Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CN 4.0) là giải pháp tốt nhất cho bài toán rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng sản phẩm. Việt Nam ở đâu khi cuộc đua 4.0 trên thế giới đã thực sự bắt đầu?
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam từ CN 4.0
Theo OECD, CN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất nhằm tiết giảm chi phí. Trong đó, 3 công nghệ nền tảng là dữ liệu đám mây lớn, điện toán đám mây, kết nối internet vạn vật và không dây.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, nhà nghiên cứu lâu năm về kinh tế và khoa học hệ thống tin rằng, cùng với CN 4.0, có thể thấy GDP tạo ra trên không gian mạng sẽ ngày càng lớn. Ranh giới giữa công nghiệp sản xuất và dịch vụ thu hẹp dần, vai trò của robot ngày càng cao, biên giới giữa các quốc gia cũng mờ đi. Thành phố thông minh với các thành tố điều khiển học, điện toán, internet, robot sẽ dần chiếm ưu thế.
“Lợi nhuận từ các ý tưởng sáng tạo sẽ là động lực chính tạo nên giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, dòng chảy chất xám và tạo đà phát triển cho công nghiệp, dịch vụ”, ông Thành chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thách thức khó tránh khỏi từ cuộc CN 4.0 là xu hướng bảo hộ của các nền kinh tế có thể sẽ gia tăng, mất việc làm và thất nghiệp có thể là các thách thức lớn. Nhiều ngành nghề cũng sẽ gặp cạnh tranh khốc liệt. Những cuộc tấn công mạng cũng có thể gây ra tổn thương toàn hệ thống, thay vì chỉ ảnh hưởng cục bộ như trước đây.
Trong khi đó, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng cạnh tranh thấp, cơ sở hạ tầng lạc hậu. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa được như kỳ vọng, nguồn vốn cho đầu tư thiếu thốn, nên dễ dẫn đến bị tụt hậu nhanh hơn và xa hơn.
“Việt Nam không nằm ngoài tác động của làn sóng công nghệ này. Các đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc về công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do làm giảm mạnh lợi thế về lao động giá rẻ”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định.
Hành trang cho cuộc đua
Nói như thế không có nghĩa là những “vận động viên” có xuất phát điểm chậm hơn sẽ về đích sau cùng.
Theo PGS.TS. Tạ Cao Minh (Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội), Việt Nam tuy là quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 2.200 USD (theo đánh giá của Standard & Poors), nhưng đã tham gia khá sâu và rộng trong lĩnh vực internet - truyền thông.
Số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay tính đến hết năm 2015, tỉ lệ người dùng internet tại Việt Nam đã đạt 52% dân số. Việt Nam hiện cũng xếp thứ 4 thế giới về thời gian sử dụng internet với 5,2 giờ mỗi ngày; đứng thứ 22 thế giới về tỉ lệ người dùng mạng xã hội (thống kê của Wearesocial.net).
Ngoài ra, hiện 55% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động. Với một chiếc điện thoại kết nối internet, người dùng giờ đây đã được “phục vụ tận răng” mọi nhu cầu về thông tin-truyền thông đối với công việc và cuộc sống. Đây chính là những cơ sở bước đầu để Việt Nam tham gia vào cuộc CN 4.0.
Công nghệ in 3D phát triển mạnh mẽ ở rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam
Cỗ máy CN 4.0 đã khởi động tại Việt Nam
Có thể thấy, dù có xuất phát điểm chậm hơn trong cuộc đua này nhưng Việt Nam đã thực sự nhập cuộc. Trong đó, 2 lĩnh vực được nhắc đến trong CN 4.0 thuộc về y học là cấy ghép và in 3D, Việt Nam đã có những thành tựu nhất định.
Hiện in 3D đã được ứng dụng tại Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, mỹ thuật, y học, đến kiến trúc, xây dựng. Một trong những thành tựu nổi bật nhất là vào năm 2016, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã in thành công một mảnh sọ nhân tạo bằng methyl methacrylate để vá sọ cho một bệnh nhân. Tương tự, CN 4.0 đã giúp y học Việt Nam tiến thêm một bước trong ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư.
Riêng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), một trong những “đặc sản” chủ yếu của CN 4.0, cũng đã có những sản phẩm AI “Made in Vietnam” đầu tiên.
Ví dụ điển hình nhất là “Hệ thống săn dữ liệu mạng xã hội” của tác giả Lê Công Thành và các cộng sự đến từ Topica AI Labs. Hiện hệ thống AI này đang được nhiều ngân hàng, Tổng cục Du lịch và giới doanh nghiệp sử dụng để định vị thương hiệu.
Một dự án AI khá thú vị khác của TS. Nguyễn Tuấn Đức và cộng sự tại Alt Việt Nam nhằm phát triển một hệ thống chatbots thay thế con người đảm trách một số nhiệm vụ văn phòng như trả lời điện thoại, email hay đặt lịch làm việc...
Thực tế, về mặt chính sách, để tiếp cận với làn sóng công nghệ mới này, Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong từng lĩnh vực liên quan đã có những định hướng như: Chiến lược phát triển công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ 2011-2022 với các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy-tự động hóa…
Theo Phương Hiền /Chinhphu.vn