Cập nhật: 27/04/2017 14:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các trường hợp chấn thương cột sống ngực-thắt lưng, bệnh lý trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm… nếu được ứng dụng định vị robot hỗ trợ trong phẫu thuật sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như: Ít xâm lấn, vết mổ nhỏ, ít chảy máu, hạn chế nhiễm trùng, thời gian nằm viện ngắn, hồi phục sức khoẻ nhanh...

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch (thứ hai từ trái sang) và các thầy thuốc của Khoa Phẫu thuật cột sống, cùng các bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng robot. Ảnh: VGP/Thúy Hà 

Phẫu thuật các bệnh về cột sống bằng robot đã được Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức thực hiện đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2012 và đến nay đã có hơn 600 bệnh nhân được áp dụng phương pháp này. Điều đáng nói là không ghi nhận một biến chứng nào từ bệnh nhân, dù đây là một kỹ thuật mới.

PGS. TS. Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực cột sống, robot được áp dụng trong các can thiệp lối sau, đặc biệt trong phẫu thuật ít xâm lấn đem lại ưu thế vượt trội. Trong suốt quá trình phẫu thuật, hệ thống robot giúp bác sĩ phẫu thuật định vị vị trí theo kế hoạch đã vạch sẵn với độ chính xác cao nhất. 

Trên thế giới, ứng dụng robot hỗ trợ phẫu thuật cũng đã được triển khai trong những năm gần đây và ngày càng được hoàn thiện hơn về công nghệ, kỹ thuật. Robot nâng cao độ chính xác của phẫu thuật, giảm tối đa nguy cơ phơi nhiễm tia X của phẫu thuật viên và người bệnh. 

Hiện nay có 4 hệ thống robot nổi bật đang được ứng dụng trong y học hiện đại, đó là robot phẫu thuật nội soi Da Vinci, robot phẫu thuật cột sống Renaissance, robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và robot phẫu thuật thần kinh Rosa.

Qua 5 năm triển khai, Khoa Phẫu thuật cột sống BV Hữu nghị Việt Đức đã trở thành trung tâm phẫu thuật cột sống ứng dụng định vị robot phẫu thuật cột sống Renaissance cho người bệnh đầu tiên và nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 2 khu vực châu Á.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cũng chia sẻ, những ca đầu tiên phẫu thuật bằng robot kéo dài tới gần 10 giờ đồng hồ. Nhưng hiện nay, thời gian phẫu thuật đặt vít trung bình là 1,5 giờ với bệnh nhân chấn thương cột sống và 3 giờ với bệnh nhân trượt đốt sống, bao gồm cả ghép xương liên thân đốt.

Trước đây đã có nhiều ứng dụng hỗ trợ trong quá trình mổ như hệ thống định vị Navigation, máy O-arm, cộng hưởng từ trong mổ… nhưng tỉ lệ bắt vít qua cuống sai vị trí còn cao, tới 10-25% trong phẫu thuật chỉnh vẹo và khoảng 4,2% ở bệnh nhân thoái hoá. Tuy nhiên, với việc ứng dụng robot Renaissance trong phẫu thuật các trường hợp chấn thương cột sống ngực-thắt lưng, bệnh lý trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm, chỉnh vẹo cột sống ngực-thắt lưng lối sau đã khắc phục được tỉ lệ sai số vì độ chính xác và an toàn khi bắt vít qua cuống cột sống.

Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam cho biết thêm, phơi nhiễm tia X cho phẫu thuật viên và bệnh nhân trong khi phẫu thuật là một vấn đề lớn khi thao tác bắt vít qua cuống. Mức phơi nhiễm nhiều hay ít phụ thuộc kinh nghiệm của riêng phẫu thuật viên và phụ thuộc bệnh lý phẫu thuật.

Nhưng hiện nay, dưới sự định vị robot hỗ trợ chính xác Renaissance, mức phơi nhiễm tia X đã giảm đến 98,2% so với phẫu thuật bắt vít kinh điển. Điều này giúp giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh ung thư của phẫu thuật viên và người bệnh.

Đánh giá cao các thành tựu của việc đi đầu trong ứng dụng thành công robot vào phẫu thuật cột sống của Việt Nam, Tổ chức Nghiên cứu và ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống quốc tế đã tặng Khoa Phẫu thuật cột sống BV Việt Đức và PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch Kỷ niệm chương “Vì sự tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng robot hỗ trợ chính xác Renaissance để điều trị cho người bệnh”.

 

 

Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm