NDĐT - Theo công bố báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được từ trước tới nay.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo.
Thông tin này được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết tại Hội thảo giới thiệu báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (GII) 2017 diễn ra chiều 13-7, tại Hà Nội.
Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016) trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước). Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ ba, sau Singapore và Malaysia, trên Thái Lan.
Báo cáo cho thấy, cả hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra về đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2017 đều có các tiến bộ vượt bậc so với năm 2016. Nhóm chỉ số đầu vào tăng tám bậc, trong đó hầu hết các nhóm chỉ số đều tăng bậc: thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển của thị trường. Nhóm chỉ số đầu ra tăng bốn bậc, trong đó chủ yếu là về tri thức và công nghệ. Các tiến bộ về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng rõ nét trong năm năm gần đây.
Từ Geneva, Thụy Sỹ, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva nhấn mạnh sự cần thiết duy trì tăng trưởng ổn định thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII hàng năm và đề xuất thiết lập một diễn đàn để các nước, nền kinh tế chia sẻ kinh nghiệm, rút ra các bài học cần thiết nhằm mục đích tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia/nền kinh tế. Để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, theo Đại sứ, chúng ta cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến xu hướng cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm qua và đặc biệt là năm 2017. Trong đó, có thể thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt việc chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải thiện thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho ĐMST trong nước đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Chuyên gia của WIPO cho rằng, để tiếp tục cải thiện năng lực ĐMST quốc gia, thể hiện qua thứ hạng Chỉ số GII, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào và đầu ra của ĐMST, trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia của WIPO, các bộ, ngành và địa phương đã đưa ra các giải pháp trong việc tiếp tục cải thiện các chỉ số ĐMST như: tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả thực thi của các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về cải thiện thể chế; xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh; tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh với định hướng nâng cao hàm lượng nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia cùng với các giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; có những giải pháp tăng cường các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường công nghiệp văn hoá toàn cầu.
HẠNH NGUYÊN/NHANDAN.COM.VN