Cập nhật: 14/06/2017 14:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau 3 giờ leo núi, cửa sau của Sơn Đoòng cũng đã hiện ra. Đứng ở cửa hang, có thể thấy rõ sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và ngoài. Hang có mái vòm lớn nhất thế giới này, có thể chứa được cao ốc 40 tầng.

Sau khi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố những bộ ảnh về hệ thống hang động Sơn Đoòng, cả thế giới đã choáng ngợp về hang động tự nhiên lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, giới thám hiểm Việt Nam vẫn chưa mấy ai đủ sức tiếp cận Sơn Đoòng, và ngay cả dân du lịch chuyên nghiệp cũng tỏ ra lo ngại. Họ có thể lặn không bình hơi qua một đoạn sông ngầm ngắn hay thả người bằng dây xuống vách đá nhưng lại rất thiếu tự tin với những thiết bị chuyên dụng mình sở hữu.

Hành trang hiện tại chỉ có chiếc máy ảnh loại xoàng, đôi giày vải cao cổ và chai nhựa đựng nước để băng qua cánh rừng không dấu chân người hay vượt qua đỉnh núi cao ngất. Trong khi đó, để có được những bộ ảnh đẹp, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh và sau này là các hãng BBC, NHK đã phải mang vào hang hàng trăm kg thiết bị chuyên dụng, từ máy phát điện cho tới bộ đồ lặn, từ máy ảnh đặc dụng cho tới các thiết bị leo núi...

Toàn bộ khu vực đều nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vốn đã lừng danh thế giới với vẻ đẹp và các kỷ lục của động Phong Nha và sau này là vẻ đẹp lộng lẫy của động Thiên Đường. Sơn Đoòng hiện giữ kỷ lục là hang có mái vòm lớn nhất thế giới, có thể chứa được một cao ốc 40 tầng.

Câu chuyện về Sơn Đoòng bắt đầu từ năm 1999, khi Hồ Khanh, một người địa phương rất nổi tiếng đưa thành công đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh vào trong lòng hang, từ đó những hình ảnh tuyệt mỹ về thạch nhũ và dòng sông, bãi cát ngầm... mới được thế giới biết tới.

Trên đường vào hang, lần này lại gặp Hồ Khanh đang đưa đoàn cán bộ khoa học chuyên nghiên cứu về thực vật vào Sơn Đoòng. Đoàn của anh đi rất nhanh dù con đường ướt nhoét bùn, tầng tầng lớp lớp lá mục, chằng chịt dây leo và càng đi càng dốc ngược.

Để đến được cửa hang phải đi dọc một lòng suối cạn chồng chất đá hộc, rồi vượt lên sườn núi, nơi có vô số mỏm đá tai mèo và những vách núi sắc như dao, chỉ sểnh chân là rơi xuống vực. Dốc nối dốc, sự mệt mỏi hút hết sinh khí trong lồng ngực, để mỗi bước nhấc chân là một cực hình. Nếu không có lời động viên của bạn đồng hành, có lẽ đã có người ngồi nguyên một chỗ đợi mọi người quay về.

Và sau khoảng 3 giờ leo núi, cuối cùng thì cửa sau của Sơn Đoòng cũng đã hiện ra trong tầm mắt, kỳ bí âm u hệt như những gì Thế Lữ đã tả trong "Vàng và máu" xưa kia. Để tiếp cận được đáy hang, phải di chuyển theo triền đá dốc nghiêng, khá nguy hiểm với trùng trùng vảy đá xếp lớp, kiểu như vảy cá. Những vảy đá này có lẽ được hình thành từ quá trình bồi lắng tự nhiên của dòng chảy từ trên cao xuống.

Đứng ở cửa hang, có thể thấy rõ sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và ngoài. Theo lời kể của người địa phương, xưa kia Hồ Khanh cũng bởi nhận ra hơi lạnh hút từ sườn núi mà phát hiện được cửa Sơn Đoòng. Đó là làn hơi lạnh lẽo, báo hiệu phía dưới là một vùng trống thăm thẳm đầy bí ẩn.

