Thị trấn Tam Ðảo rộng hơn 300ha, nằm gọn trong một thung lũng nhỏ của dãy Tam Ðảo, đồng thời cũng là một trong những vườn quốc gia lớn nhất miền Bắc. Khí hậu ở đây rất độc đáo, bốn mùa trong một ngày.
Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá của đông. Thị trấn bé xíu, xinh xắn với những con đường lên xuống ngoằn ngoèo, quanh co nho nhỏ, một dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa. Ngoài vẻ đẹp quyến rũ mà thiên nhiên ban tặng, điểm du lịch khám phá Tam Đảo có hệ thống di tích lịch sử văn hoá và các lễ hội truyền thống nằm phân bổ ở hầu khắp các địa phương trong huyện, hàng năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến du lịch thăm quan lễ hội, vãn cảnh. Các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội đền Chân Suối (ngày 15 tháng Giêng), hội vật làng Hà (ngày mùng 7-1 âm lịch), Lễ Hội Tây Thiên (ngày 15-2 âm lịch), đại lễ Phật Đản và lễ Vu Lan báo hiếu của Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, lễ hội đình Bồ Lý, lễ hội đền thờ Đức Thánh Trần (thị trấn Tam Đảo), ngày 20-8 âm lịch v.v…
Tam Đảo mùa lễ hội
Lễ hội tiêu biểu nhất, kéo dài và thu hút đông người nhất là Lễ hội Tây Thiên, nơi thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, vợ Vua Hùng thứ 6, người có công giúp Vua Hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu dân, giúp nước. Lễ hội Tây Thiên diễn ra trên địa bàn xã Đại Đình và Tam Quan, huyện Tam Đảo. Tây Thiên là quần thể di tích tín ngưỡng tôn giáo, với diện tích 15km2. Số lượng di tích của quần thể này rất phong phú, bắt đầu từ đền Cả (Tam Quan), đền Mẫu sinh, Mẫu hoá, đền Ngò đến đền Thõng dưới chân núi Tam Đảo. Đền Thõng là khu vực chính tổ chức lễ hội, cùng với chùa Thiên Ân và cây đa chín cội là không gian tuyệt vời cho tổ chức lễ hội. Đây là điểm du khách dừng chân để bắt đầu chèo đèo, lội suối lên đền Thượng. Đường lên Tây Thiên chỗ thì qua suối, chỗ men theo núi, dọc tuyến đường 5km đến đền Thượng gặp đền Cậu, đền Cô, suối Giải oan (hay còn gọi là Bát nhã). Tại đây du khách thực sự bị hấp dẫn bởi dòng thác trắng xoá mà người xưa gọi là suối vàng. Tiếp đến là khe Trường sinh, bia đá, chùa Phù Nghì, chòi Ông Nhất (một cơ sở bí mật của Đảng cộng sản Đông Dương thời kháng chiến). Lên cao hơn nữa, gối mỏi, chân chồn nhưng không ai muốn bỏ cuộc bởi càng lên cao, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, trời mây càng đẹp, càng thơ mộng, càng thâm cung tĩnh mịch.
Đặc biệt các địa danh như: Rừng ma, Ao dứa, đá bàn cờ, chùa Đồng cổ, chợ Giời... là những địa danh du lịch hấp dẫn trong nước, gợi chí tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá của bất kỳ du khách nào. Trong số đó có những di tích như: am lưỡng Phong, am Song Tuyền, thang Bộ Vân, cầu Đái Tuyết… hiện nay chỉ còn lại trong sử sách của nhà bác học Lê Quý Đôn mà chưa tìm thấy địa điểm cụ thể, và bao nhiêu nữa mà chúng ta chưa biết do thời gian và cây rừng che phủ.
Lễ hội Tây Thiên hàng năm được tổ chức trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 15-2 (âm lịch) là ngày chính lễ. Chuẩn bị đến ngày tổ chức lễ hội, nhân dân trong vùng tổ chức làm lễ cáo tại đền Thượng, tổ chức luyện tập các đoàn tế, đoàn rước, đoàn nhạc bát âm. Ngày chính hội thì lễ rước kiệu bắt đầu lúc 7 giờ, từ đến Mẫu sinh đến đền Thõng thì hội kiệu và tiến hành lễ dâng hương tại sân đền Thõng dưới gốc đa. Trong lễ hội có các hoạt động biểu diễn văn nghệ của các đoàn nghệ thuật và hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu; tổ chức các môn thi đấu thể thao như vật, cờ tướng, kéo co, chọi gà, bóng chuyền, có năm tổ chức hội chợ trong lễ hội, làm tăng sự phong phú, hấp dẫn và náo nhiệt.
