Cập nhật: 13/07/2017 14:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự "sốt sắng" của Mỹ là điều dễ hiểu bởi vùng Vịnh là nơi ảnh hưởng quan trọng tới chính sách của Mỹ liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 12/7 đã đối thoại với các Ngoại trưởng của 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ai Cập tại Jeddah (Saudi Arabia) nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất tại vùng Vịnh hiện có nguy cơ lâm vào bế tắc.

Khủng hoảng ở Vùng Vịnh nguy cơ gia tăng (Ảnh minh họa: KT)

Một nhiệm vụ đầy thách thức đang đặt ra cho nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ trong vòng đàm phán lần này chính là tìm cách thuyết phục các quốc gia vùng Vịnh kết thúc "chiến tranh lạnh" vớQatar.

Cuộc đối thoại này phần nào cho thấy rõ thái độ tích cực của Mỹ trong việc đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao nhằm hóa giải mâu thuẫn gay gắt giữa Qatar và các quốc gia láng giềng A-rập trong suốt 1 tháng qua.

Rõ ràng, sự "sốt sắng" của Mỹ là điều dễ hiểu bởi lẽ vùng Vịnh là nơi ảnh hưởng quan trọng tới chính sách của Mỹ liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố.

Căn cứ không quân Udeid - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông tọa lạc tại Qatar và đây là căn cứ quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Vì vậy, tâm lý lo lắng, bất an của Mỹ khi cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao này có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố không phải là không có cơ sở.

Trước đó, ngay trong cuộc gặp người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng một lần nữa nhắc lại quyết tâm của Mỹ trong việc diệt trừ tận gốc chủ nghĩa khủng bố.

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt sau khi Mỹ và Qatar ký một biên bản ghi nhớ về chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ cho khủng bố, tuy nhiên dường như các quốc gia vùng Vịnh chống Qatar vẫn tỏ ra chưa mấy hài lòng khi cho rằng những gì Mỹ làm chưa đủ và vẫn cần duy trì biện pháp trừng phạt Qatar.

Một yếu tố được xem là bất lợi cho cuộc gặp tại Jeddah lần này, theo giới quan sát, có lẽ cũng chính bởi ngay từ đầu có vẻ như ông Rex Tillerson đang đứng về phía Qatar. Hiện chưa có bất kỳ tiến triển đột phá nào được ghi nhận từ cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Mỹ và các Ngoại trưởng 4 nước A-rập.

Vốn đã như một nút thắt khó gỡ, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh lại càng trở nên rối bời hơn khi vẫn không bên nào chịu nhượng bộ bên nào, thậm chí các bên đang xung đột còn lớn tiếng đe dọa lẫn nhau, công khai tỏ thái độ kiên quyết "ăn miếng trả miếng".

Qatar chắc chắn sẽ là nước chịu tổn thất nhiều nhất khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh lâm vào bế tắc. Bị tẩy chay, Doha không loại trừ khả năng đang đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử, đối mặt với thách thức lớn trước mắt như giá cả leo thang và những rủi ro từ lạm phát. Vì là nhà nhập khẩu thực phẩm chủ chốt, trước mắt, giá cả các loại hàng hóa, đặc biệt là giá các thực phẩm cơ bản, gia tăng đáng kể ở Qatar.

Quản lý một nhà hàng Trung Quốc tại Qatar cho biết, lá hẹ trước đây vốn khá phổ biến, thường có giá từ 3 - 4 riyals một cân. Nhưng hiện khó tìm được loại lá gia vị này trên thị trường kể từ sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao bùng phát. Giá của lá hẹ hiện nay cao hơn gấp 10 lần so với trước đây.

Không chỉ giá cả các mặt hàng hóa leo thang, Qatar cũng đang phải chứng kiến thị trường chứng khoán tuột dốc, tình trạng đồng nội tệ riyal liên tục mất giá. Hoạt động giao thương, du lịch cũng như dòng chảy của các luồng vốn đều bị ảnh hưởng.

Nhưng không chỉ phía Qatar chịu thiệt hại, các nước A-rập vùng Vịnh cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ sự cố rạn nứt ngoại giao này. Mâu thuẫn với Qatar có thể không gây tổn thất đáng kể về kinh tế, song cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao giữa các nước A-rập vùng Vịnh này đang đe dọa tới sự đoàn kết, thống nhất của tổ chức Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), ảnh hưởng tới vị thế, uy tín của Hội đồng này, đồng thời sẽ tác động tiêu cực lên việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Mặc dù hiện tại mâu thuẫn chồng chất mâu thuẫn, xong một kịch bản "xung đột vũ trang" giữa Qatar và các nước A-rập vùng Vịnh vẫn được dự báo là ít có khả năng xảy ra. Dẫu vậy, bất đồng vẫn cần sớm được hóa giải dựa trên lợi ích hài hòa của các bên, để tránh được những hệ lụy không mong muốn không chỉ với từng quốc gia liên quan mà còn tránh được nguy cơ đẩy cả một khu vực vốn đã đầy rối ren, phức tạp và bất ổn đứng trước một giai đoạn căng thẳng mới.

 

Theo Phương Anh/ VOV.VN 

Tệp đính kèm