Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hiện đại của đất nước và là trung tâm vũ trụ hàng đầu ASEAN với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại.
Đài thiên văn đầu tiên của Việt Nam tại đảo Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: tuoitre.vn
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh vừa ký Quyết định số 1035 (có hiệu lực từ 17/7/2017) đổi tên Trung tâm Vệ tinh quốc gia thành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Đây được xem là sự ghi nhận, bước tiến mới trong việc khẳng định Việt Nam đã và đang từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ vũ trụ nói chung và công nghệ vệ tinh nói riêng.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia cho biết, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào tháng 9/2012, sau 5 năm triển khai, dự án đã hoàn thành được nhiều hạng mục.
Theo thiết kế của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và lộ trình phát triển của Trung tâm Vệ tinh quốc gia, dự kiến có khoảng 200 cán bộ vào năm 2019 cà 250 cán bộ vào năm 2022. Qua dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã cử 36 kỹ sư đến 5 trường Đại học Nhật Bản theo học thạc sĩ công nghệ vũ trụ, tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon 50kg dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Hiện nay 22/36 cán bộ Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã hoàn thành khóa học và đang công tác tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia để chuẩn bị tiếp nhận và vận hành Vệ tinh LOTUsat-1.
Thời gian qua, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon (1kg), đang và sẽ triển khai các dự án vệ tinh NanoDragon (4-6kg), MicroDragon (10kg), LOTUsat (600kg) bám sát theo đúng kế hoạch phát triển vệ tinh đặt ra.
Năm 2022, các hạ tầng kỹ thuật hiện đại dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh cũng sẽ sẵn sàng hoạt động để tiến tới phát triển vệ tinh LOTUSat-2 “Made in Việt Nam”. Với 2 vệ tinh công nghệ cảm biến radar hiện đại nay, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường…
Được biết, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được xây dựng phục vụ cả 3 lĩnh vực công nghệ vệ tinh, ứng dụng và khoa học vũ trụ với 4 cơ sở hạ tầng tại Hòa Lạc, Hà Nội, TPHCM và Nha Trang. Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hiện đại của đất nước và là trung tâm vũ trụ hàng đầu ASEAN với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại.
Trước mắt, vào tháng 7/2017, Đài Thiên văn Nha Trang sẽ được khánh thành với các nhiệm vụ: Thực hiện nghiên cứu cơ bản về vật lý thiên văn quang học và phổ biến kiến thức vũ trụ cho cộng đồng; hỗ trợ đào tạo, giảng dạy và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ; hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu trong cùng lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài… Khi đi vào hoạt động, Đài Thiên văn Nha Trang với nhà chiếu hình vũ trụ có sức chứa khổng lồ, sẽ phục vụ người dân, đặc biệt là sinh viên, các bạn trẻ tham quan...
Dự án Bảo tàng Vũ trụ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) hiện cũng đang được gấp rút xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018. Đây sẽ là nơi giới thiệu trực quan sinh động về lịch sử vũ trụ và khoa học vũ trụ của thế giới và Việt Nam, góp phần nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân về vũ trụ và vai trò của vũ trụ đối với cuộc sống của con người.
Theo Chinhphu.vn