Vào dịp cuối năm cũ gối đầu sang năm mới, Tây Nguyên ngập mùa lễ hội, phải căn ke thời gian mới “kham” hết các chương mục đặc sản, tưng bừng giữa đại ngàn hùng vĩ. Buôn Đôn chỉ là một trong số những điểm đến nhưng chỉ một lần đã nhớ.
Là một làng ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cách TP. Buôn Ma Thuột - thủ phủ tỉnh Đắk Lắk chừng bốn chục cây số theo hướng tỉnh lộ số 1 về phía Tây Bắc, giáp biên với Lào, Campuchia, Buôn Đôn hội tụ sắc thái văn hóa độc đáo, đa dạng của Tây Nguyên. Buôn Đôn là cách gọi của người Êđê và Bản Đôn là theo người Lào. Buôn, bản đều có nghĩa làng, Đôn là đảo - nghĩa là làng đảo - ngôi làng nằm ở giữa con thác 7 nhánh. Mùa mưa thác lũ ào ào, mênh mông dòng chảy, đến mùa khô mới nhô lên những cồn đảo, với búa sua các loài thiên thảo nhưng nổi bật là si. Rừng si cổ thụ chằng chịt rễ cành, làm tay vịn qua gập ghềnh suối đá, thành võng ru hời ngơi nghỉ bước chân.
Trước đây, nói tới Buôn Đôn là nói tới cả một vùng bạt ngàn, chạy dài theo dòng sông Sêrêpốk quanh năm nước như chảy ngược. Trai, gái, trẻ, già từ bao đời say sưa với những vũ điệu dân gian trong lễ hội mùa màng, săn bắt muông thú và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng.
Bây giờ, Buôn Đôn là đặc sản du lịch của Đắk Lắk cũng là của Tây Nguyên mà có lẽ đầu vị là môn cưỡi voi. Từng nghe bọn trẻ nghêu ngao “Chú voi con ở Bản Đôn/Không có sừng nên còn trẻ con…”, nhưng tận mắt thì ngỡ ngàng. Con nào con nấy vạm vỡ, chắc nịch “vết chân voi”, nhưng chỉ hé đôi sừng, nên dường như vẫn vương lại tính nết con trẻ. Vừa thấy người cầm đon mía chưa kịp nhử, sợ mất phần nó thoắt quăng vòi xoắn chắc, bẻ gập, vo gọn, đút vào mồm rau ráu ngấu nghiến nhai, nuốt chửng, hả hê giương mắt, tung vòi nháo nhâng, vòi vĩnh. Chỉ với 200 nghìn, 2 người lớn và 1 trẻ em đã được trải nghiệm sự nghễu nghện trên thớt lưng voi chặng đường 400m. Từ cổng vào đảo Ây Nô, cưỡi voi còn được trải nghiệm mấy chặng cầu treo lắc lẻo bập bềnh… với ai đi thường đã lẩy bẩy hay mắc chứng tiền đình thì đừng có ham thử cảm giác, đứng đã chòng chành, vịn hai thành cầu cũng chóng mặt. Nói vậy thôi, chứ thực ra cũng yên tâm, dây chằng bện kỹ càng hai bên thành cầu bảo hiểm lại còn được hướng dẫn kỹ càng.
Nói đến phần ảnh thì thôi rồi, du khách tha hồ thỏa sức, điện thoại thông minh, Ipad hết công suất, từ nhờ người bấm máy, đến chụp “tự sướng”, “pô” trên cầu treo, kiểu chớp nhanh cảnh vắt vẻo trên võng rễ sì già, video quay cảnh ngật ngưỡng cưỡi voi, chụp, quay xong xúm xít xem lại, ai nấy cười nắc nẻ.
Hết tour, ghé vào dãy nhà sàn, sụp quanh bàn thấp tè, thưởng thức đặc sản Bản Đôn với giá cả dễ chịu. Nào là gà Bản Đôn nướng sẹm vàng trên dàn than lửa phừng phừng, chặt ra đĩa vẫn nóng, thơm nựng; cá lăng đuôi đỏ, cá mõm trâu, cá sọc dưa, cá leo của sông Sêrêpok chiên, kho tộ, nấu canh chua. Rau rừng gợi nhớ một thời chiến trận, luộc chấm mắm quẹt (thứ nước chấm hỗn hợp làm từ nước mắn, tôm khô, thịt ba chỉ thái nhỏ, tiêu, ớt, đường kho sền sệt). Chấm không nhúng cả đũa rau như “truyền thống” mà chỉ “quẹt” qua mặt bát mắm, có lẽ vậy nên gọi là “mắm quẹt”. Nhưng có chỗ gọi là “kho quẹt” thì ra phải “kho” khi ăn thì “quẹt”. Thoáng nghe “kho quẹt”, không rành giọng trong này cứ ngỡ là độc ngữ bản địa.
Thảnh thơi hóng gió ngàn giữa nhà sàn, bên suối đùng đục dòng nước mới sa nửa vời, nhâm nhi ẩm thực Tây Nguyên, vẳng nghe bản hòa âm “3 trong 1” tiếng chim ca, ngàn lời hòa quyện những bài hát về Tây Nguyên qua những chất giọng cũng rất Tây Nguyên thơm thảo như ly cà phê Ban Mê.
Trên đường về TP. Buôn Ma Thuột, du khách còn được dừng xem khu nhà mồ; qua nhà lưu niệm rồi mộ Vua săn voi mới biết ở Buôn Ma Thuột có thang thuốc cổ truyền bào chế từ thảo dược rừng xanh lấy tên Vua làm thương hiệu là “Amakông”. Trao thang thuốc Amakông cho khách, cô bán hàng cười duyên ý nhị phải thêm chuối rừng mới… “thập toàn đại bổ”. Câu nói ấy và màu bụi đỏ từ đất bazan cùng nắng gió Tây Nguyên như còn in mãi trong lòng du khách.
Sưu tầm
>