Từ nghề phụ trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, song nghề mây tre đan ở Cao Phong (Sông Lô) hiện nay đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Nghề mây tre đan ở Cao Phong đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Hướng phát triển mới ở làng nghề
Cũng như các làng nghề: Triệu Đề, Văn Quán, nghề mây tre đan ở Cao Phong có từ lâu đời với các sản phẩm truyền thống như thúng, mủng, rổ, rá… Dù đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con trong xã, song nhiều năm về trước, nghề mây tre đan chỉ được coi là nghề phụ lúc nông nhàn, bên cạnh nghề chính vẫn là sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, 10 năm trở lại đây, không chỉ từ nghề phụ trở thành nghề chính, mây tre đan còn góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bộ mặt xã Cao Phong. Được biết, từ sau những chuyến đi mua nguyên liệu, tiếp xúc với nhiều làng nghề mây tre đan trong cả nước, người làm nghề ở Cao Phong đã được tiếp cận với công nghệ sơ chế mây, biết đến các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu. Theo thống kê của Hội làng nghề xã Cao Phong, hiện nay, xã có khoảng gần 1000 hộ tham gia làm mây tre đan, với 2 doanh nghiệp sản xuất mây tre đan xuất khẩu là doanh nghiệp Tiến Đa và doanh nghiệp tư nhân Thịnh Hoàng.
So với cách làm mây tre đan truyền thống, mây tre đan xuất khẩu đang là hướng đi có nhiều triển vọng phát triển. Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, hiện nay trong xã có khoảng 20 hộ làm mây tre đan xuất khẩu. Nói về ưu thế của mây tre đan xuất khẩu, ông Khổng Minh Trong, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thịnh Hoàng cho biết: “Mặc dù sản phẩm mây tre đan xuất khẩu yêu cầu cao về kỹ thuật, độ tinh xảo, song thu nhập mang lại cao hơn so với làm các sản phẩm mây tre đan truyền thống, thị trường xuất khẩu mây tre đan trong mấy năm trở lại đây nhìn chung cũng tương đối thuận lợi”.
Bên cạnh đó, nghề sơ chế mây ở Cao Phong hiện nay được xem là chiếm ưu thế hơn cả, đem lại nguồn thu nhập cao hơn so với các nghề khác. Ông Khổng Trọng Tăng, Hội trưởng hội Làng nghề xã cho biết: “Nghề sơ chế mây bắt đầu có từ năm 2000, người dân trong xã xuống các làng nghề mây tre đan ở Hà Tây cũ nhận khoán sơ chế mây, ban đầu, làm toàn bộ bằng tay (do chưa có máy móc) lãi không đáng kể. Sau đó, theo những chuyến đi mua nguyên liệu ở Thái Bình, người dân trong xã đã đưa máy móc về làm sơ chế. Đến nay, sơ chế mây có thể nói là một thế mạnh của Cao Phong. Hàng ngày, cả xã sản xuất hàng chục tấn mây cây, đan không hết mà phải xuất đi các làng nghề khác trong và ngoài tỉnh”. Ngoài 2 doanh nghiệp Thịnh Hoàng và Tiến Đa, hiện nay trong xã có khoảng 50 hộ làm sơ chế. Anh Khổng Minh Tranh, chủ một xưởng sơ chế mây ở thôn Mới, Cao Phong cho biết: “Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi sơ chế khoảng 3 tạ mây cây, vào những tháng cao điểm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 8 -10 lao động, lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu/năm”.
Chia sẻ về tác động của làng nghề đối với sự phát triển kinh tế của địa phương ông Tăng cho biết: “Từ nghề phụ, mây tre đan đã trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, thu nhập bình quân của một người làm mây tre đan có thể dao động từ 2 – 4 triệu tùy vào từng vị trí công việc. Cụ thể, với hơn 500 hộ làm nghề, đời sống kinh tế của thôn Mới có sự phát triển hơn hẳn các thôn khác, nhiều nhà cao tầng khang trang, không khác gì khu vực trung tâm của xã”. Không chỉ vậy, nghề mây tre đan còn đem lại nguồn thu tương đối ổn định cho nhiều người khuyết tật, già yếu ở trong xã do tính chất công việc không quá nặng nhọc, vất vả.
Khó khăn trong quá trình phát triển
Được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2009, nghề mây tre đan ở Cao Phong ngày càng phát triển, không ít gia đình làm giàu từ nghề. Song hiện nay, người làm nghề ở Cao Phong lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về vốn, đầu vào nguyên vật liệu, đầu ra cho sản phẩm, trang thiết bị, máy móc và hạ tầng…
Ngoài các mặt hàng mây tre đan truyền thống vẫn phải tự tiêu thụ, bán trôi nổi trên thị trường, các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu cũng chịu tác động không nhỏ từ sự thiếu ổn định của thị trường xuất khẩu. Ông Khổng Minh Trong cho biết: “Do tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi sản phẩm mây tre đan xuất khẩu chủ yếu xuất theo đường biển, nên vừa qua chúng tôi nhận được thông tin phải giảm lượng hàng xuống 50%”. Mặt khác, các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu ở Cao Phong chủ yếu xuất qua trung gian, lợi nhuận không cao, trong khi yêu cầu sản phẩm rất khắt khe khiến người dân vẫn chưa thật mặn mà với sản xuất xuất khẩu. Chia sẻ về vấn đề này ông Trong cho biết thêm: “Chúng tôi luôn mong muốn sản phẩm làm ra có thể xuất khẩu trực tiếp mà không phải qua các công ty trung gian, song hiện nay doanh nghiệp còn nhỏ, chưa có tiếng trên thị trường xuất khẩu nên rất khó khăn trong việc tìm đối tác. Thêm nữa, nguồn vốn đề mở rộng sản xuất cũng là một vấn đề nan giải”
Bên cạnh đó, môi trường làng nghề, đặc biệt là trong sơ chế mây cũng đang là một vấn đề đáng báo động. Có mặt tại một cơ sở sơ chế mây, dù đứng cách lô mây đã qua sấy cả chục mét chúng tôi vẫn không khỏi ho sặc sụa, khó thở vì mùi lưu huỳnh. Ông Tăng cho biết: “Trong quá trình sơ chế mây có sử dụng diêm sinh để sấy và hóa chất để tẩy rửa, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, song hiện nay do chưa có vùng quy hoạch riêng nên làng nghề vẫn xen lẫn trong khu dân cư”.
Mặt khác, làng nghề mây tre đan Cao Phong cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động trẻ, tâm huyết với nghề. Bởi giới trẻ hiện nay, không đi học lên cao thì cũng đi làm công nhân, lương cao hơn nên phần lớn không còn mặn mà với nghề truyền thống của địa phương.
Trước những khó khăn của làng nghề, trong chuyến công tác hồi tháng 9/2013 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho Hội nông dân và các sở ngành có liên quan phối hợp với huyện Sông Lô tập trung nghiên cứu tháo gỡ khó khăn để có những chính sách ưu tiên thỏa đáng cho phát triển làng nghề. Tháng 12/2013, Hội nông dân đã ưu tiên hỗ trợ 500 triệu đồng cho xã Cao Phong vay phát triển làng nghề.
Sưu tầm