Về thăm làng Tảo Phú, xã Tam Hồng (Yên Lạc) trên con đường bê tông thẳng tắp. Hình ảnh những người dân nơi đây miệt mài với công việc kéo tơ, đan chạc giờ đây ngày càng mai một.
Nghề làm chạc thừng đã có ở làng Tảo Phú, xã Tam Hồng (Yên Lạc) gần 20 năm. Trước đây, thôn Tảo Phú chủ yếu phát triển nghề đan lát, nhưng sau đó, hàng hóa không bán được nên người dân chuyển dần sang nghề làm chạc, thừng. Trò chuyện với ông Chu Văn Học, trưởng thôn Tảo Phú, tôi được biết: “Nghề đan thừng, chạc phát triển sau nghề đan lát, nhưng số người theo nghề khá lớn. Hiện nay có khoảng 50 – 60% dân trong làng làm nghề đan chạc thừng. Nghề này tuy thu nhập không cao, nhưng duy trì lâu dài và tạo ra việc làm cho bà con”. Đi sâu vào bên trong làng, cứ cách một đoạn chúng tôi lại gặp một vài người đan chạc, thừng. Những cuộn tơ nhiều màu sắc được xếp chồng chất ngoài đường chờ máy chạy. Để làm được những mét dây chạc đẹp, khỏe cần ít nhất 3 người và một máy kéo, một người điều khiển máy, một người kéo dây tơ chạy và người còn lại phải giữ dây tơ ở cuối. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng nếu không khéo léo, thao tác không nhanh, dứt khoát thì rất dễ bị rối và hỏng đoạn chạc.Trong khoảng thời gian chưa đầy 5 phút hoàn thành một đoạn chạc dài 70m. Cô Nguyễn Thị Thanh, vừa cuốn đoạn chạc làm xong cho biết: “Tôi làm chạc đã được 10 năm nay rồi, nghề này vất vả lắm. Người ngoài nhìn thấy rất đơn giản nhưng khi bắt tay vào thực sự mới thấu hiểu. Cứ phải chạy một đoạn rất dài để cho các sợi gắn kết vào nhau. Giờ đã quen nên đỡ hơn. Hồi mới đi làm chạy được lúc là ngồi thừ ra vì mệt”. Chạc sau khi làm xong được bán ở rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, có khi khách hàng mua vào cả miền Trung, miền Nam. Họ về đây mua cả ô tô đầy rồi chở đi, giá trung bình vào khoảng 2.000 đồng/kg. Một cuốn chạc dài 70m nặng 3 – 4kg. Chạc thường được dùng để buộc hàng hóa hay cột nguyên vật liệu và có rất nhiều ngành nghề cần dùng như: Xây dựng, sản xuất, chăn nuôi, buôn bán… Vậy mà giá thành của nó lại rất rẻ, lợi nhuận mang lại rất thấp. Cô Chu Thị Lê tâm sự: “Sau khi trừ hết các khoản chi phí thì 1kg chạc chỉ lãi được 500 đồng, không đáng là bao so với công sức chúng tôi bỏ ra. Nếu tính ra không bằng đi buôn bán ngoài chợ, nhưng vì nghề lâu năm của gia đình và sản phẩm tiêu thụ cũng nhanh nên tôi vẫn cố làm”. Mỗi một ngày cơ sở của cô Lê sản xuất được khoảng 170 – 200kg chạc. Với 2 nhân công, cô phải bỏ ra 200 nghìn đồng/ngày để trả công cho họ, rồi còn tiền điện, tiền tơ sợi. Cô Lê cho biết thêm: “Tôi cũng không biết có thể gắn bó lâu dài với nghề này hay không, còn nếu cứ tình trạng này chắc phải chuyển sang nghề khác. Làm thì vất, công cán chả đủ nuôi các con”. Trước đây, nghề làm chạc thừng cũng đã từng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần giải quyết việc làm, ổn định xã hội. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều cơ sở mọc lên, cạnh tranh với giá thành thấp, phục vụ tận nơi nên nghề làm chạc của Tảo Phú gặp nhiều khó khăn. Để tồn tại và duy trì nghề này người dân Tảo Phú buộc phải hạ giá thành sản phẩm. Điều đó đồng nghĩa với chất lượng của chạc cũng giảm sút theo. Chị Đào Thị An, chủ một cơ sở sản xuất chạc cho biết: “Cách đây vài năm nguyên liệu tơ sợi chúng tôi dùng làm chạc đều là tơ sợi tốt, cùng với đó là giá thành cũng hơi cao. Sau đó các nơi khác cạnh tranh dùng tơ kém chất lượng để hạ giá thành sản phẩm, hàng hóa của chúng tôi ế đọng. Để đứng vững chúng tôi đành phải nhập các loại tơ có chất lượng kém hơn một chút và hạ giá thành. Thương hiệu chạc Tảo Phú của chúng tôi không biết còn giữ được đến bao giờ, nếu sự cạnh tranh không lành mạnh như thế này”. Khi cơ chế thị trường xâm nhập và tác động mạnh mẽ thì tất cả các làng nghề truyền thống đều đứng trước nguy cơ mai một dần và nghề làm chạc cũng vậy. Ông Nguyễn Hải Ban, nguyên Bí Thư chi bộ thôn Tảo Phú cho biết: “Cũng rất muốn giữ được nghề, nhưng do cơ chế thị trường nên chúng tôi cũng không thể ép người dân phải giữ nghề. Bởi nếu như nghề không mang lại hiệu quả kinh tế cho họ thì đành chấp nhận thay nghề chạc bằng nghề khác, cũng giống như nghề đan lát bị thất truyền đó thôi”.
Thực tế, hiện nay nghề làm chạc Tảo Phú đang mai một. Cái nghề đã gắn bó lâu dài không ai trong chúng ta muốn cái tên “chạc Tảo Phú” dần chìm vào quên lãng. Vì thế, trong thời gian tới, làng nghề làm chạc Tảo Phú rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương nhằm giữ nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Sưu tầm