Cảnh vật hiện ra trước mắt không hề giống những hình ảnh được thể hiện trên Internet, bởi chỉ sau khi đi được vài chục mét, bóng tối mịt mù đã bao bọc mọi vật. Ánh sáng phát ra từ chiếc đèn gắn trán gần như chỉ giúp nhìn được xa vài mét, song cũng đủ để hiện lên những nét kỳ diệu của thạch nhũ. Qua hàng triệu năm, nước đã kiến tạo trong lòng núi Trường Sơn vô số kỳ quan, và quá trình tạo nhũ vẫn đang tiếp diễn. 

Dưới nền hang, những nơi tương đối phẳng, có hàng nghìn viên đá tròn nhỏ, là sản phẩm của quá trình bồi lắng canxi quanh một lõi ban đầu, và sự lưu chuyển chậm của nước đã hình thành nên những viên ngọc của núi, tương tự như sự hình thành ngọc trai. Ngoài ra còn có bộ xương thú hoá thạch nằm gần cửa nhưng chẳng thể biết là báo, hổ hay loài gì.

Hệ thạch nhũ của Sơn Đoòng cũng gợi lên vô vàn trí tưởng tượng cho con người. Nào là thác nước như đang đổ xuống bất ngờ đông cứng, nào là những cây nấm kỳ quái, rồi từng lớp vảy khổng lồ xếp lớp… Vì tiếp cận Sơn Đoòng từ mặt sau nên sẽ không được chiêm ngưỡng cảnh sắc ngoạn mục của một thảm rừng nguyên sinh mọc trong lòng hang như đi bằng cửa trước.

Dò dẫm trong bóng tối mịt mùng, nền hang lổng chổng đá trắng vỡ vụn do những khối thạch nhũ thỉnh thoảng từ trên trần rơi xuống. Sắc trắng của mảnh vỡ chứng tỏ khối nhũ này mới rơi chưa lâu nhưng khi rọi đèn pin lên trần chỉ thấy một khoảng tối thăm thẳm. Mọi người đều lo lắng bởi trên đầu chỉ có chiếc mũ bảo hiểm của thợ xây làm từ nhựa tái sinh.

Khi dò dẫm ra dốc vực chia cắt hai phần Sơn Đoòng có tên "Bức tường Việt Nam", đứng chênh vênh trên mép vực và ném thử hòn đá xuống, rất lâu sau mới nghe tiếng vọng trở lại. Thật ra đó là một vực thẳng tuột, cao khoảng 80 mét, và hành trình khám phá Sơn Đoòng từ cửa ngoài sẽ bị chặn ở đó. Hai cốt nền chênh nhau gần như chưa ai vượt qua được, ngoại trừ các nhà thám hiểm chuyên nghiệp trên thế giới.

Rất khác với việc đi thăm Phong Nha hay Thiên Đường vốn đã được cải tạo nền hang cho bằng phẳng và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, mỗi bước chân trong lòng Sơn Đoòng là một mạo hiểm, bởi chẳng ai dám chắc không có những tảng đá bất chợt rơi ra từ bóng tối hay những khe đá sâu hút dưới bề mặt. Trong không khí, độ ẩm rất cao khiến ánh mắt nhìn nhòe nhoẹt và máy ảnh rất khó chụp được những bức ảnh rõ ràng. Nền hang trơn, ẩm ướt, và vũng nước trong lòng hang là nguồn cung cấp nước cho hành trình trở ra sau khi lọc qua bằng thiết bị thô sơ.

Có lẽ cảm giác trong lòng hang cũng giống như trong casino, rất khó đoán thời gian nếu chỉ nhìn vào ánh sáng xung quanh. Sau bữa trưa ăn nhanh, đoàn lại vội vã trở ra. Hành trình lại tiếp nối y như lúc vào, chỉ khác là cơ thể đã rời rã và sức lực cũng gần cạn kiệt. Sau những giờ ngâm nước trong hang, giầy của ai cũng ướt sũng, còn quần áo, mũ và tóc tai đều đẫm mồ hôi.

Khi trời gần tắt nắng thì cũng là lúc mặt đường trải nhựa của nhánh Tây đường Hồ Chí Minh hiện ra. Hành trình của đoàn thứ 3 vào khám phá hang động Sơn Đoòng đã diễn ra may mắn. Tuy nhiên, các hành trình hiện nay chỉ mang tính chất thử nghiệm bởi tỉnh Quảng Bình đang xem xét việc khai thác loại hình du lịch mạo hiểm từ giữa năm 2014.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm