Cập nhật: 24/03/2017 14:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vĩnh Sơn là xã nằm ở gần trung tâm huyện Vĩnh Tường. Diện tích tự nhiên khoảng trên 327,3ha với 1.358 hộ và trên 5.806 nhân khẩu. Nơi đây đã nổi tiếng khắp gần xa bởi nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ con rắn.

Ảnh Nguồn internet

Đến nay, chưa tìm thấy một tài liệu nào nói về sự ra đời và tồn tại của làng nghề rắn Vĩnh Sơn. Theo lưu truyền: Vĩnh Sơn còn có tên gọi cổ là Sơn Tang (hay còn có một tên khác là Hai Nước), nhân dân sống bằng nghề nông là chính. Xưa kia vùng này còn hoang sơ và rậm rạp là nơi loài rắn thường hay trú ngụ. Vào những dịp nông nhàn, thanh niên trai tráng của làng này thường đi tìm bắt rắn hoang, bán cho các nhà giàu ngâm rượu và làm thuốc. Từ việc săn bắt rắn, người dân Vĩnh Sơn đã biết nhốt, nuôi rắn rồi cho sinh sản để làm thịt và chế biến rượu rắn, kinh nghiệm đó được truyền lại từ đời này sang đời khác, rồi trở thành một nghề đặc trưng của đất Vĩnh Sơn.

Năm 1979, xã Vĩnh Sơn đã xây dựng được một trại rắn trung tâm để nuôi rắn sinh sản và chế biến các sản phẩm từ con rắn. Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành, trại rắn đã cho ra đời những sản phẩm nổi tiếng: Rắn sinh sản và rắn thương phẩm, cao rắn, rượu rắn cổ truyền. Tất cả các sản phẩm của làng rắn Vĩnh Sơn không chỉ được đông đảo bà con trong nước mà cả những Việt kiều trên thế giới biết đến và tin tưởng. Sau khi nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn được Nhà nước công nhận một cách hợp pháp. Những người nuôi dưỡng và những thương lái buôn bán rắn được cung cấp một loại “Giấy thông hành”, do vậy thương hiệu rắn Vĩnh Sơn lại càng khẳng định được tên tuổi của mình và thị trường buôn bán sản phẩm này không ngừng được mở rộng. Năm 2006, làng rắn Vĩnh Sơn đã được công nhận làng nghề truyền thống và được Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước. Để duy trì và phát triển làng nghề, năm 2008, Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn được thành lập với mục đích tạo cơ hội cho người chăn nuôi trao đổi những kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, đồng thời thống nhất và duy trì thị trường ổn định các sản phẩm đầu ra của con rắn. Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn được thành lập và là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể số 113742 cho các sản phẩm nọc rắn, rắn ngâm rượu, cao rắn, rắn ngâm rượu mật ong, thịt rắn, thịt rắn đóng hộp, v.v…

Ảnh Nguồn internet

Hiện nay, người dân Vĩnh Sơn vẫn sống chủ yếu dựa vào con rắn. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 850 hộ chăn nuôi rắn (chiếm gần 70% số hộ của toàn xã). Hàng năm, đã xuất ra thị trường hàng chục ngàn rắn con, trên 120 tấn rắn thương phẩm và hàng vạn các sản phẩm từ rắn. Riêng năm 2013, tổng giá trị sản xuất từ chăn nuôi và các dịch vụ khác từ rắn của xã ước đạt 29,4 tỷđồng (chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất từ chăn nuôi của toàn xã). Từ sản xuất chăn nuôi rắn đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của địa phương phát triển ổn định, bền vững với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 18,2% so với năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18,2 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm chỉ còn 5,16%.

Theo ông Nguyễn Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nét chính của người dân Vĩnh Sơn trong việc phát huy nghề chăn nuôi rắn truyền hiện nay đó là số hộ chăn nuôi rắn với quy mô nhỏ giảm, số hộ chăn nuôi rắn với quy mô lớn ngày càng tăng và người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nâng cao hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi như đầu tư vào kho lạnh, nhà ấm, phòng, chữa bệnh cho con rắn, do vậy hiệu quả chăn nuôi của người dân ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, xu thế hiện nay của người dân trong xã là tập trung đầu tư cho việc chăn nuôi rắn sinh sản nhằm cung cấp nguồn rắn giống cho nhân dân trong nước và ngoài nước”.  

