽ thấy ba chữ Hán “Hồ Ngọc Động”, nhìn sang vách phải là bốn chữ “Sơn Bất Tại Cao” (đây chính là bút tích của thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du, tức Hồng Anh cư sĩ Nguyễn Nghiễm để lại) dựa vào câu “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh; Giang bất tại thâm, hữu long tất ứng” nghĩa là núi không cao mà có tiên sẽ linh thiêng; sông không sâu mà có rồng sẽ linh nghiệm, ý nói núi ở đây không cao nhưng rất linh thiêng vì là nơi có thần tiên ở chính là hai nhân vật Hồ Công Long và Phí Trường Phòng. Tương truyền xưa kia Hồ Công Long thường đeo trên vai quả bầu nhỏ, ban ngày bán thuốc chữa bệnh, tối đến lại ngủ luôn trong quả bầu. Vị khách lạ Phí Trường Phòng thấy vậy bèn hỏi: “Tại sao quả bầu nhỏ thế mà ông lại vào ngủ được?”. Hồ Công Long cười: “Ngươi có muốn vào thử không?” rồi sau đó hóa phép cho Phí Trường Phòng chui vào trong quả bầu. Thật ngạc nhiên khi thấy trong đó có đủ đất trời, trăng sao, nhà cửa… Biết đây chính là vị đại tiên, Phí Trường Phòng đã quyết tâm theo học và đắc đạo. Hai vị tiên đã ở trong chính động đá này rồi đi vào cõi bất tử để lại hình hài hóa thành hai pho tượng ngày nay.
Khung cảnh bao quát nhìn từ đỉnh núi. Nguồn: vietbao.vn
Chính sự linh thiêng, huyền bí và vẻ đẹp mỹ lệ mà tạo hóa ban tặng cho nơi đây đã khiến vua Lê Thánh Tông thốt lên “Thần quỳ quỷ tạc vạn trùng san” (vẻ đẹp của động Hồ Công như có quỷ thần soi tạc).
Trong động là không gian hư ảo với hàng ngàn khối thạch nhũ rủ xuống, mỗi khối mang một dáng vẻ hình hài khác nhau tạo thành vô vàn kiệt tác như được tạc bằng bàn tay của những nghệ nhân tài hoa. Sách “Đại Nam nhất thống chí” từng mô tả: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng…”. Du khách có thể thoải mái thả hồn mình theo những huyền tích xa xưa.
Không chỉ tự hào vì vẻ đẹp cảnh quan mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng, nơi đây còn ghi lại dấu chân, bút tích của biết bao bậc vua, chúa, quan lại, thi nhân, mặc khách. Trên khắp các vách động, chúng ta dễ dàng tìm thấy những bài thơ bằng chữ Hán của vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, chúa Trịnh Sâm, các danh sĩ Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sĩ…
Cho tới sau này, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, nơi đây cũng là nơi sản xuất và chứa súng đạn, vũ khí, quân lương, thuốc men của quân đội.
Với sự kết hợp hài hòa của tạo hóa, khung cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây mãi là đề tài vô tận của thi ca, cuốn hút tao nhân mặc khách đến chiêm ngưỡng. Bước chân tới chốn này mọi lo toan bộn bề được gác lại, tâm hồn tĩnh lặng hơn khi vừa nghe tiếng chuông Du Anh tự khoan thai, vừa đắm mình vào không gian thiên nhiên thơ mộng của Hồ Công, Xuân Đài.
Sưu tầm