Từ mùng 1 tháng Giêng (lúc giao thừa) thì hàng đoàn người, đoàn xe từ khắp các ngả đường hối hả kéo nhau về đến cửa Đền Thõng làm lễ cầu may cho một năm mới an lành, tốt tươi. Và suốt như vậy cho đến ngày chính hội thì lượng du khách đến càng đông, tiếp tục rải rác những tháng tiếp theo cho đến mùa hè. Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên cũng là điểm thăm quan vãn cảnh lý tưởng cho du khách trong mùa lễ hội. Thiền viện tổ chức hai lễ hội chính trong năm là Đại lễ Phật Đản ngày 15-4 (âm lịch) và lễ Vu lan ngày 15-7 (âm lịch). Nhưng suốt các tháng trong năm, nhất là tháng Giêng, tháng 2, lúc nào Thiền Viện cũng đón tiếp một lượng tín đồ, phật tử và du khách đến làm lễ, thăm quan, vãn cảnh rất đông, trung bình 600 lượt /ngày.
Hội đầu năm phải kể đến là hội vật làng Hà, đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của cư dân vùng ven chân núi Tam Đảo, vốn là dân thượng võ, từ xa xưa đã có những lò vật nổi tiếng, với những đô vật lừng danh. Vùng Tam Đảo có nhiều hội vật khác trong vùng đều hẹn nhau về đây tranh tài cao thấp, ai đoạt chức vô địch ở làng Hà mới đáng mặt anh hùng. Hội vật làng Hà được tổ chức hàng năm vào mùng 7 tết. Từ sáng sớm, sau khi các bô lão làm lễ đình xong, tiếng trống trận nổi lên gọi đám đông về tụ tập. Trên bãi cỏ trước sân đình từng cặp đô vật ra múa chào dân làng (nghi thức trình làng). Trước khi vào cuộc, các đô vật còn phải “se đài” hay “múa hạc”, đây là hình thức khởi động cơ thể, tạo không khí vui vẻ, mang phong cách biểu diễn nghệ thuật. Hội vật làng Hà theo lề lối tự do, với cách thức giữ giải nên bất kỳ ai dù lớn, bé, già, trẻ đều có thể vào tranh giải, đến khi không có đối thủ thì đô vật đó thắng cuộc. Với cách thách đấu như vậy, hội vật làng Hà bao giờ cũng chỉ mở ra một ngày mà vẫn thành công, cuối ngày đều tìm được chủ nhân của chức vô địch để trao giải.
Ngay dưới chân núi Tam Đảo là lễ hội đền Chân Suối (xã Hồ Sơn), thờ thần mẫu của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, đền được UBND tỉnh xếp hạng di tích văn hoá lịch sử năm 1991. Hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng, trong hội có các trò như: vật dân tộc, chọi gà, cờ tướng, kéo co… Hàng năm đền Chân Suối đón tiếp một lượng lớn du khách về hành hương, vãn cảnh, bởi ngoài việc thắp hương tưởng nhớ công lao của Mẫu thân Quốc mẫu thì đền còn năm ở vị trí rất thuận lợi gần Vườn quốc gia Tam Đ ảo, hồ Xạ Hương, sân golf. Sau khi du xuân lễ hội đền Chân Suối, du khách có thể đến thăm quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp của các địa danh này.
Ngoài ra du khách khi đến Tam Đảo còn được tham dự hội làng của hầu hết các địa phương mang đậm bản sắc văn hoá của cư dân vùng chân núi Tam Đảo. Bên cạnh đó, du khách cũng được thưởng thức các món ăn đã trở thành đặc trưng, đặc sản mà chỉ ở Tam Đảo mới có như: bánh trứng kiến, bánh chưng gù, xôi đen, xôi ngũ sắc, rượu chít, rau su su và tham gia các trò vui chơi, giải trí, như: du thuyền trên hồ Xạ Hương, tham gia chơi gôn, đi dạo và thăm quan Vườn quốc gia Tam Đảo.
Khi du khách đặt chân đến vùng đất hấp dẫn Tam Đảo, các bạn sẽ không muốn đi đến bất cứ địa điểm du lịch nào khác. Hãy cùng công ty du lịch uy tín Khát Vọng Việt đến và cùng cảm nhận không khí lễ hội và vẻ đẹp nơi đây.
Sưu tầm