Ở Vĩnh Sơn hiện nay, là hầu như nhà nào cũng nuôi rắn hoặc buôn bán, chế biến những sản phẩm từ rắn. Nhà nuôi ít thì vài ba chục con, nhà nhiều thì có cả trang trại với số lượng lên tới 4 đến 5 nghìn con. Một số gia đình đã đầu tư phát triển thành những trang trại lớn, những Hợp tác xã, Công ty chuyên cung cấp tất cả những sản phẩm từ con rắn như: Rắn thương phẩm, rắn giống, trứng rắn, rượu rắn, cao rắn… Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi rắn, ấp rắn bằng công nghiệp của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại rắn Vĩnh Sơn do anh Vũ Mạnh Hùng làm chủ. Với quy mô được đánh giá là khá lớn, hiện nay, Công ty của anh Hùng đang nuôi giữ khoảng trên 4.000 con rắn, thuộc các nhóm rắn quý hiếm là hổ mang và hổ trâu. Hàng năm, Công ty đã cung cấp ra thị trường hàng vạn con rắn giống cho nhiều tỉnh thành trong cả nước; đặc biệt, sản phẩm rắn của Công ty còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mỗi chu kỳ chăn nuôi (khoảng 1 năm) Công ty cho doanh thu khoảng trên 5 tỷ đồng.

Anh Vũ Mạnh Hùng  - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại rắn Vĩnh Sơn chia sẻ: “Trước đây, gia đình anh chăn nuôi rắn bằng mô hình bán công nghiệp theo hình thức mỗi con rắn trên một ô nhốt, thời gian nuôi kéo dài, hiệu quả kinh tế không cao; hơn nữa thức ăn lại chủ yếu ở trong môi trường tự nhiên và ngày càng cạn kiệt, giá thành cao có thời điểm lên tới 70 – 80 nghìn/kg. Trong vài năm gần đây, gia đình đã áp dụng quy trình chăn nuôi theo mô hình công nghiệp của Trung Quốc, vì vậy số lượng nuôi lớn hơn rất  nhiều, nuôi theo hình thức này sẽ duy trì ăn trong suốt quá trình nuôi cả mùa hè và mùa đông; thức ăn chủ yếu gà con, vịt con, giá thành luôn giữ ở mức ổn định, nhờ vậy mà hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Hiện nay, Công ty anh đã giải quyết cho 5 đến 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng”.

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã có chủ trương duy trì phát triển làng rắn, nhân dân trong xã Vĩnh Sơn đã được hỗ trợ vốn trong chăn nuôi rắn, thông qua các hình thức vay ưu đãi. Cùng với đó, nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ do Viện Công nghệ Sinh học, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc chủ trì thực hiện đã đạt kết quả tốt, có khả năng ứng dụng cao vào thực tế nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề nuôi rắn truyền thống. Theo đề án phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Tường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xã Vĩnh Sơn cũng nằm trong vùng quy hoạch xây dựng thành điểm “Làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ”. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để người dân Vĩnh Sơn có thêm cơ hội nhằm quảng bá các sản phẩm, thương hiệu làng nghề rắn của địa phương với khách hàng trong và ngoài nước.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: “Trong những năm tới, xã Vĩnh Sơn xác định  phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, trên cơ sở gắn sản xuất chăn nuôi với du lịch dịch vụ. Hiện nay, xã đã quy hoạch 20,87ha khu chăn nuôi chế biến rắn tập trung bao gồm: Khu chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn;khu dịch vụ du lịch (chợ tham quan, thưởng thức và mua sắm những sản phẩm chế biến từ rắn). Để phát triển làng nghề xã sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề kết hợp với việc cử cán bộ đào tạo, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm của làng nghề; đồng thời tập trung giải phóng mặt bằng làng nghề để có điều kiện thực hiện mục tiêu trên”.

Hiệu quả kinh tế mà con rắn đem lại cho người dân Vĩnh Sơn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Hầu hết, các hộ gia đình đã có điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát; hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh; các công trình phúc lợi trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, nghĩa trang liệt sỹ… được xây dựng khang trang; các gia đình đều quan tâm và đầu tư chocon em ăn học./.

                     

Sưu tầm

Tệp đính kèm