Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Cửa Việt (Quảng Trị).
Những tín hiệu vui
Quảng Trị có bờ biển dài 75 km, ngư trường rộng gần 9.000 km2, trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm, trong đó có nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao có điều kiện để phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Một số điểm gần bờ có mực nước sâu, bờ biển rộng rất thuận lợi cho xây dựng cảng biển, cơ sở công nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền và hình thành các chuỗi đô thị ven biển. Dọc theo biển có nhiều bãi biển đẹp như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy; có đảo Cồn Cỏ với những cảnh quan đẹp, là điều kiện tốt để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch phục vụ khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tiềm năng biển Quảng Trị còn một số loại khoáng sản có giá trị như khí đốt, ti-tan, cát thủy tinh...
Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đưa kinh tế biển trở thành thế mạnh của tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ra Nghị quyết về "Phát triển kinh tế - xã hội miền biển và vùng cát đến năm 2010" và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam" đến năm 2020.
Những năm qua sản lượng khai thác hải sản các loại không ngừng tăng lên, từ 11.454 tấn (năm 2000) đến nay hơn 22.250 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi tăng 119,5%. Diện tích nuôi trồng thủy hải sản không ngừng được mở rộng, tăng bình quân 18,8%/năm; từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung để phát triển chế biến xuất khẩu. Nhờ vậy, giá trị sản xuất thủy sản trong năm qua đạt 333,1 tỷ đồng, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 31 triệu USD, trong đó tôm, cá cam, cá mú, cá hồng được khách hàng ưa chuộng. Ngoài ra, để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, các địa phương đã làm ruốc, nước mắm, sấy mực khô... tiêu thụ trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, từng bước giải quyết việc làm ở địa phương, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 7,6 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi về đầu tư phát triển kinh tế vùng biển, đồng chí Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Trị cho biết, ngoài nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm y tế... các bộ, ngành T.Ư và tỉnh đã có dự án đầu tư cho các xã vùng biển. Trong đó, tỉnh xây dựng được khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng (Vĩnh Linh); cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cồn Cỏ với quy mô lớn, đa dạng, tạo điều kiện cho tàu, thuyền lớn ra vào cảng thuận lợi, trú bão an toàn. Ðặc biệt, ở vùng cát ven biển huyện Triệu Phong và Hải Lăng, người dân đã xây dựng thành công mô hình "Làng sinh thái", cải tạo môi sinh, môi trường vùng cát khô cằn để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình. Ðến nay, 100% số xã vùng biển có điện lưới quốc gia, với tỷ lệ hộ dùng điện đạt hơn 99%.
Về khuyến khích phát triển tiểu, thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn, tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn khuyến công cho bảy dự án tại miền biển và vùng cát trên địa bàn hàng trăm triệu đồng, gồm các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền tại xã Gio Việt (Gio Linh); dệt xăm lưới, sản xuất nước mắm, ruốc bột ở xã Hải An và Hải Khê (Hải Lăng); xây dựng mô hình lò sấy hải sản ở xã Gio Việt...
Hoạt động thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển rộng khắp và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Ðánh thức tiềm năng
Ðồng chí Thái Vĩnh Kháng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang hướng đến một đề án lớn về phát triển kinh tế biển ở đông nam Quảng Trị. Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu Cửa Việt trên địa bàn xã Triệu An (Triệu Phong), có nguồn vốn gần 1.500 tỷ đồng. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ thu hút hơn 4.000 lao động ở địa phương.
Theo các chuyên gia của Viện Dầu khí Việt Nam, tại lô thăm dò 113, cách bờ biển Quảng Trị 100 - 129 km có một mỏ khí đốt trữ lượng khoảng 60-100 tỷ m3 khí chất lượng cao. Với trữ lượng này đủ nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện, cung cấp nhiên liệu cho hai nhà máy điện khí, công suất một nhà máy 750 MW; cung cấp nhiên liệu đốt trong các lò nung, lò hơi cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng (gạch ốp lát, thép, xi-măng), gốm sứ - thủy tinh công nghiệp, vật liệu mới; cung cấp khí dầu hóa lỏng, khí thiên nhiên nén, khí thiên nhiên hóa lỏng, nhiên liệu mới thay thế xăng dầu trong ngành giao thông vận tải, nhu cầu dân sinh (bếp ga, điều hòa nhiệt độ...). Khu vực Ðông - Nam Quảng Trị có nguồn cát trắng silic chất lượng cao. Công ty Sibelco (Bỉ) đang nghiên cứu để xây dựng nhà máy tuyển và nghiền cát silic. Với nguồn cát silic sẵn có cùng với nguồn nhiên liệu khí ngoài khơi được dẫn vào bờ, sẽ rất hấp dẫn cho việc xây dựng nhà máy sản xuất đá ốp lát nhân tạo. Sản phẩm này chủ yếu được đóng theo công-ten-nơ xuất khẩu...
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng công trình Cảng biển Mỹ Thủy trên địa bàn hai xã Hải An và Hải Khê, huyện Hải Lăng, có vốn đầu tư trong giai đoạn 1 là 7.973,075 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, Cảng biển Mỹ Thủy sẽ tạo động lực phát triển kinh tế vùng, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển các cơ sở kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực và các nước nằm trên tuyến hành lang kinh tế Ðông - Tây. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp trong các ngành dịch vụ hàng hải, du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững an ninh - quốc phòng trên địa bàn...
Tạo sự đồng bộ bằng cách nào?
Trước hết, tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các cụm kinh tế, văn hóa - xã hội vùng biển và vùng cát; phát triển ngành nghề, dịch vụ, du lịch gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao dân trí, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; gắn phát triển kinh tế với củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân...
Sau là, có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để đánh bắt xa bờ, trung bờ nhưng bảo đảm phát triển bền vững trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế dịch vụ tổng hợp và công nghiệp tại Cửa Tùng và Cửa Việt. Tiếp tục đẩy mạnh các dự án cải tạo vùng cát trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng kinh tế vùng sinh thái có cơ cấu sản xuất kết hợp nông - lâm nghiệp hợp lý, hiệu quả. Nhân rộng và xây dựng các làng sinh thái, gắn giãn dân ra vùng cát với các chương trình, dự án phát triển sản xuất, ngành nghề để các làng sinh thái trở thành các cụm dân cư ổn định, đời sống không ngừng được nâng cao.
Sau nữa là, tiếp tục đầu tư và đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến du lịch ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, đảo Cồn Cỏ. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với việc tôn tạo, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và các giá trị văn hóa phi vật thể, hình thành các khu du lịch sinh thái. Phát triển du lịch, nghỉ dưỡng ven biển và đảo Cồn Cỏ nhằm thu hút khách nội địa và các nước trong khu vực...
Phát huy được tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển tỉnh Quảng Trị không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HAI
Theo nhandan.com.vn