Ðầu năm, ai cũng muốn cùng người thân hành hương đến các ngôi đình, chùa dâng nén hương thơm lên tổ tiên, thánh thần linh thiêng. Với khu di tích Tây Thiên (Tam Ðảo, Vĩnh Phúc), du khách đến đây như sự trở về, để rồi ở đó, mỗi chúng ta có cảm giác được chở che, bao bọc.
Lễ hội Quốc Mẫu Tây Thiên diễn ra từ ngày mùng 8 tháng Giêng đến ngày 17/2 Âm lịch hàng nãm. Ảnh: Lê Tâm
Tây Thiên đất mẹ
Với các giá trị về lịch sử, tín ngưỡng và cảnh quan thiên phú, khu danh thắng Tây Thiên vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài thắng cảnh hữu tình, Tây Thiên còn được biết đến là điểm khởi đầu của sự giao thoa giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian thông qua đạo thờ Quốc Mẫu.
Sử sách nói về Tây Thiên ghi rõ, đây là miền đất thiêng, nơi giao hòa giữa đạo Mẫu và đạo Phật; nơi đây thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu - Bà là Vương phi của Vua Hùng Vương thứ 7. Bà đã cùng Vua Hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc.
Với những công lao đó Bà được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ chính tại Ðền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Ðể tưởng nhớ công ơn của Bà, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ trên núi Tam Ðảo, nay là đền Thượng Tây Thiên.
Vào ngày 15/2 âm lịch sau Tết Nguyên đán hàng năm (chính giỗ), nhân dân lại tổ chức tưởng nhớ Quốc Mẫu, ngày nay hoạt động này đã trở thành lễ hội Xuân Tây Thiên diễn ra từ ngày mùng 8 tháng Giêng đến ngày 17/2 âm lịch.
Khách thập phương tập trung hành lễ tại đền Thượng - nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.
Bên cạnh đền thờ Quốc Mẫu, Tây Thiên còn có nhiều ngôi đền thờ các vị Mẫu thần nổi tiếng cai quản trời, đất, núi, rừng như: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Ðịa và Mẫu Thượng Ngàn. Ðây là lý do khu danh thắng Tây Thiên luôn được du khách ví như nơi “đến với Phật, về với Mẫu”.
Ông Diệp Xuân Tư, Trưởng Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên phân tích, đến với Phật là đến với thế giới vĩnh hằng, nơi Tây Thiên cực lạc; còn về với Mẫu (đền thờ Quốc Mẫu) là được về trong lòng mẹ, được mẹ chở che, ban cho sức khoẻ, yêu thương, tài lộc.
“Ðây chính là điểm khác biệt và độc đáo giữa Tây Thiên với nhiều khu thờ tín ngưỡng khác khi du khách hành hương đến đó chỉ nói đến chứ không phải là về”, ông tư nêu sự khác biệt.
Hành trình thênh thang…
Có thế mạnh trên các lĩnh vực: xây dựng hạ tầng; đầu tư, phát triển các khu du lịch sinh thái, tâm linh… từ năm 2009, Cty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng (Cty Lạc Hồng) đã tiên phong trong việc đầu tư vào khu di tích Tây Thiên theo chủ trương phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Diệp Xuân Tư cho biết, trước năm 2009 giao thông, đường sá lên Tây Thiên rất khó khăn, cách trở. Ðặc biệt từ cổng Tam quan (cổng chính vào di tích) đến Ðền Thượng (thờ Quốc Mẫu, chùa Tây Thiên) chỉ dài hơn 8 km, nhưng do đường đi bộ đồi dốc, quanh co nên để lên và xuống du khách phải mất hơn nửa ngày.
Trong “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Ðôn cũng mô tả đường đi ở Tây Thiên: “Trên đỉnh núi cao lại có chùa Ðồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày…”.
Tuy nhiên từ năm 2012, khi Cty Lạc Hồng đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống cáp treo trải dài lên tận Ðền Thượng, các trở ngại về đường đi được xóa bỏ. Với loại hình cáp một dây, dài 2,5 km, 50 cabin hoạt động theo phương thức kẹp nhả, mỗi giờ chở được 2.500 người, cáp treo Tây Thiên đi vào hoạt động đã như một cầu nối, giúp việc về với Mẫu của khách thập phương trở nên thuận tiện, gần gũi hơn.
Cùng với hệ thống cáp treo, những năm qua, Cty Lạc Hồng không ngừng đầu tư hạ tầng, phát triển khu danh thắng Tây Thiên cho tương xứng là nơi khởi điểm của đạo Mẫu kết hợp với đạo Phật.
Từ thần thái này, nhiều công trình, di tích do Lạc Hồng đầu tư như: Ðại bảo tháp Mandala Tây Thiên; Khu danh thắng Tây Thiên; Quán nghỉ chân Tây Thiên; hệ thống đường và xe điện đưa du khách tham quan, di chuyển và gần chục công trình hạ tầng khác lần lượt được đưa vào sử dụng, phục vụ.
Trên hành trình “về với Mẫu”, cáp treo giúp du khách thả hồn vào thiên nhiên Tây Thiên.
Trước đó nữa, do thấy được vai trò quan trọng của Tây Thiên trong văn hóa tín ngưỡng nên từ 10 năm trước, thông qua UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Lạc Hồng đã đầu tư nâng cấp các trục giao thông dẫn đến Tam Ðảo trong đó có Tây Thiên như QL2B, Tỉnh lộ 302.
Riêng trục QL2B, sau khi được cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường đô thị vào năm 2009 đã trực tiếp nối thành phố Vĩnh Yên, QL2A với danh thắng Tây Thiên, núi Tam Ðảo. Ðây cũng là yếu tố quyết định, giúp thời gian hành trình Hà Nội - Tây Thiên (70km) từ 2 giờ rút xuống còn hơn 1 giờ như hiện nay .
Hành trình thênh thang, thắng cảnh hữu tình đã giúp cho việc “đến với Phật, về với Mẫu” đầu Xuân của du khách thêm trang trọng, linh thiêng. Cùng với đó, di chuyển trên các phương tiện thân thiện môi trường (xe điện, cáp treo), giúp hành khách được tĩnh tâm, ngắm nhìn cảnh quan Tây Thiên vốn được mệnh danh là lòng chảo của rừng nguyên sinh Tam Ðảo.
Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cho biết, năm 2011 lượng du khách đến với Tây Thiên là 90.000 lượt, năm 2015 (sau khi có cáp treo, giao thông thuận lợi) là 600.000 lượt - tăng hơn gấp 6 lần so với năm 2011.
Sưu tầm