Cập nhật: 02/06/2017 14:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong tháng 6, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng khoảng một đến hai đợt nắng nóng. Nắng nóng có khả năng xảy ra tập trung ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Theo đó, 10 ngày đầu tháng, nhiệt độ trung bình ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến cao hơn so trung bình nhiều năm. Các khu vực khác ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Lượng mưa trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng Nam Bộ ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm.

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, nắng nóng đã diễn ra trên diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến khoảng 35 đến 38oC. Dự báo, từ nay đến ngày 5-6, vùng áp thấp nóng phía tây tiếp tục mở rộng về phía đông nam kết hợp hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh cho nên nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra ở Bắc Bộ và các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37 đến 39oC, có nơi hơn 40oC. Từ ngày 6-6 nắng nóng sẽ dịu dần.

* Sáng 1-6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai 18 tỉnh thuộc khu vực miền núi từ Hà Tĩnh trở ra. Trong năm 2016, khu vực miền núi từ Hà Tĩnh trở ra đã chịu ảnh hưởng và bị thiệt hại của 24 đợt rét đậm, rét hại, bốn trận bão và mưa lũ, dông lốc, mưa đá. Thiên tai trên địa bàn 18 tỉnh đã làm 109 người chết và mất tích; 937 nhà bị đổ, sập, trôi, 44.222 nhà bị ngập, hư hại; hơn 134 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 164 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 56.128 m kênh mương, hơn 1 triệu m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở, hư hại. Tổng thiệt hại vật chất ước tính hơn 5.800 tỷ đồng.

* TP Hồ Chí Minh di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở: Ngày 1-6, Khu quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố khẩn trương di dời các hộ, trước hết là ba hộ dân nằm trong khu vực sạt lở nghiêm trọng tại phía bờ phải sông Rạch Tôm, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (xảy ra ngày 30-5) ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, về lâu dài cần có kế hoạch xây dựng kè kiên cố tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Trước mắt, huyện Nhà Bè cần làm ngay rào chắn, đồng thời bố trí lực lượng trực gác 24/24 giờ tại vị trí có nguy cơ sạt lở, sau đó ổn định đời sống, sinh hoạt của các hộ này. Ngày 1-6, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và huyện Nhà Bè tiến hành di dời khẩn cấp bốn hộ dân còn lại ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng. Đồng thời, yêu cầu hai đơn vị này khẩn trương tiến hành khảo sát, lên phương án và khắc phục sự cố nêu trên trong vòng năm ngày tới.

* Mấy ngày qua, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra sạt lở bờ sông Ô Môn tại các điểm thuộc hai phường Thới Hòa và Thới An, quận Ô Môn, làm sạt lở hoàn toàn một nhà và một cây xăng. Ngoài ra, tại khu vực Thới Lợi (bến đò Rạch Vàm) đã xuất hiện vết nứt trên đường giao thông dài khoảng 30 m, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Phường Thới Hòa có hai điểm sạt lở đường bê-tông tại khu vực Hòa Thạnh với tổng chiều dài khoảng 40 m, lấn sâu vào phía bờ ba mét. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng dân quân hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời cảnh báo cho người dân, phương tiện biết để phòng tránh.

 

Theo PV và CTV/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm