Cập nhật: 10/07/2017 14:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mưu sinh trên biển, ngư dân thường xuyên phải đối mặt nhiều rủi ro, bất trắc. Vào thời điểm ranh giới giữa sự sống và cái chết, được quân và dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) giúp đỡ, sẻ chia, các ngư dân càng cảm nhận hết sự quý giá của tình quân dân giữa trùng khơi.

Đứng bên giường bệnh của Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tôi thật sự xúc động khi nghe lời cảm ơn từ đáy lòng của ngư dân Lê Văn Lại, thuyền viên tàu cá BÐ 98128 TS: "Tôi được hồi sinh là nhờ công của người dân và các anh bộ đội. Không thể diễn tả được hết sự biết ơn của tôi đối với mọi người".

Anh Huỳnh Văn Hơn, ngư dân cùng tàu với anh Lại, ngồi bên vừa chăm sóc anh Lại, vừa kể: Anh Lại quê gốc Bình Ðịnh, nhưng gia đình sinh sống ở phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Trước kia, anh Lại làm cho các tàu cá của Khánh Hòa; gần đây, mới về đi biển cho tàu cá Bình Ðịnh. Tàu của chúng tôi có 12 người, khởi hành từ Quy Nhơn ngày 15-6. Sau hơn ba ngày đi theo hải trình, tàu BÐ 98128 TS thả trôi để đánh bắt lưới vây ở khu vực Nhà giàn DK1/21. Thu lưới chưa được bao lâu thì anh Lại kêu đau bụng. Ban đầu, mọi người nghĩ anh đau bụng đơn thuần, nên vẫn duy trì việc đánh bắt. Càng lúc, anh Lại càng đau nhiều hơn, nôn mửa và đi ngoài ra máu. Ðến sáng 22-6, anh Lại yếu đi nhiều, nên thuyền trưởng tàu cá đưa anh vào Nhà giàn DK1/21 nhờ cứu chữa. Song do bệnh tình không thuyên giảm, nên cán bộ, nhân viên Nhà giàn đã cấp thuốc và chuyển anh xuống tàu cá để đưa sang cấp cứu ở đảo Trường Sa.

Năm giờ sáng 23-6, anh Lại được đưa vào Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, với các biểu hiện nguy cấp như: nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa, mạch nhanh, huyết áp thấp, da trắng bệch và không còn khả năng nhận biết. Qua thăm khám, các y, bác sĩ kết luận, anh Lại bị hội chứng mất máu cấp do loét dạ dày, tá tràng nặng. Trung tâm Y tế Trường Sa hội chẩn cùng bác sĩ Bệnh viện 175 và chỉ định bệnh nhân cần truyền máu gấp. Các y, bác sĩ đã kịp thời truyền tới sáu đơn vị máu cho anh Lại -

số máu đã được lấy trực tiếp từ cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa. Sau điều trị, sức khỏe của anh Lại dần bình phục, đang chờ tàu cá khác vào đón để về đất liền.

Trung tá Ðỗ Hải Ðăng, Chính trị viên đảo Trường Sa hỏi vui: "Sau chuyến này, bác Lại liệu còn đi biển tiếp không?". Mặc dù người còn mệt, nhưng anh Lại vẫn quả quyết: "Có chớ! Chừng nào còn sức, tôi vẫn đi biển!".

Ðiều khiến tôi thật cảm động, đó là: Xét nghiệm máu cho bệnh nhân Lại xong, các y, bác sĩ Trung tâm Y tế Trường Sa rất lo lắng, bởi anh Lại thuộc nhóm máu AB. Ðây là nhóm máu hiếm. Qua rà soát quân và dân trên đảo, các y, bác sĩ đã tìm được năm quân nhân và một hộ dân cùng nhóm máu với bệnh nhân và mọi người đều tự nguyện hiến máu cứu ngư dân Lại.

"Sống và lao động giữa biển khơi mênh mông, mới thấy hết được giá trị cuộc sống. Quân và dân Trường Sa chúng tôi xích lại gần nhau, gắn bó, yêu thương và coi nhau như người thân trong gia đình. Thấy các ngư dân mình nguy cấp, việc gì làm được tôi sẽ cùng bộ đội và nhân dân trên đảo sẵn sàng giúp đỡ...!" - chị Ðoàn Thị Thịnh, người dân trên đảo tâm sự.

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Ðình Hải, điều dưỡng viên của Trung tâm Y tế Trường Sa, vừa là người chăm sóc bệnh nhân hằng ngày, đồng thời cũng góp một đơn vị máu truyền cho anh Lại, tâm sự: "Tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, vì không có máu cấp cứu kịp thời. Chỉ cần hiến một phần máu của mình là có thể cứu sống họ. Thế nên, tôi tự nguyện cho đi giọt máu của mình, góp phần giữ lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh".

Câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, thêm một lần nữa khẳng định về tình đoàn kết quân và dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Theo NGUYỄN THANH THỦY

Nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm